19h hôm nay (12/9), Concert 4 Anh trai "say hi" sẽ diễn ra tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội với sự tham gia của hàng chục nghìn khán giả. Tuy nhiên, ngay từ rạng sáng cùng ngày, rất đông khán giả đã xếp hàng chờ check-in tại bên ngoài cổng.
Phần lớn những người xếp hàng sở hữu hạng vé đứng. Họ xếp hàng với hy vọng được check-in sớm và nhanh chóng vào sân chọn chỗ đứng đẹp, gần sân khấu nhất.
Trước đó, tại concert 3 Anh trai "say hi" diễn ra vào ngày 7/12, hàng nghìn bạn trẻ cũng đã có mặt từ 4h sáng để xếp hàng.
Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng, việc fan Hà Nội xếp hàng xuyên đêm để chờ xem show Anh trai say hi dù tối mới diễn là một hiện tượng đáng chú ý dưới góc độ truyền thông.
Theo ông Minh, điều này không chỉ cho thấy sức hút của chương trình mà còn phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa chương trình và khán giả xuyên suốt từ TV Show cho tới sau concert tại TPHCM.
"Khi người hâm mộ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức như vậy, điều đó chứng minh họ cảm nhận được giá trị đặc biệt từ chương trình, dưới góc độ cá nhân. Ở đây, không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn, mà còn là sự kiện mà khán giả cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, của khoảnh khắc văn hóa chung.
Trong truyền thông, chúng ta gọi đó là "hiệu ứng cộng đồng tích cực". Và có cả hiệu ứng fomo trong dạng sự kiện này, một điều rất khó xây dựng nhưng khi đạt được, nó trở thành nền tảng vững chắc để thương hiệu hoặc chương trình phát triển. Điều này cũng tạo nên một câu chuyện mạnh mẽ cho mạng xã hội và truyền thông đại chúng", ông Minh nhìn nhận.
Về những ý kiến trái chiều, cho rằng hiện tượng fan xếp hàng chỉ là chiêu trò câu like, câu view, chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng, điều gì được chứng minh bằng hành động thực tế từ khán giả với số lượng lớn thì không thể gọi là chiêu trò, sắp đặt, câu like.
Đó là phản ứng tự nhiên của những người yêu thích chương trình, ở đây có thể ban tổ chức đã khéo léo đưa ra các dạng "content" thu hút trước khi show chính thức diễn ra.
"Nếu chúng ta chỉ nhìn bề nổi và kết luận rằng đây là một cách "làm màu" thì sẽ bỏ qua công sức rất lớn từ đội ngũ sản xuất, nghệ sĩ và cả fan. Một chương trình có sức hút lớn đến mức khán giả số lượng lớn sẵn sàng hy sinh thời gian, giấc ngủ để tham gia không thể là thứ chỉ xây dựng được bằng chiêu trò.
Đó là kết quả của việc xây dựng kết nối lâu dài mang tính giải trí, gắn bó với khán giả qua nhiều chiến dịch và nội dung chất lượng xuyên suốt cả năm qua", chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng chia sẻ, hiện tượng fan Hà Nội xếp hàng xuyên đêm từ 12h đêm đến sáng để chờ show thần tượng, dù tối mới diễn ra, không phải là điều hiếm gặp trong văn hóa đại chúng toàn cầu.
Theo ông Long, tại Hàn Quốc, người hâm mộ các nhóm nhạc K-pop như BTS, Blackpink, hay EXO thường cắm trại qua đêm để chờ các buổi biểu diễn, sự kiện ký tặng, hoặc mua hàng hóa độc quyền.