+Aa-
    Zalo

    Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ và nghề rèn độc đáo của non nước miền biên ải Cao Bằng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ kì thú, kết hợp với núi rừng hùng vĩ, Cao Bằng chính là địa điểm du lịch được yêu thích của rất nhiều người. Đến với Cao Bằng, ngoài không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp, ẩm thực siêu ngon, bạn còn có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm văn hóa vô cùng độc đáo của vùng đất Tây Bắc này.

     

    Vẻ đẹp kỳ vĩ giữa non nước Cao Bằng

    Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Nơi này có 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế, trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là miền đất mà du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây.

    khi thai xe may00011616still036
    Cột mốc biên giới tại thác Bản Giốc. Ảnh - Ngọc Tân

    Không chỉ vậy nơi đây còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, từng được bình chọn là một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.

    khi thai xe may00013720still037
    Thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt-Trung có độ cao hơn  60m. Ảnh - Ngọc Tân

    Nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt-Trung có độ cao hơn 60m với độ dốc dài nhất là 30m. Chia thành nhiều lớp đá vôi nối tiếp nhau và trải dài tới hàng trăm mét. Giữa thác xuất hiện một gò khu đất rộng lớn được bao trùm bởi nhiều cây xanh, chia dòng sông thành ba nhánh không giống nhau.

    Nhìn từ xa, màn nước mảnh giăng hàng giữa đất trời núi non trùng điệp bên dòng sông Quây Sơn thơ mộng. Đến gần, những ngọn nước từ triền núi cao đổ xuống tung bọt trắng xóa rất ấn tượng. Không xa khu vực thác là chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên xây dựng trên biên cương phía bắc, kiến trúc đẹp, nằm trên núi cao như một dấu ấn tinh thần của văn hoá Việt nơi mảnh đất địa đầu thiêng liêng. Ngoài ra, động Ngườm Ngao cũng là một di tích độc đáo mang một cảnh đẹp hang động kỳ ảo.

    Khám phá làng nghề truyền thống 

    Không chỉ có Thác Bản Giốc mà một trong những điểm đến đáng chú ý ở Cao Bằng đó là làng nghề rèn Phúc Sen của đồng bào Nùng ở huyện Quảng Uyên. Nghề rèn ở đây có lịch sử hơn 300 năm. Sau những thăng trầm, nghề rèn Phúc Sen với các loại sản phẩm phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

    khi thai xe may00035110still041
    Làng Phúc Sen huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng. Ảnh - Ngọc Tân

    Ngay từ đầu làng, du khách đã nghe tiếng quai búa nện nhịp nhàng, tiếng xì xèo của những thanh sắt nóng đỏ khi ngâm vào nước lạnh. Nhịp sống ở xã Phúc Sen là âm thanh rèn từ những đôi bàn tay rắn chắc, khéo léo, ngày ngày giữ “hồn” nghề rèn truyền thống của người Nùng An… 

    khi thai xe may00021510still039
    Không chỉ đàn ông mà phụ nữ làng rèn Phúc Sen cũng tham gia phụ giúp gia đình rèn dao. Ảnh - Ngọc Tân

    Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ. Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện.

    khi thai xe may00031812still040
    Nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ. Ảnh - Ngọc Tân

    Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, tháng 1 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

    Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

    Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây của non nước Cao Bằng sẽ khiến cho du khách muốn trùng lòng, sống chậm lại để được tận hưởng những giây phút quý giá nơi đây.

     

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-ve-dep-hung-vi-va-nghe-ren-doc-dao-cua-non-nuoc-mien-bien-ai-cao-bang-a551595.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.