Người dân các địa phương đang khẩn trương bắt tay vào khắc phục hậu quả của bão số 10 để bà con ổn định cuộc sống.
Báo Tiền Phong đưa tin, vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh sau bão ngổn ngang. Ngay sau khi bão tan, hàng trăm người dân gồm các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai tập trung tại các tuyến đê để gia cố, sửa sang lại chỗ hư hỏng.
Lực lượng vũ trang giúp đỡ nhân dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh khắc phục hậu quả của bão. Ảnh: báo Tiền Phong. |
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, địa bàn tỉnh có 2 người chết, 1 người bị thương nặng, 210 nhà bị tốc mái, 65 hộ dân bị ngập, 510 ha lúa hư hỏng. Nhiều tuyến đê xung yếu tại xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) bị lở mái. Kè đê biển thị xã Hoàng Mai bị sạt lở 400m. Tổng thiệt hại khoảng 518 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An chỉ đạo giúp đỡ dân tu sửa nhà cửa, ổn định đời sống, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất; bỏ lệnh cấm biển, ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản và hoạt động trên biển kể từ 11 giờ ngày 16/9.
Sáng ngày 17/9, trời Hà Tĩnh tạnh mây hửng nắng, từ rất sớm trên các ngả đường từng tốp người đến tận nhà dân bị thiệt hại nặng để dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa giúp dân. Khoảng 9h, các vật dụng, đồ đạc được mọi người dọn dẹp đưa về các điểm tập kết gọn gàng. Trên địa bàn các phường Kỳ Trinh, Kỳ Liên, Kỳ Phương nhiều quán hàng đã bày bán trở lại. Tuy nhiên, nhiều xã tiếp tục mất điện, sóng điện thoại nhiều nơi gián đoạn. Phó giám đốc điện lực Hà Tĩnh Phan Đắc Hùng cho biết, tại trung tâm một số huyện được cấp điện để đảm bảo liên lạc, còn các vùng phụ cận vẫn chưa có điện sinh hoạt.
Báo Nông Nghiệp thông tin thêm, tại Quảng Bình, ngay sau khi bão tan, lãnh đạo tỉnh đã có mặt tại các địa phương để trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Hoài- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đến huyện miền núi Tuyên Hóa chỉ đạo khắc phục hậu quả bão. Theo báo cáo, huyện Tuyên Hóa có trên 12.000 ha rừng trồng đã đến kỳ thu hoạch. Bão làm gãy đổ trên 8.000 ha, gây thiệt hại về rừng trồng lên đến trên 500 tỷ đồng.
Kiểm tra tại hiện trường, ông Hoài chỉ đạo khẩn trương vận động bà con sớm tận thu những cây gãy trước để bán gỗ nguyên liệu băm dăm. Sau đó tiếp tục khai thác cây bị ngã rạp. Tỉnh và huyện sẽ vận động các doanh nghiệp thu mua cho bà con theo giá thị trường, tránh trường hợp ép giá gây khó khăn thêm cho bà con.
“Ngoài ra, các địa phương chủ động và tập trung vào việc sữa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh, khai thông các tuyến giao thông. Những địa phương nào gặp nhiều khó khăn, tỉnh sẽ có hỗ trợ một phần để sớm khắc phục hậu quả”- ông Hoài chỉ đạo.
Ngành điện lực cũng đang nỗ lực cấp điện trở lại cho nhân dân. Ông Thái Hồng Quân- Giám đốc Cty Điện lực Quảng Bình cho biết: ‘Sau bão, đã có gần 8.000 cột điện bị gãy đổ. Đơn vị đã huy động hết nhân lực và phương tiện; đồng thời có sự hỗ trợ của các đơn vị bạn để cố gắng có điện lại cho các địa phương trong vòng 3 ngày tới”. Hiện đã có 60/159 xã phường, thị trấn được cấp điện trở lại.
Tại Quảng Trị, cơn bão số 10 đi qua khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Ngày 16/9, chính quyền địa phương đang gấp rút khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, theo TTXVN.
Huyện Vĩnh Linh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, từ lúc 9h15 ngày 15/9, cơn bão số 10 đã khiến hàng loạt cây cối đổ gãy đè lên đường dây hạ thế khiến cả huyện mất điện hoàn toàn. Ngay sau khi cơn bão đi qua, điện lực Vĩnh Linh đã triển khai lực lượng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, sửa chữa đường dây. Đến 14h30 cùng ngày, điện lực tỉnh đã khôi phục sự cố cấp điện cho thị trấn Hồ Xá và một số xã. Tính đến ngày 16/9, trên địa bàn huyện vẫn còn có 4 xã: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Nam và Vĩnh Trung mất điện.
Sau cơn bão số 10, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 10.000 hộ dân tại 4 huyện là Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ bị mất điện sau bão. Mọi công tác khắc phục sữa chữa lưới điện vẫn đang được triển khai. Nguyên nhân chính dẫn đến sự cố trên hầu hết là do gió lớn làm cây gãy đổ làm đứt dây diện, chập điện ngoài hành lang. Ngành điện lực đang huy động 100% nhân lực tập trung sửa chữa đường dây.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc điện lực Vĩnh Linh cho biết: "Trước và sau cơn bão, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân lực và vật lực tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống điện nhằm khắc phục sự cố. Khó khăn lớn nhất hiện nay là anh em phải mất rất nhiều công sức để chặt bỏ cây gãy đổ đè lên đường dây, gãy cột điện. Tuy nhiên, mọi công tác khắc phục vẫn được triển khai cố gắng hoàn thành sớm để phục vụ cho người dân…"
Hiện chính quyền địa phương và người dân vẫn đang nỗ lực dọn vệ sinh môi trường, chặt bỏ cây gãy đổ, dọn dẹp, phát quang; huy động lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân chống đỡ cây cao su ngã, đổ, thu hoạch lúa, sữa chữa lợp lại nhà bị tốc mái…
(Tổng hợp)