(ĐSPL) - Mô hình đầu tàu điện ngầm tuyến metro số 1 vừa được Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam để nghiên cứu và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hội đoàn và người dân.
Mô hình trưng bày gồm phần đầu máy có buồng lái và một toa tàu. Đầu tàu thiết kế bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng khí động học khỏe khoắn, vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ.
Đầu tàu thiết kế bo tròn về phía dưới làm nổi bật hình dáng khí động học khỏe khoắn, vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ. Ảnh: VnExpress. |
Theo Ban quản lý, mô hình có màu xanh da trời để thể hiện vẻ tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của Việt Nam.
Màu trắng đục làm chủ đạo bên trong toa tàu. Có tất cả 8 cửa ra vào được bố trí đều ở 2 bên thành toa để hành khách lên, xuống. Giữa 2 toa xe có cửa thông.
Mô hình có màu xanh da trời để thể hiện vẻ tươi trẻ, mạnh mẽ và dễ chịu trong điều kiện môi trường của Việt Nam. Ảnh: VnExpress. |
Tàu có cửa sổ lớn cùng vách ngăn để phân chia khu vực hành khách đứng và ngồi. Đại diện ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, giai đoạn 1, mỗi đoàn tàu sẽ có 3 toa (tổng chiều dài là 61,5 m) và vận chuyển hơn 900 hành khách (khoảng 50 hành khách ngồi, 270 hành khách đứng mỗi toa); vận tốc khai thác 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Theo dự kiến, để phục vụ cho toàn tuyến metro số 1, Ban quản lý sẽ sắm 17 toa tàu, đóng tại Nhật Bản.
Cabin (buồng lái) được bố trí ở hai đầu đoàn tàu, rộng bằng chiều rộng toa xe và kín hoàn toàn, có cửa ngăn cách với khu vực của hành khách. Tài xế trên tàu có thể quan sát hành khách và các hoạt động khác bằng hệ thống camera để xử lý kịp thời các tình huống xấu.
Cabin (buồng lái) được bố trí ở hai đầu đoàn tàu, rộng bằng chiều rộng toa xe và kín hoàn toàn, có cửa ngăn cách với khu vực của hành khách. Ảnh: VnExpress. |
Trang thiết bị trong tàu gồm ghế ngồi có khoang trống bên dưới lắp dọc theo thành xe, được chế tạo bằng nhựa gia cường sợi thủy tinh. Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn). Theo tính toán, thời gian vận hành của các đoàn tàu cách nhau khoảng 5 phút, giờ cao điểm thì 2 phút 10 giây; thời gian dừng tại ga khoảng 30 giây. Hành khách lên xuống tàu bằng hệ thống tự động, không được ăn uống và hút thuốc.
Tương tự như xe buýt, phía trên giữa 2 dãy ghế là tay vịn và móc nắm được lắp đặt trong toa xe để đảm bảo an toàn cho hành khách đứng.
Phía trên giữa 2 dãy ghế là tay vịn và móc nắm được lắp đặt trong toa xe để đảm bảo an toàn cho hành khách đứng. Ảnh: VnExpress. |
Tàu được vận hành dưới dạng tự động, công nghệ của Nhật, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên tàu không có nhân viên phục vụ. Phí lên tàu được thu ngay từ cửa kiểm soát của nhà ga. Cửa lên xuống của hành khách được thiết kế với mỗi bên thành toa xe có 4 cửa lên xuống và có cửa lên cabin, phía trên cửa là bảng điện tử thông báo ga đến.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP .HCM, kế hoạch lấy ý kiến của các sở - ngành, nhà khoa học và người dân đối với mô hình đầu máy, toa tàu tuyến metro số 1 sẽ chỉ diễn ra trong một tháng, từ 15/3 đến 15/4, thay vì 3 tháng như dự kiến trước đây.
Sau đó ý kiến sẽ được tổng hợp và đề xuất với hãng chế tạo Hitachi, là nhà thầu gói thầu số 3 về “thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng” của tuyến metro số 1.
Dự kiến, đoàn tàu metro đầu tiên sẽ được đưa từ Nhật Bản về Việt Nam vào cuối năm 2016. Sau đó, 16 đoàn tàu khác cũng được đưa về để khai thác tuyến metro số 1 vào năm 2020. Để vận hành và bảo dưỡng cho toàn tuyến metro số 1, khoảng 400 nhân viên, kỹ sư sẽ được đào tạo.