Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế vừa phát hiện thêm ba loài thực vật mới tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ảnh minh họa: Một loài thực vật mới mới được tìm thấy tại Thanh Hóa. |
Cụ thể, trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm - Khoa học Việt Nam) và Viện Nghiên cứu sinh học - Công nghệ sinh học Hàn Quốc về điều tra, khảo sát nguồn đa dạng thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà giai đoạn 2011- 2014, các nhà khoa học đã phát hiện thêm ba loài thực vật mới gồm sổ nước, nhược hùng nhẫn và giả mao tử, nâng tổng số loài thực vật được xem là đặc hữu của khu bảo tồn này lên 21 loài.
Công trình nghiên cứu trên đã thu thập tiêu bản và bảo quản tất cả 708 loài thực vật của khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; đồng thời mô tả, giới thiệu toàn bộ nội dung trong cuốn sách “Đa dạng thực vật Khu bảo tồn Hòn Bà, Khánh Hòa, Việt Nam” được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Việt, Anh.
Các nhà khoa học còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị, làm cơ sở để bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên thực vật trong phạm vi nghiên cứu.
Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà được thành lập năm 2005, cách thành phố Nha Trang khoảng 30 km theo đường chim bay về phía Tây Nam, với tổng diện tích tự nhiên trên 19.000 ha, nằm trên địa bàn bốn huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Đầu năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà đến năm 2020. Theo đó, tỉnh dành gần 95 tỷ đồng để triển khai hơn 10 nhiệm vụ cụ thể, nhằm đáp ứng các mục tiêu đề ra.