(ĐSPL) - Nếu như ở nhiều nơi, có được một chiếc cầu thì sẽ muốn cầu thật kiên cố, còn những người dân ở một số vùng ở Quảng Bình, thì việc có một chiếc cầu phao thôi, cũng chỉ là mơ ước. Bởi suốt mấy chục năm qua, nếu không có con đò, thì có nghĩa, cuộc sống của hàng ngàn người dân nơi đây sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Nghe qua thì tưởng như là câu chuyện của hàng chục năm trước nhưng lại là một thực tế đang diễn ra ở thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi con đò trở thành “cứu cánh” duy nhất của hơn 1200 người dân.
Thôn Trằm Mé nằm chơ vơ bên cạnh động Phong Nha, nơi đầu nguồn của sông Son chảy qua. Cũng giống như nhiều vùng khó khăn khác của Quảng Bình, Trằm Mé được coi là nơi đặc biệt khó khăn của xã Sơn Trạch khi cuộc sống của người dân hầu như “tự cung tự cấp”.
Ông Nguyễn Văn Mường, một người dân thôn Trằm Mé cho hay: "Ở đây chúng tôi hầu như chỉ trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ để tự nuôi sống gia đình nhằm hạn chế việc đi lại. Mùa hè thì còn đi qua sông bằng đò được nhưng còn mùa đông, nước sông dâng cao thì có khi cả tháng chúng tôi cũng không ra khỏi thôn".
Có lẽ vì khó khăn của việc đi lại nên tâm lý “an phận thủ thường” của cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ trở nên “bình thường” đối với nhiều người dân nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Minh, người dân thôn Trằm Mé phân trần: “Muốn đầu tư làm việc gì cũng khó vì cái công vận chuyển qua sông nó quá lớn. Còn trẻ con hàng ngày đi học cũng phải đi qua sông mà đến mùa lũ cũng phải nghỉ học cả tháng trời nên dần dần chúng nó cũng chán nản, không mấy ai học đến hết cấp 3 đâu, chưa hết cấp 2 là trẻ trong thôn rủ nhau bỏ học hết cả.”.
Học sinh xã Quảng Minh trên đường đến trường. |
Chính vì lẽ đó nên không có gì ngạc nhiên mà ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng thôn Trằm Mé cho biết, trong thôn số học sinh học cấp 3 cũng chỉ đếm đầu ngón tay, còn lại chủ yếu là học hết cấp 2 rồi nghỉ học quanh quẩn ở nhà. Những khó khăn về đi lại kéo theo cuộc sống cũng khó khăn theo khi hàng ngày đều phụ thuộc vào người lái đò.
Ông Thông cho biết thêm: “Toàn thôn có 258 hộ, hơn 1200 nhân khẩu, có hơn 100 hộ nghèo, thu nhập chỉ hơn 200.000 đồng/tháng/người. Thôn chúng tôi được xếp vào diện đặc biệt khó khăn. Mặc dù cấp trên đã quan tâm nhưng chỉ mới có một cây cầu phao nối liền trong thôn để thuận lợi cho học sinh cấp 1 đi học.
Vì không có cầu đi sang các thôn khác nên chúng tôi phụ thuộc vào người lái đò, đã có không ít người ốm đau bệnh tật trong đêm hôm, chờ được người đưa đi thì đã không qua khỏi. Chưa kể mùa lũ nếu có ai ốm đau nặng thì chấp nhận nằm chờ chết thôi. Còn việc nhiều người mang bầu khi trở dạ mà đẻ ngay trên đò cũng không phải chuyện hiếm”.
Luôn trăn trở với những khó khăn của thôn Trằm Mé, ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết: “ Lâu nay Trằm Mé luôn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn của xã, cuộc sống nhiều nơi đã thay đổi nhưng riêng ở đây suốt nhiều năm nay thì vẫn vậy. Theo tôi thì tất cả đều do việc đi lại khó khăn. Mặc dù địa phương cũng đã cố gắng mới có được một cây cầu phao nối thôn thôi, còn việc có một cây cầu phao để nối thôn với xã thì xem ra hết sức khó khăn."
"Mặc dù mới đây huyện có đi khảo sát Trằm Mé để đưa vào dự án xây dựng 186 cầu phao dân sinh nhưng so với yêu cầu thì khoảng cách giữa 2 bên bờ sông ở đây dài hơn so với quy định xây cầu 10 mét nên không được duyệt. Cho nên trước mắt chính quyền xã cũng hỗ trợ để có một con đò bằng sắt kiên cố hơn. Tuy nhiên, do Trằm Mé nằm trên đường đi của tuyến du lịch Phong Nha nên chỉ cho phép đi đò chèo bằng tay, một khi nước dâng cao hay lũ về thì hầu như đò này không hoạt động được.”, ông Trứ nói.
Hình ảnh người dân Trằm Mé qua sông bằng chiếc đò chèo bằng tay. |
Hình ảnh hàng chục em học sinh chen nhau ngồi trên một chuyến đò qua sông như ở Trằm Mé không phải là nơi duy nhất ở Quảng Bình. Ngay khu vực cồn bãi của xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) gồm 4 thôn với hơn 2.300 khẩu, trong đó hơn 200 em học sinh cấp 2, cấp 3 hằng ngày phải đi đò qua khúc sông rất rộng để đến trường. Không cần phải nói đến những khó khăn khi cuộc sống thiếu đi một cây cầu nhưng ẩn đằng sau đó là việc có thể xảy ra rất nhiều rủi ro khi qua lại bằng con đò chật chội và không có phao cứu nạn.
Kể về những khó khăn của người dân xã Quảng Minh, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng thôn Cồn Nâm cho hay: “Không có cầu đi lại nên cuộc sống người dân ở đây rất vất vả, nhất là các em học sinh vào mùa mưa lũ không đi học được nên chậm tiếp thu bài vở, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập. Trong khi nếu có ốm đau đột xuất đêm hôm thì giá cả thường rất cao, nhiều khi là họ không đi. Chưa kể là muốn ổn định cuộc sống, xây dựng nhà cửa cho kiên cố cũng rất khó khăn vì giá cả đưa về đến nơi thì tiền công đắt gấp đôi tiền vật liệu rồi. Cho nên những người dân sống bao đời nay ở đây lúc nào cũng mong mỏi có một cây cầu”.
Qua tìm hiểu được biết, việc đi lại phụ thuộc vào con đò đang diễn ra nhiều nơi ở Quảng Bình như: bến đò ngang trên sông Gianh ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, bến đò ở thôn Thanh Bình, huyện Bố Trạch; bến đò tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch…
Ðược biết, trước đây xã Quảng Lộc có một chiếc cầu phao bắc qua sông Gianh, nối với các xã vùng nam huyện Quảng Trạch nhưng hiện đã đổ sập. Bởi thế mà học sinh của xã này buộc phải dùng đò để qua sông.
Mùa mưa lũ đang đến gần, nguy cơ các em phải nghỉ học thất thường là điều dễ hiểu khi việc đi đò qua sông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. |
Hiện ở Quảng Bình có 159 xã, phường, thị trấn, trong đó có 28 xã vùng sâu, vùng xa địa hình bị chia cắt nên việc đi lại của người dân còn khó khăn. Từ năm 2010 đến 2014, tỉnh Quảng Bình cũng đầu tư hơn 2.261 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, trong đó dành một phần không nhỏ đầu tư giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều tuyến đường, cây cầu ở vùng miền núi, vùng sâu được xây dựng để tạo điều kiện đi lại thuận tiện và an toàn cho người dân.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn (Sở GTVT Quảng Bình) cho biết, sau trận bão lịch sử tháng 10/2013, nhiều công trình giao thông trên địa bàn bị hư hỏng nặng, trong đó có 9 cây cầu treo dân sinh ở 3 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch.
“Hàng ngày, người dân và các em học sinh ở các bản làng này phải dùng thuyền hoặc liều mình bơi qua sông mỗi khi lên rẫy, đến trường... Việc sửa chữa và đưa 9 cầu treo vào sử dụng từ đầu năm 2015 đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân ở các xã khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, nhiều địa phương hàng ngày vẫn còn đi lại trên những con đò hết sức khó khăn, nguy hiểm. Đó vẫn là nỗi trăn trở của chúng tôi. Do ngân sách của tỉnh có hạn nên chúng tôi vẫn đang chờ vào sự đầu tư và hỗ trợ của Bộ GTVT để người dân phần nào bớt khó khăn trong việc đi lại nếu có một cây cầu”.
XUÂN HƯƠNG
[mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]