+Aa-
    Zalo

    Khánh Hoà yêu cầu thu hồi siêu dự án 33 triệu USD của tỷ phú 8X Hồng Kim Yến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Siêu dự án 33 triệu đô Nha Trang Sao sau khi bị thu hồi sẽ được dùng để xây công viên, phục vụ mục đích công cộng, giải trí cho người dân và du khách.

    Siêu dự án 33 triệu đô Nha Trang Sao sau khi bị thu hồi sẽ được dùng để xây công viên, phục vụ mục đích công cộng, giải trí cho người dân và du khách.

    Thông báo của UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến dự án Nha Trang Sao. Ảnh chụp màn hình

    Thu hồi "siêu dự án" để xây công viên

    Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân vừa có kết luận liên quan đến dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (dự án Nha Trang Sao) có địa chỉ TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lấn Vịnh Nha Trang gây xôn xao dư luận nhiều năm nay.

    Theo đó, ông Nguyễn Tấn Tuân đã giao sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi đất dự án Nha Trang Sao (sau khi đã hết thời gian 24 tháng kể từ ngày chấm dứt hoạt động dự án theo Quyết định số 18/QĐ-SKHĐT ngày 19/1/2018 của sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa).

    Đồng thời yêu cầu sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa làm việc với chủ đầu tư để xem xét giải quyết hậu quả pháp lý khi UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định thu hồi đất dự án theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa kết quả thực hiện trước 30/6/2020.

    Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, phần đất được thu hồi tại dự án Nha Trang Sao sẽ được dùng để xây công viên, phục vụ mục đích công cộng, giải trí cho người dân và du khách.

    "Siêu dự án" 33 triệu đô xây kè lấn vịnh

    Theo tìm hiểu, dự án Nha Trang Sao nằm bên bờ biển đường Phạm Văn Đồng, đối diện danh thắng Hòn Đỏ (TP.Nha Trang), tổng diện tích 103.568 m2, trong đó có 44.152 m2 mặt đất và 59.416 m2 mặt nước. Dự án có vốn đầu tư khoảng 33 triệu USD với các hạng mục chính như công viên, quảng trường, khối nhà nghỉ, khách sạn, bến cano, tầng hầm...

    Dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận địa điểm đầu tư từ tháng 8/2011, cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 9/3/2012.

    Tháng 6/2017, dự án bị phạt hành chính vì chậm tiến độ, bị dừng hoạt động (tháng 8/2017). Đặc biệt, khi lập phương án điều chỉnh, chủ đầu tư dự án Nha Trang Sao bị Hội kiến trúc sư Khánh Hòa phát hiện cóp nhặt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ một dự án sân golf khác.

    Trong thời gian qua, dự án Nha Trang Sao đã đổ đá xây kè xâm lấn danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòa Đỏ; liên lục chậm tiến độ, không lập phê duyệt, niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường trước khi triển khai nên đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi vào tháng 1/2019.

    Theo đó, khi thu hồi thì phải có thời gian gia hạn cho chủ đầu tư 24 tháng để xử lý tài sản trên đất. Tuy nhiên, kể từ khi có quyết định thu hồi đến nay, dự án Nha Trang Sao chưa được khắc phục lại hiện trạng mà khu vực này vẫn là một bãi đất trống, ngổn ngang đất đá, rác thải, cỏ dại mọc um tùm.

    Bà chủ 8x đổ vốn vào "siêu dự án" 33 triệu USD là ai?

    Dự án Nha Trang Sao do Công ty Cổ phần Nha Trang Sao làm chủ đầu tư. Công ty này được thành lập ngày 20/4/2011 với vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Ngô Văn Dũng, Ngô Phi Hùng và Nguyễn Thị Hồng.

    Đơn vị hoạt động kinh doanh ngành, nghề chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày; ngoài ra còn có các ngành khác như nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; xây dựng nhà, công trình đường sắt, đường bộ; vận tải hành khách bằng taxi; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; đại lý du lịch, điều hành tour du lịch…

    Tháng 3/2015, Công ty cổ phần Nha Trang Sao nâng vốn điệu lệ lên 298,89 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của các cổ đông không thay đổi.

    Tháng 3/2017, 3 cổ đông sáng lập đồng loạt chuyển nhượng cổ phần cho 3 cổ đông là: Hồng Kim Yến, Thái Thị Kim Linh và Lê Thị Hiệp.

    Cụ thể, bà Hồng Kim Yến (SN 1988) chi 149,455 tỷ đồng để mua lại cổ phần của ông Ngô Phi Hùng. Còn hai bà Thái Thị Kim Linh và Lê Thị Hiệp mỗi người chi 74,7225 tỷ đồng, mua cổ phần của các cổ đông Nguyễn Thị Hồng và Ngô Văn Dũng.

    Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp được chuyển sang bà Hồng Kim Yến. Nữ doanh nhân 8x này còn được biết đến là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV khách sạn quốc tế Thiên Phúc.

    Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, và sở hữu và có quyền khai thác khách sạn Novotel Saigon Centre (địa chỉ: 167 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM). Công ty Thiên Phúc được thành lập từ năm 2013 với vốn điều lệ 550 tỷ đồng.

    Theo Báo cáo tài chính Quý I/2015 của Công ty cổ phần quê hương Liberty, công ty này sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV khách sạn quốc tế Thiên Phúc (tương đương 660 tỷ đồng).

    Tuy nhiên, năm 2016,  Công ty quê hương Liberty đã chuyển nhượng khách sạn quốc tế Thiên Phúc cho đối tác khác. Giá cả và thông tin đối tác trong thương vụ này không được tiết lộ.

    Sau đó, bà Hồng Kim Yến trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV khách sạn quốc tế Thiên Phúc.

    Theo tìm hiểu của PV, khách sạn quốc tế Thiên Phúc được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn Green View. Công ty này được thành lập từ năm 2014. Hiện nay, Sài Gòn Green View có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng, do doanh nhân Ngô Thị Mỹ Vi làm Chủ tịch HĐQT.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khanh-hoa-yeu-cau-thu-hoi-sieu-du-an-33-trieu-usd-cua-ty-phu-8x-hong-kim-yen-a325776.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan