"Gặp nhau cuối tuần" là chương trình được sản xuất bởi VTV, bắt đầu lên sóng từ tháng 4/2000 và kết thúc vào tháng 12/2006.
Trong 6 năm, "Gặp nhau cuối tuần" đã đem đến cho khán giả xem truyền hình nhiều tiếng cười. Nhiều nghệ sĩ cũng trở nên quen mặt với công chúng khi tham gia diễn xuất trong "Gặp nhau cuối tuần" như: Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quang Thắng, NSUT Phạm Bằng, Văn Hiệp, Giang Còi, Quang Tèo...
Sau 15 năm kể từ ngày số cuối cùng của "Gặp nhau cuối tuần" phát sóng, các nghệ sĩ đều thành công trên con đường sự nghiệp nghệ thuật riêng. Tuy nhiên một vài gương mặt gạo cội đã từ dã cõi đời khiến nhiều khán giả không khỏi tiếc nuối.
Nghệ sĩ Giang Còi
Sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư hạ họng, đêm 4/8, nghệ sĩ Giang Còi đã trút hơi thở cuối cùng.
Nghệ sĩ Giang Còi phát hiện mắc ung thư hạ họng giai đoạn ba vào đầu năm nay. Bên cạnh đó ông còn bị xơ gan, xuất huyết dạ dày. Do phải điều trị nhiều căn bệnh trong cùng một lúc nên sức khoẻ của cố nghệ sĩ đã suy giảm nhanh.
Tại thời điểm nhập viện vào cuối tháng 7, căn bệnh của ông đã di căn vào phổi. Sự ra đi của nghệ sĩ Giang Còi khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Ngay sau khi nghệ sĩ qua đời, trang Fanpage của nghệ sĩ đã cập nhật tin tức với dòng trạng thái "Sống dài ngắn không quan trọng, quan trọng là sống như thế nào."
Nghệ sĩ Giang Còi tên thật là Lê Hồng Giang, sinh năm 1962 ở Hà Nội. Cố nghệ sĩ trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, có bốn người con. Nhiều năm qua, ông sống một mình nuôi con, không đi thêm bước nữa và phải chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Sự ra đi của nghệ sĩ Giang Còi là một mất mát lớn với bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Nghệ sĩ Văn Hiệp
Nghệ sĩ Văn Hiệp gắn liền với vai diễn bác trưởng thôn cũng là tên tuổi rất đỗi quen thuộc với khán giả khi Gặp Nhau Cuối Tuần. Ông qua đời vào sáng 9/4/2013 tại nhà riêng, hưởng thọ 71 tuổi.
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông theo học nghề tại lớp diễn viên khóa 1 - Phân hiệu Kịch nói, Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam - thế hệ vàng của sân khấu Việt Nam, cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu.
Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Từ 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch TW và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.
Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Nổi tiếng với việc "mua vui" cho thiên hạ nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp có đời sống riêng không hạnh phúc. Hai vợ chồng danh hài sống ly thân nhưng không ly hôn, ông gần như một mình nuôi con. Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên trong tình trạng tài chính sống không mấy dư dả.
NSƯT Phạm Bằng
Ngày 31/10/2016, NSƯT Phạm Bằng qua đời ở tuổi 85 vì bệnh về gan. Cố nghệ sĩ Phạm Bằng lúc sinh thời vừa hoạt động ở lĩnh vực sân khấu vừa là diễn viên hài kịch.
Năm 1955, nghệ sĩ Phạm Bằng là sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính nhưng năm sau, ông phải nghỉ học. Năm 1959, ông tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Sau đó ông được tuyển vào đoàn văn công Hà Nội. Khi Nhà hát Kịch Hà Nội được thành lập, ông tham gia nhiều vai diễn, nổi tiếng với các vai phản diện.
Năm 1975, nghệ sĩ Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Giáo sư Đình Quang nhận ra khiếu hài trời cho của ông. Ông đoạt hai Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc (vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương).
Chương trình Gặp nhau cuối tuần trên VTV3 là nơi nghệ sĩ Phạm Bằng được công chúng biết đến và ái mộ nhiều nhất. Một số tiểu phẩm tiêu biểu của Phạm Bằng như: Nghe đồn, Cờ bạc, Về quê…
Ngoài ra ông còn tham gia nhiều tiểu phẩm hài, hài Tết, Gala cười, Gặp nhau cuối năm... Tham gia đóng phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ.
Năm 1993, nghệ sĩ Phạm Bằng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Nhà thơ Hà Nhuận Cầm
Ngày 20/4/2021, nhà thơ Hà Nhuận Cầm đột ngột qua đời khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng.
Ngoài thơ, ông Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim như Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri. Trong đó, kịch bản Mùi cỏ cháy giúp ông đoạt giải Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.
Bên cạnh đó, ông Hà Nhuận Cầm còn tham gia diễn hài và được khán giả biết đến nhiều qua vai diễn "bác sĩ Hoa Súng" trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần".
Mộc Miên (T/h)