+Aa-
    Zalo

    Khát khao sống của những mảnh đời bất hạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Xóm chạy thận Lê Thanh Nghị(Hà Nội) có gần 130 con người đang ngày đêm đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả. Sống và mưu sinh ở mảnh đất Hà Thành.

    (ĐSPL) - Nằm sâu trong ngõ 121, xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (Hà Nội) có gần 130 con người đang ngày đêm đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, vất vả. Sống và mưu sinh ở mảnh đất Hà Thành đắt đỏ này, cái chết có thể tới bất cứ lúc nào. Nhưng những con người kém may mắn ấy lúc nào cũng có niềm khao khát sống đến mãnh liệt.

    Những mảnh đời khó khăn vươn lên khỏi số phận

    Đến xóm chạy thận, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những dãy nhà cấp bốn xập xệ, san sát nhau, mờ mờ tối như chính tương lai của gia chủ vậy. Không gian nơi đây tĩnh lặng và ảm đạm đến nao lòng. Những thân hình tiều tụy, xanh xao, trong một xóm nghèo, tách biệt khỏi dòng người bận bịu, tất bật.

    Những dãy trọ nghèo nàn và lụp xụp của bệnh nhân xóm chạy thận.

    Xóm chạy thận Lê Thanh Nghị hiện có 128 đang sinh sống và chữa trị. Họ đều là bệnh nhân bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Trong xóm, người mới thì chạy được 2-3 năm, người cũ thì chạy được 11-12 năm. Cứ đều đặn tuần ba lần đưa nhau lên bệnh viện Bách Mai để chạy thận, lọc máu.

    Phần lớn mọi người trong xóm đều có hỗ trợ từ bảo hiểm y tế cho người nghèo nên việc chữa bệnh được hỗ trợ đến 95\%. Mọi người ở đây hầu hết là người nghèo đến từ các tỉnh thành khắp Bắc bộ như Sơn Tây, Bắc Giang, Nam Đinh, xa xôi hơn là ở Thanh Hóa, nghệ An, Sơn La, Lai Châu,…

    Cùng hoàn cảnh khó khăn như nhau, cùng mắc một căn bệnh như nhau, mọi người ở trong xóm tứ hải giao tình, luôn yêu thương giúp đỡ lẫn nhau từ những cái nhỏ nhặt nhất. Họ coi nhau như chính gia đình mình nương tựa nhau để cùng sống qua ngày qua năm.

    Mọi người đều hiểu rằng cuộc sống của mình còn rất nhiều chông gai, những khó khăn khi chiến đấu cùng bệnh tật. Nhưng cứ nghĩ đến những người vợ, người con đang ở quê ngày đêm lo lắng, yêu thương mình, họ lại có động lực để vui sống hơn. “Tôi khỏe mạnh thế này con cái ở nhà chúng nó mừng lắm, con cháu tôi vui vẻ là tôi cũng vui rồi” bác Tấn (75 tuổi) chia sẻ. Nếu không là sống với những người đồng cảnh với nhau, tương thân tương ái, cuộc sống sẽ chẳng khác gì địa ngục. Mười mấy năm mắc bệnh, nói chung là xa cách chồng vợ, nhà cửa, quê hương. Phần lớn cũng đã chẳng còn gia tài nữa, cạn kiệt vì chữa bệnh từ lâu rồi. Nhưng dù có thế thì bệnh tật vẫn không thể “quật ngã” được nghị lực và sự kiên cường trong họ.

    Bác Nguyễn Văn Lễ (60 tuổi) chia sẻ: “Lúc mới đầu nhận được tin bị suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận tôi cũng chán nản, tâm lý thì suy sụp lắm rồi, chỉ muốn chết ngay cho xong. Nhưng nhờ được người nhà động viên khuyên nhủ thì cũng đi điều trị”. Bác đã có thâm niên 6 năm chạy thận, quê ở Bắc Giang tháng may ra khỏe mạnh thì về nhà được 2 lần rồi lại xuống. Chịu nỗi đau bệnh tật, nhớ nhà, nhớ vợ con làm bác không ăn không ngủ được. Lúc ngon miệng thì ăn được nhiều là hai bát còn đâu chỉ xơi vài thìa. Đêm nằm trằn trọc chỉ ngủ được 2-3 tiếng.

    Khốn khó là vậy nhưng mọi người vẫn luôn tìm cách tạo ra nguồn vui cho cuộc sống. Mọi người trong xóm thường tụ tập nói chuyện phiếm với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui từ xa xưa rồi cười với nhau như chẳng có gì để bận tâm nữa. “Sống được mấy nữa đâu, cứ vui vẻ lạc quan may ra còn cố thêm được vài năm” bác Tư (55 tuổi) quê ở Sơn Tây chia sẻ.

    Bác Tư có vẻ may mắn và lạc quan hơn những người trong dãy trọ. Mọi việc sinh hoạt đều do bác trai đảm nhiệm, chăm sóc cho bác gái từ cái nhỏ nhất đến cái to “ngồi nói chuyện vui vẻ thế này thôi chứ động việc là bà ấy đổ luôn. Ra mưa cũng đổ, ra nắng cũng đổ nên tôi phải chăm bà ấy rất kỹ” bác Dũng nói. Ở quê con cái chồng con hết rồi, bác trai cũng khăn gói lên đây sinh hoạt luôn. Thỉnh thoảng không về quê được thì mấy đứa con đứa cháu lại kéo lên Hà Nội thăm. Kể chuyện mua vui cho ông bà nghe.

     Vợ chồng bác Tư đang nói chuyện vui vẻ với mọi người trong xóm.

    Không được may mắn như bác Tư, bác Hạnh sinh năm 1944 quê ở Nam Định ngồi nói chuyện ngay cạnh chia sẻ: “Tôi hưởng 80\% chế độ gia đình chính sách, không bằng chế độ của người nghèo nên khó khăn lắm, một tháng tiền chạy chữa ăn uống cũng hết hơn 2 triệu rồi”. Chồng mất sớm, có mỗi cô con gái đi lấy chồng rồi. Sống bằng đồng lương liệt sĩ ít ỏi của chồng. Lên đây chạy chữa một mình. Tất cả mọi thứ đều tự phải tự lo. Ở nhà khó khăn cái gì bán được là mang bán hết để có chi phí chữa trị và trang trải cuộc sống.

    Mọi người ở trong xóm những người còn trẻ còn sức tranh thủ đi làm mấy nghề linh tinh như chạy xe ôm, đánh giày, nhặt ve chai,… để thêm vào đồng ăn đồng uống. Còn những người già yếu như bác Tư, bác Lễ, bác Tấn, bác Mai… thì chẳng còn sức để làm gì nữa. Nhưng nhiều lúc muốn làm cũng không được.

    kể chuyện anh Hà Văn Đình (30 tuổi) quê tít Sơn La. Anh là một người kém may mắn. Bị viêm cầu thận lúc 12 tuổi, đến năm 24 tuổi thì bắt đầu phải chạy thận. Đến nay đã đã được hơn 7 năm. Sống với căn bệnh quái ác từ lúc còn là một đứa trẻ. Cuộc sống không hề đơn giản, từ gánh nặng tâm lý đến gia đình. Chi phí chữa trị một phần là có bảo hiểm, còn những thứ tiền còn lại thì gia đình phải chu cấp hết cho anh.

    Trước kia khi mới ra đây điều trị anh cũng có đi đánh giày ở quanh quanh bệnh viện, nhưng đi được mấy buổi thì bị chính quyền an ninh thu hết đồ nghề. Cũng chưa làm để đủ số vốn đã bỏ ra nên coi như mất trắng. Lần đấy anh cũng rất suy sụp, mặc cảm bản thân nhiều lắm. Cuộc đời lắm cái khổ, đã mang cái bệnh trong người khi còn khỏe muốn làm cái gì đó để đỡ đần nhau người ta cũng không tạo điều kiện cho.

    Anh Đình chia sẻ: “Người ta còn có vợ có chồng thỉnh thoảng xuống đỡ đần chăm sóc. Tôi thì cả nghĩ đến cũng không dám. Bị như thế này, làm sao mà có tương lai được nữa”. Căn bệnh thận quái ác đã hành hạ anh suốt mấy chục năm nay nhưng vẫn không “quật ngã” được nghị lực sống kiên cường của anh cũng như tất cả mọi người trong xóm chạy thận.

    Có những người vì một lý do nào đấy mà tự mình cướp đi chính mạng sống của mình. Nhưng cũng có những người, dù cuộc sống khó khăn đến đâu, sự sống của họ có mong manh đến thế nào, thì họ vẫn có một niềm khao khát được sống đến mãnh liệt. Họ không trách móc hay oán than số phận dù chỉ là nửa lời.

    Cuộc sống khốn khó là vậy nhưng mọi người ở đây chẳng bao giờ nhụt chí mà ngược lại, họ có tinh thần quần cường để chiến đấu vơi bệnh tật. Vượt qua nỗi đau đớn về thể xác, những con người ở đây hằng ngày vẫn tự gieo rắc niềm hi vọng cho chính bản thân mình. Để được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Ngồi tâm sự với những bệnh nhân ở đây, tôi nhìn thấy được sự đau khổ của họ, nhưng cái tôi thấy rõ hơn đó là niềm tim, niềm tin của họ vào cuộc sống này. Tôi chỉ cầu mong những Mạnh Thường Quân, những tấm lòng nhân ái khắp mọi nơi hãy cùng chung tay giúp đỡ họ. Để họ được sống với chúng ta, để cuộc đời của họ ngày càng tươi đẹp hơn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khat-khao-song-cua-nhung-manh-doi-bat-hanh-a75075.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.