+Aa-
    Zalo

    Khi cuộc sống gia đình có vợ Hoạn Thư- chồng Tào Tháo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ghen là trạng thái cảm xúc được ví như một thứ gia vị trong tình yêu, cuộc sống vợ chồng. Nhưng đã là gia vị thì cần liều lượng vừa đủ.

    Ghen là trạng thái cảm xúc được ví như một thứ gia vị trong tình yêu, cuộc sống vợ chồng. Nhưng đã là gia vị thì cần liều lượng vừa đủ, quá tay nêm nếm sẽ khiến người ăn lắc đầu bỏ món.

    Những ca ghen tuông vô lối

    Gia đình chị Nguyễn Thị Thư (Thuận Thành, Bắc Ninh) đứng bên bờ vực đổ vỡ, nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh đa nghi của anh Thắng, chồng chị. Anh quan niệm đàn bà có chồng phải càng giản dị càng tốt, nhất là không được mặc váy ngắn trên đầu gối. Hễ ra ngoài mà ăn mặc đẹp, trang điểm xinh tươi là anh nghĩ chỉ có đi... ngoại tình.

    Vậy nên chỉ cần thấy chị Thư ăn mặc tươm tất một chút là y như rằng anh nói mát: “Ở nhà thì chả làm đẹp cho chồng ngắm, toàn đem thân đi “đãi” thiên hạ”. Điện thoại của chị anh không cho cài mật khẩu; mail, Facebook, Zalo cũng là... để dùng chung.

    Ảnh minh họa.

    Chị Thư cho biết: “Biết tính chồng tôi hay ghen nên đồng nghiệp trẻ cùng cơ quan hay trêu. Có lần, một cô bé đồng nghiệp lập Facebook ảo giả là đàn ông, vào nói chuyện, làm quen, mời tôi đi uống nước. Vậy mà chồng tôi ghen lồng lộn, giải thích thế nào cũng không nghe, tôi phải nhờ cô bé đó đến nhà, mở face- book ảo đó ra trước mặt chồng tôi, khi ấy anh mới tin.

    Mỗi đợt đi liên hoan với cơ quan, anh ấy chỉ cho tôi đến tham gia ăn uống sau đó tự tìm lý do cáo lui, cấm tiệt chuyện đi hát karaoke, đi tăng 2, tăng 3... với đồng nghiệp. Đi họp lớp, trong lúc chụp ảnh, có vô tình đứng cạnh bạn nam nào rồi bị họ đăng lên Facebook là y như rằng hôm ấy nhà tôi “có biến”.

    Dường như trong mắt chồng, tôi là người đàn bà dễ dãi, sẵn sàng ngã vào lòng bất kỳ người đàn ông nào, anh ấy nhìn đâu cũng suy ra đó là dấu hiệu ngoại tình của tôi”.

    Chị Nguyễn Như Mai (Long Biên, Hà Nội) cũng dở khóc dở cười vì ngoài việc hay ghen, chồng chị còn có tính đa nghi hơn Tào Tháo. Không ít lần chị Mai giận tím mặt khi bước từ cơ quan ra, thấy chồng đang lén lút rình rập từ xa. Đi làm mà cứ 10-15 phút, chồng chị lại nhắn tin hỏi vợ đang làm gì, chị chậm trả lời 1-2 phút là anh điện thoại truy lý do.

    Thấy chị hay đi cùng đồng nghiệp nam, chồng chị thắc mắc: “Cơ quan không có đồng nghiệp nữ nào hay sao mà suốt ngày vợ kè kè với mấy thằng trai trẻ thế?”. Nhiều hôm do bận làm hoặc bận họp nên chị Mai tắt máy, y rằng tối đó đi làm về sẽ được nghe chồng ca bài ca muôn thuở: "Đang bận hú hí với thằng nào nên không nói chuyện được với chồng chứ gì?”. Nếu đi công tác thì nhất thiết chị Mai phải cung cấp số điện thoại của người đi cùng để chồng... kiểm tra, ở đâu phải khai báo rõ địa chỉ...

    “Vì lúc nào cũng lo sợ tôi đi làm, tiếp xúc với nhiều người đàn ông, có ngày nhẹ dạ rồi khuân tiền của cho trai nên thu nhập của hai vợ chồng anh đề nghị để anh giữ. Đầu tháng chồng đưa tôi một khoản cố định để chi tiêu, đến cuối tháng phải liệt kê để chồng biết đã chi vào những khoản gì, hết bao nhiêu.

    Có lần, vì em trai tai nạn giao thông phải nằm viện, tôi bàn với chồng rút 10 triệu đồng để đưa bố mẹ lo cho em. Vậy mà chồng ậm ừ rồi ra chỗ kín điện thoại cho mẹ tôi để xác thực tình trạng của em trai tôi, số ngày ở viện dự kiến,... sau đó để tiền vào phong bì, bao kín lại bằng mấy lượt băng dính, ghi đậm số tiền bên ngoài phong bì, để vợ không... ăn bớt được.

    Vì muốn yên ấm gia đình, tôi đành nhẫn nhục. Nhưng càng lúc chồng tôi càng moi móc, suy luận quá đáng. Anh còn sợ tôi không thành thật khai báo về thu nhập nên hễ gặp đồng nghiệp của tôi là chồng tìm cách dò hỏi”, chị Mai kể.

    Cả chị Thư và chị Mai đều cảm thấy chán nản khi chồng ghen tuông, đa nghi. Vì chồng mà họ sống ngày càng khép mình. Chồng khiến các chị mất hết bạn bè, xấu hổ với đồng nghiệp. Từ đó dẫn đến những ức chế trong đời sống hôn nhân. Mâu thuẫn gia đình, những cuộc cãi cọ xảy ra ngày càng nhiều.

    Hôn nhân của anh Nguyễn Văn Quảng (35 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cũng lâm vào bế tắc bởi chị Yến, vợ anh không chỉ đa nghi, mà còn hay ghen. “Khi yêu, vợ tôi là cô gái vui vẻ, rất tin tưởng tôi. Cô ấy chỉ thay đổi vì trong quá trình mang bầu bé thứ 2, tôi có nhân tình trẻ và bị vợ phát hiện. Từ đó, vợ tôi như biến thành người khác. Đa nghi, động chút là ghen.

    Tôi đi làm, cô ấy căn đúng giờ đi, giờ về. Hôm nào tắc đường về muộn vài chục phút là bị hành lên hành xuống. Thậm chí hai vợ chồng nằm xem phim, tôi có buột miệng khen diễn viên nào xinh, ưa nhìn là y như rằng vợ nổi cơn ghen rồi nhắc lại chuyện tôi từng ngoại tình. Bữa cơm, tôi ăn nhiều hơn mọi hôm cũng bị nói mát “hôm nay ra ngoài làm gì mất sức mà đói thế?”, mà ăn ít đi 1 bát cũng bị kêu: “Làm gì mà mệt đến nỗi không ăn nổi cơm?”...”, anh Quảng kể.

    Gian nan học cách trao niềm tin

    Vì biết mình có lỗi nên anh Quảng sau đó đã tìm mọi cách để chuộc lỗi với vợ, chiều chuộng, yêu thương chăm lo cho vợ con. Ngoài giờ làm việc là về nhà chơi với các con, giúp vợ việc nhà, mong lấy lại niềm tin từ vợ.

    Vậy nhưng gần 2 năm kể từ khi phạm phải sai lầm, mặc cho anh cố gắng vun đắp tình cảm vợ chồng, vợ anh ngày càng ghen tuông vô lối, cộng với đó là nghi hoặc mọi thứ chồng mình làm, không tin tưởng chồng bất cứ điều gì. Điện thoại của anh vợ cũng bắt phải cài định vị để dễ quản lý. Mỗi khi kết thúc giờ làm, tưởng tượng đến ánh mắt, cái nhìn nghi hoặc của vợ khi mình vừa bước vào cửa nhà, anh Quảng lại thở dài, bước chân nặng trĩu.

    Ghen tuông, đa nghi khiến cuộc sống gia đình luôn căng thẳng. Hạnh phúc gia đình ở nút báo động khiến chị Thư, chị Hạnh, anh Quảng quyết định phải nói chuyện thẳng thắn với chồng, vợ mình với hy vọng giải quyết triệt để nguồn cơn gây giông bão trong gia đình. Chị Thư, chị Mai thẳng thắn cho chồng biết cảm giác khi phải sống trong sự đa nghi của chồng. Và đề nghị chồng, nếu trân trọng hạnh phúc gia đình thì học cách tin tưởng vợ.

    “Sau cuộc nói chuyện, tôi đặt thời hạn 2 tháng để chồng học cách tin tưởng. Tôi cũng chăm sóc, quan tâm chồng nhiều hơn, để anh ấy thấy rằng, với tôi, chồng con là số 1. Giờ đã qua hơn 1 tháng, tuy tính đa nghi của chồng tôi vẫn còn, nhưng đã giảm đi rất nhiều”, chị Thư cho biết.

    Còn anh Quảng, dù trên dưới chục lần nói chuyện thâu đêm với vợ để mong tìm được tiếng nói đồng nhất, nhưng chỉ 2-3 hôm sau, vợ anh lại “đâu đóng đấy”. Cuộc sống gia đình mệt mỏi với những màn tra khảo của vợ khiến anh thấy bế tắc, có lần anh đã thẳng thắn nói với vợ rằng, nếu không thể quên đi sai lầm của chồng, không thể ngừng bới móc chuyện đã qua, thì tốt nhất nên ly hôn. Nghe anh nói vậy, vợ anh khóc, xin lỗi rồi hứa sẽ sửa đổi.

    Với chị Mai, một buổi tối, sau bữa ăn, chị nói với chồng, chị muốn kết thúc cuộc hôn nhân với anh, vì chị không muốn duy trì một cuộc sống vợ chồng không được xây dựng bằng sự tin tưởng lẫn nhau, sự đa nghi kèm tính gia trưởng của anh khiến chị lâm vào trạng thái trầm cảm nhẹ.

    Bao năm làm vợ anh, anh luôn đối xử với chị như thể chị là người đàn bà không thủy chung, dù chị đã sống hết lòng vì chồng con. Vậy nên ly hôn là cách giải thoát tốt nhất cho cả hai. Nghe vợ nói, nhìn tờ đơn ly hôn đã có sẵn chữ ký của chị Mai, chồng chị tá hỏa, vội xin lỗi vợ và hứa sẽ sửa đổi, bỏ tính đa nghi.

    “Anh ấy giao chuyện tay hòm chìa khóa lại cho tôi, không tỏ thái độ khó chịu khi thấy tôi nói chuyện với người khác giới. Cũng không căn ke thời gian, hạnh họe khi vợ ra ngoài. Như vậy cũng coi như một tín hiệu tốt. Chỉ cần chồng tôi bỏ được tính đa nghi là gia đình lại trong ấm ngoài êm”, chị Mai chia sẻ.

    Phong Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-cuoc-song-gia-dinh-co-vo-hoan-thu--chong-tao-thao-a195736.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan