(ĐSPL) - “Theo Luật Tổ chức Quốc hội, chỉ khi Quốc hội họp chính thức ở kỳ họp tới, biểu quyết bãi nhiệm thì đại biểu Châu Thị Thu Nga mới mất tư cách đại biểu Quốc hội", Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.
Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh VNexpress). |
Liên quan tới vụ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chia sẻ trên báo Thanh niên, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, bà Châu Thị Thu Nga mới chỉ bị đình chỉ nhiệm vụ để phục vụ công tác điều tra.
“Theo Luật Tổ chức Quốc hội, chỉ khi Quốc hội họp chính thức ở kỳ họp tới, biểu quyết bãi nhiệm thì ĐB Nga mới mất tư cách ĐBQH", bà Nương khẳng định.
Về việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nga, đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu TP HCM) cho rằng, việc này chắc chắn cũng phải theo luật Tổ chức Quốc hội và phải trên cơ sở kết luận điều tra. “Thậm chí, theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì ngay cả khi tòa chưa xét xử, chưa tuyên án thì cũng có thể chưa bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội vì nếu như tòa tuyên vô tội thì sao?”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, với những dấu hiệu có thể chứng minh được là bà Nga vi phạm pháp luật thì cơ quan bảo vệ pháp luật có thể đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga sớm hơn, trước mắt là đình chỉ nhiệm vụ của bà Nga để phục vụ công tác điều tra.
Xem video:
Áp dụng biện pháp tố tụng đối với ĐBQH Châu Thị Thu Nga
Trao đổi với PV báo Vietnamnet xung quanh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, việc đại biểu Nga bị bắt tạm giam ảnh hưởng đến uy tín của đại biểu Quốc hội, nhưng thực ra chủ yếu người nào có liên quan thôi. Nói chung là đau xót, người ta làm cũng phải chịu trách nhiệm thôi".
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ: "Đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật thì họ phải chịu. Nhưng ít nhiều cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là nếu đại biểu bị như vậy cũng không tốt cho Quốc hội lắm, 500 đại biểu cũng có người này người kia".
Tin tức từ báo Tuổi trẻ cho biết, chiều ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định “tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga”, đồng ý với đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao tại Công văn số 4866/VKSTC-V1 ngày 31/12/2014 “về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, khoảng 21h30 tối 7/1/2015, cơ quan công an đã tiến hành khám xét nhà riêng của bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), đại biểu Quốc hội để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, "không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện KSND tối cao". Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó. |