+Aa-
    Zalo

    Kháng thuốc đe dọa nghiêm trọng sức khỏe toàn cầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN và MT và các đối tác phát triển tại VN vừa ký kết Văn bản thỏả thuận về phòng chống kháng thuốc tại VN.

    Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam (WHO, FAO, OUCRU, CDC.US, JICA…) vừa ký kết Văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

    Đây là bước ngoặt quan trọng và được xem là việc làm cấp bách, thiết thực để đối phó nguy cơ kháng kháng sinh đang đe dọa toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

    Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

    Báo cáo của tổ chức WHO năm 2014 về vấn đề kháng thuốc cho thấy, chi phí thiệt hại do kháng thuốc có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD và 10 triệu người có thể chết nếu không có các biện pháp hành động kiên quyết hơn để giải quyết tình trạng này.

    Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

    Trong khi đó, việc nghiên cứu, sản xuất các thuốc kháng sinh mới thiếu hụt, dẫn tới sự khan hiếm, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

    Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã ký kết thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc với nhiều bộ, ngành và tổ chức trong và ngoài nước. Mục tiêu và nội dung cơ bản đầu tiên của Kế hoạch hành động quốc gia là nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc.

    Bộ Y tế cũng đã tổ chức lễ phát động và hưởng ứng triển khai tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động (từ 16-22/11/2015). Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được duy trì thực hiện hằng năm.

    Tuần lễ truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong y tế, trong cộng đồng, trong nông nghiệp, chăn nuôi và lưu thông trên thị trường...

    Trong khuôn khổ tuần lễ cũng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về phòng chống kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và lễ mít-tinh, diễu hành, chạy bộ tại Hà Nội và dự kiến tại một số thành phố lớn như TPHCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Điện Biên, đồng thời lấy 1 triệu chữ ký thể hiện cam kết phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.

    Theo báo Điện tử Chính Phủ

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khang-thuoc-de-doa-nghiem-trong-suc-khoe-toan-cau-a116661.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.