Reuters cho biết, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 14/10 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh yêu cầu công ty được giao nhiệm vụ "thiết kế, phục hồi các yếu tố bị phá hủy về hạ tầng giao thông và kỹ thuật cầu Crimea" phải hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 1/7/2023.
Trước đó, ngày 12/10, hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies công bố cho thấy quá trình sữa chữa đang được tiến hành trên làn đường sắt và làn ôtô của cầu Crimea, còn gọi là cầu Kerch. Các phương tiện cỡ nhỏ được nhìn thấy vẫn lưu thông qua cầu, trong khi xe tải được vận chuyển bằng phà qua eo biển Kerch.
Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết, các vật tư kim loại để sữa chữa cầu Crimea sẽ bắt đầu được chuyển đến vào cuối tuần từ các thành phố Tyumen, Kurgan và Voronezh. Ông Khusnullin cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người đã hỗ trợ sửa chữa cây cầu.
Đối với phần đường sắt của cầu, ông Khusnullin cho biết đánh giá sơ bộ cho thấy cần phải thay thế hai nhịp trên đường ray. “Việc sửa chữa không ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và hành khách”, ông Khusnullin nhấn mạnh.
Cây cầu Crimea dài 19km nối liền hai bờ eo biển Kerch, giữa vùng Krasnodar của Nga và bán đảo Crimea, hư hại nghiêm trọng sau vụ nổ lớn rạng sáng 8/10. Hai nhịp cầu bị sập và 7 toa chở dầu trên đoàn tàu đang di chuyển đến Crimea đã bốc cháy. Các nhà điều tra Nga cho rằng chất nổ được giấu trong các cuộn vật liệu polyethylene trên xe tải đi qua cầu.
Ngày 12/10, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho biết đã bắt giữ 5 người Nga, 3 công dân của Ukraine và Armenia vì liên quan đến vụ nổ.
Trong những tuyên bố công khai về vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc các cơ quan đặc nhiệm Ukraine đứng đằng sau và gọi đây là “một vụ tấn công khủng bố” nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự.
“Những kẻ lên kịch bản, thâm nhập và chủ mưu là các cơ quan an ninh Ukraine”, ông Putin nhận định ngày 9/10. Song phía Ukraine không đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Mộc Miên (T/h)