+Aa-
    Zalo

    Khám phá vườn thượng uyển của vua Lê ở Khu di tích Lam Kinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cách TP Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, nằm trên huyện Thọ Xuân là khu di tích rộng chừng 30ha, gồm đền, miếu, lăng, hành cung, đặc biệt là khu vườn xanh ngát.

    Cách TP Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, nằm trên huyện Thọ Xuân là khu di tích rộng chừng 30ha, gồm đền, miếu, lăng, hành cung, đặc biệt là khu vườn xanh ngát với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

    Lam Kinh (Thanh Hóa) vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, ngư­ời có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418 - 1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ) lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất, lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Đồng thời, nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

    Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.

    Bên cạnh những chứng tích đáng tự hào về một thời kì hưng thịnh và hào hùng của lịch sử dân tộc, du khách đến với Lam Kinh còn vô cùng thích thú với vẻ đẹp xanh ngát của vườn cây rộng bạt ngàn với đủ loại cây quý có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi.

    Nhiều cây cổ thụ trong khu vườn với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, gốc cây to nhiều người ôm không xuể

    Giữa rừng cây nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng gió lay trên cành lá xào xạc, mùi hương dịu mát của cỏ cây cùng với không gian thanh vắng khiến cho con người tới đây đều có cảm giác thanh tịnh, khoan khoái mà tạm quên đi những ồn ào, xô bồ ở bên ngoài.

    Theo lời của người hướng dẫn viên, khu vườn này vốn là vườn thượng uyển để các vua Lê và quan lại khi xưa về đây thưởng ngoạn. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chịu khói lửa của các cuộc chiến tranh cùng với thiên nhiên tàn phá, khu vườn thượng uyển này không được nguyên thủy nhưng về cơ bản, vẫn giữ được sự cổ kính và trầm mặc vốn có.

    Rừng cây xanh ngát và rộng bạt ngàn trước đây từng là nơi thưởng ngoạn của các vua và quan lại nhà Hậu Lê
    Có nhiều lối đi dẫn về các hướng khác nhau của khu rừng để du khách có thể tận hưởng cảm giác thanh tịnh nơi đây

    Đánh giá ý nghĩa quan trọng của khu di tích Lam Kinh đối với lịch sử dân tộc, hiện nay, Lam Kinh đang được trùng tu và tôn tạo để trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh đó là những câu chuyện kì bí về các loài cây kỳ lạ khiến du khách không khỏi tò mò và thích thú khi tìm đến đây.

    Vừa đặt chân tới Lam Kinh, chúng tôi đã nghe bà cụ bán nước ở khu di tích nói rằng : “Đã đến Lam Kinh thì nhất định phải đến xem cây ổi cười. Cây ổi này đã hơn 80 năm rồi, quả rất nhỏ nhưng chỉ bằng đầu ngón tay nhưng chín thơm phức. Nhìn thì bé tí thế thôi nhưng thiêng lắm đó”, bà nói với vẻ tự hào. 

    Cây ổi cười độc nhất vô nhị ở khu di tích Lam Kinh

    Khi chúng tôi tận mắt mục sở thị, cây ổi nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, mặc dù đã gần trăm năm tuổi nhưng cành lá thì nhỏ bé. Chỉ cần chạm vào thân cây và gãi nhẹ, những đầu lá ổi rung lên bần bật như người cười khúc khích, nếu nắm tay vào cành và nhắm mắt cảm nhận sẽ có cảm giác lắc lư như bị cành cây giật đi.

    Những người gắn bó lâu năm ở đây nói rằng, vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, vô cùng thiêng liêng. Đây cũng được coi là huyệt điểm quan trọng trong khu di tích Lam Kinh nên mới có hiện tượng như vậy bởi cây ổi này chỉ ở trong lăng mới có hiện tượng "cười", còn khi chiết trồng nơi khác thì không hề có hiện tượng lạ ấy nữa.

    Bên cạnh những cây cổ thụ hàng trăm năm, khu vườn còn đang được trồng thêm nhiều loài cây quý

    Khi tận tay, tận mắt cảm nhận, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên lẫn thích thú, có người đoán rằng dưới gốc cây có từ trường, có người nói do cây ổi nhỏ nên chỉ cần tác động một lực nhẹ lên thì cành lá rung lên là điều bình thường. Tuy nhiên cũng có không ít người sợ sệt, chắp tay khấn vái cây ổi như gặp một vị thần hiển linh. Theo người hướng dẫn viên, cây ổi được phát hiện “biết cười” lần đầu tiên năm 2001 cũng bởi một du khách. Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

    Dù có lý giải theo cách nào đi nữa, thì cũng không ai có thể phủ nhận rằng, đây là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất chứa đầy linh khí của trời đất và sinh ra những nhân tài kiệt xuất, là niềm tự hào không chỉ của những con người xứ Thanh mà của cả dân tộc Việt Nam.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-vuon-thuong-uyen-cua-vua-le-o-khu-di-tich-lam-kinh-a94569.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.