(ĐSPL) - Ngay trong đêm 13/7, 10.000 liều văcxin Td đã được chuyển từ Nha Trang vào ổ dịch bạch hầu Bình Phước để tiêm cho nhóm có nguy cơ mắc cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh Bình Phước, chiều 13/7, lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM đã họp khẩn với Sở Y tế Bình Phước về giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh này.
Ngoài ra, theo báo điện tử Tổ quốc, trong đêm 13/7, đã có 10.000 liều văcxin bạch hầu được chuyển từ Nha Trang vào ổ dịch bạch hầu Bình Phước để tiêm cho nhóm người có nguy cơ mắc cao.
Theo đó, số vắc xin này sẽ được tiêm cho 500 người lớn và 250 trẻ em cùng với việc cấp kháng sinh uống dự phòng trong 10 ngày tại Bình Phước.
Một bệnh nhân bạch hầu được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Ảnh: VnExpress |
VnExpress thông tin, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước cho biết ổ dịch khu trú ở 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú, 37 trường hợp giám sát bệnh, trong đó 3 ca tử vong. Hiện 6 bệnh nhân đã xuất viện, 28 người đang theo dõi, điều trị tại các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy (TP HCM), Đa khoa tỉnh Bình Phước, trạm y tế xã Thuận Lợi... Trong 36 mẫu đưa đi xét nghiệm, Viện Pasteur TP HCM xác định có 4 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Theo Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, 3 năm qua Bình Phước là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng văcxin bạch hầu cao, song có tỷ lệ nhất định chưa tiêm ngừa tích lũy qua nhiều năm, hơn nữa hiệu lực tiêm ngừa văcxin giảm dần theo độ tuổi, tạo nên cộng đồng miễn dịch chưa đầy đủ.
"Để giúp đỡ tỉnh Bình Phước dập dịch, Viện Pasteur cử chuyên gia ở lại nằm vùng, tạo cầu nối trong các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật", ông Lân cho biết. Hiện huyết thanh kháng độc tố để điều trị bạch hầu đang hiếm và được tích cực huy động.
Liên quan đến việc phòng chống và đối phó với dịch bạch hầu tại Bình Phước, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường vệ sinh cá nhân, đặc biệt là xử lý môi trường tại các nơi mắc bệnh; khử khuẩn áo quần, đồ chơi trẻ em, bề mặt tiếp xúc…
Thực hiện uống kháng sinh dự phòng đối với người dân trong vùng dịch, người trong gia đình, người có tiếp xúc với bệnh nhân vào 7 ngày trước và 7 ngày sau khi người đó khởi phát bệnh.
Tỉnh rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tiêm ngừa bạch hầu đầy đủ 4 mũi vào tháng thứ 2, 3, 4 và tháng thứ 18. Tại khu vực vùng dịch, trẻ từ 18 đến 48 tháng được tiêm thêm một mũi DPT. Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao từ 6 đến 26 tuổi được tiêm văcxin Td. Toàn bộ chi phí dự phòng, xét nghiệm điều trị đều được miễn phí.
Cán bộ y tế tham gia chống dịch phải kiểm tra lại miễn dịch và uống văcxin, trong thời gian chưa đủ miễn dịch khi tiếp xúc với bệnh nhân phải uống kháng sinh dự phòng.
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]rv6xU5evck[/mecloud]