Như đã đưa tin, ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới trị giá 250 triệu USD, bao gồm: Tên lửa phòng không AIM-9M, tên lửa HIMARS, đạn pháo 155 mm và 105 mm, thiết bị rà phá bom mìn, tên lửa chống tăng TOW, Javelin và các tên lửa chống tăng khác.
Nhắc tới AIM-9, sau 60 năm, đây vẫn là dòng tên lửa không đối không nổi tiếng và thành công nhất của Washington, khi được sản xuất và sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
AIM-9 (hay AIM-9 Sidewinder) có mặt trong lực lượng không quân của ít nhất 50 quốc gia trên khắp thế giới, với hơn 200.000 tên lửa được sản xuất và từng bắn hạ gần 300 máy bay. Bản thân Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) vẫn duy trì hợp đồng bảo trì và hỗ trợ hậu cần đối với Sidewinder cho tới năm 2055.
Phát ngôn viên USAF Stephanie Powell từng tuyên bố rằng: “Do chi phí tương đối thấp, tính linh hoạt và độ tin cậy nên rất có thể Sidewinder sẽ vẫn còn trong kho của lực lượng này cho đến cuối thế kỷ 21”.
Tên lửa AIM-9 Sidewinder, được đặt theo tên của loài rắn Sidewinder có khả năng phát hiện con mồi thông qua thân nhiệt. Hiện công ty Raytheon Technologies Corp là đơn vị sản xuất loại tên lửa này.
AIM-9 Sidewinder được phát triển bởi Hải quân Mỹ từ cuối những năm 1940, với việc sử dụng các công nghệ mới giúp loại vũ khí này đơn giản và đáng tin cậy hơn nhiều so với dòng AIM-4 Falcon. Sau những cuộc thử nghiệm khắt khe và cả trên chiến trường, Lực lượng Không quân Mỹ đã quyết định thay thế Falcons bằng Sidewinder.
AIM-9 Sidewinder được đưa vào trang bị vào năm 1956 với tư cách là tên lửa tầm nhiệt đầu tiên trên thế giới và là vũ khí hàng không tiên tiến nhất lúc bấy giờ.
Nếu nói tên lửa Sidewinder là loại tên lửa không đối không có tầm ảnh hưởng lớn nhất cũng không ngoa chút nào. Các chương trình nâng cấp cho Sidewinder luôn đảm bảo rằng bầu trời trong tầm bắn của nó luôn đầy rẫy nguy hiểm đối với bất kỳ máy bay địch nào.
Sidewinder là tên lửa tìm nhiệt, dò tìm dựa trên bức xạ hồng ngoại phát ra từ nhiệt xả của động cơ máy bay. Loại vũ khí này được thiết kế bắn tầm ngắn để sử dụng trong những cú nhào lộn và xoay vòng khi không chiến. Thế nên tên lửa AIM-9B chỉ có tầm bắn 2km, nhưng khoảng cách này đã dần được nối rộng theo thời gian, tới dòng AIM-9X là 10km và hiện tại tầm bắn tối đa có thể đạt 35km.
Tầm bắn chỉ là một trong những đặc điểm cải tiến trong suốt quãng thời gian dài phục vụ của Sidewinder. Sự kiện mấu chốt là sự ra đời của tên lửa AIM-9L vào năm 1976. Trong những phiên bản trước đó, một chiếc máy bay phóng tên lửa phải bay ở sau mục tiêu để tên lửa có thể khóa mục tiêu hoàn toàn dựa trên tín hiệu nhiệt xả ra từ động cơ của máy bay đối phương. AIM-9L là vũ khí đầu tiên sử dụng hệ thống dẫn đường hồng ngoại nâng cao, với khả năng thực hiện khóa mục tiêu ngay cả khi được ngắm vào phía bên sườn hay thậm chí là mũi máy bay địch.
Thân và cánh của Sidewinder được làm gần như hoàn toàn bằng nhôm. Các cánh tản nhiệt phía trước là kim loại nguyên khối, trong khi các cánh tản nhiệt phía sau có lớp vỏ kim loại mỏng và khung bên trong bằng nhôm tổ ong.
Gần như tất cả các biến thể của AIM-9 Sidewinder đều sử dụng thiết bị dẫn đường hồng ngoại, máy dò mục tiêu quang học chủ động, đầu đạn nổ mạnh và động cơ tên lửa.
9X là phiên bản mới nhất của Sidewinder và bắt đầu được triển khai vào năm 2003. AIM-9X Sidewinder dài 3m, nặng 84kg, có khả năng cơ động và kháng nhiễu cao hơn so với mẫu AIM-120 AMRAAM sử dụng đầu dò radar.
Tính cơ động và cảm biến tiên tiến của AIM-9X được giới quân sự thế giới đánh giá là một trong những tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại mạnh nhất thế giới.
Một trong những tính năng "đỉnh" của tên lửa AIM-9X là khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng nên phù hợp với các tiêm kích tàng hình có khoang vũ khí bên trong thân.
Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch mua 255 tên lửa AIM-9X trong năm tài khóa 2023. Chi phí của thương vụ này rơi vào khoảng 111,9 triệu USD, tương đương với 439.000 USD cho mỗi quả tên lửa.
Mộc Miên(Theo Military Today)