Trong danh sách 10 loại tàu ngầm nguy hiểm nhất thế giới, có tên của các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nga và Anh, tuy nhiên không có sự góp mặt của Trung Quốc.
Popular Mechanics đưa ra một bảng xếp hạng mới về 49 loại tàu ngầm nguy hiểm nhất thế giới bao gồm những tàu ngầm hạng nặng hạng A, nhưng cũng có một số tàu ngầm loại nhỏ nhất đang được sử dụng. Danh sách này có các tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Ohio của Mỹ, mỗi tàu có thể tấn công mục tiêu với 154 tên lửa hành trình, cũng như một số tàu được đóng ban đầu trong Thế chiến thứ II và tàu ngầm hạng trung do Iran và Triều Tiên thiết kế.
Danh sách do chuyên gia hải quân H.I. Sutton lập và đưa lên trang Covert Shores, là danh sách các tàu ngầm nguy hiểm nhất mà hải quân thế giới vận hành. Danh sách này tính đến số lượng ngư lôi, ống phóng ngư lôi và ống tên lửa của tàu ngầm được thiết kế để bắn tên lửa hành trình chống hạm hoặc tấn công đất liền.
USS Annapolis, một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles, phóng tên lửa Tomahawk. Ảnh: DVIDS. |
Một tàu ngầm thường sẽ mang từ 12-38 ngư lôi hoặc tên lửa dùng chung từ 4-8 ống phóng ngư lôi. Trong khi đó, các ống tên lửa, thường được lắp thẳng đứng trên đỉnh thân tàu, mỗi ống mang một tên lửa. Ví dụ, các phiên bản sau của tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles của hải quân Mỹ được trang bị 4 loại ngư lôi 533 mm để phóng ngư lôi Mk. 48 Advance Capability (ADCAP), một số ngư lôi dẫn đường tốt nhất trên thế giới. Một tàu lớp Los Angeles có thể mang tới 33 loại vũ khí cho các ống phóng ngư lôi, bao gồm cả Mk.48s và phiên bản phóng từ tàu ngầm của tên lửa chống hạm Harpoon.
HMS Audacious, chiếc thứ 4 trong lớp tàu ngầm tấn công Astute của hải quân Hoàng gia Anh, đang chuẩn bị hạ thủy năm 2017. Ảnh: Getty. |
Bốn tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio của Mỹ đứng đầu danh sách. Những tàu ngầm này, ban đầu được thiết kế để mang theo 24 tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân Trident, đã bị loại khỏi nhiệm vụ răn đe hạt nhân do hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga.
Hải quân Mỹ, thay vì cho "nghỉ hưu", đã đổi các hầm chứa tên lửa Trident của họ để có khả năng mang theo hải quân SEAL và các phương tiện vận tải dưới nước của họ và tên lửa tấn công trên bộ Tomahawk. Bốn tàu lớp Ohio đã được cải hoán hiện có thể mang theo 154 tên lửa Tomahawk, nhiều hơn nhiều so với bất kỳ nền tảng nào khác.
Lễ hạ thủy năm 2017 của Kazan, chiếc thứ 2 trong các tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Severodvinsk của hải quân Nga. Ảnh: Getty. |
Những cái tên còn lại của danh sách bao gồm một số tàu ngầm mới, bao gồm tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Severodvinsk mới của Nga với tổng số 72 ngư lôi và tên lửa, lớp Astute của hải quân Hoàng gia Anh với 44 vũ khí.
Danh sách xếp hạng được đưa ra có một số lựa chọn đặc biệt, bao gồm hai tàu ngầm lớp Guppy của Đài Loan, ban đầu được đóng trong Thế chiến thứ II. Kích thước không phải là tất cả và một số tàu ngầm nhỏ nhất trên thế giới đã lọt vào danh sách của Sutton. Trên thực tế, trong số 49 loại tàu có trong danh sách, chỉ có một chiếc lớp Yono, đã thực sự đánh chìm một tàu chiến của đối phương. Vào tháng 3/2010, 1 trong 5 chiếc thuyền Yono của Triều Tiên đã tấn công tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc, đánh chìm nó và giết chết 46 thủy thủ.
Tàu ngầm mini lớp Yono (Cá hồi) chỉ dài 28 m, trọng tải 130 tấn và chỉ được trang bị hai ống phóng ngư lôi. Tuy nhiên, nó đã đánh chìm một tàu chiến mặt nước lớn hơn nó đáng kể và lao đi mà không bị phát hiện.
Một trong hai tàu ngầm lớp Hai Shih ban đầu được đóng cho hải quân Mỹ trong Thế chiến thứ II, cùng với các tàu lớp Hai Lung mới hơn của Đài Loan. Ảnh: Getty. |
Tất nhiên, đánh chìm tàu địch không phải là nhiệm vụ duy nhất của tàu ngầm hiện đại. Tàu ngầm, có khả năng len lỏi đến gần bờ biển của đối phương, cũng là nền tảng tuyệt vời cho tên lửa hành trình tấn công đất liền. Năm 2018, tàu ngầm lớp Virginia USS John Warner (đứng thứ 8 trong danh sách) đã phóng tên lửa Tomahawk nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học ở Syria.
Các tàu ngầm lớp Trafalgar của Hải quân Hoàng gia Anh (đứng ở vị trí thứ 10) đã bắn tên lửa Tomahawk nhằm vào các mục tiêu ở Afghanistan và Libya, trong khi tàu ngầm điện diesel lớp Kilo (đứng thứ 24) của Nga đã phóng tên lửa hành trình 3M14 Kalibr nhằm vào các mục tiêu ở Syria vào năm 2015.
Danh sách xếp hạng này không bao gồm chất lượng và hiệu quả của ngư lôi và tên lửa, khác nhau giữa các lực lượng hải quân. Nó cũng không xếp hạng hiệu quả tổng thể: 2 tàu ngầm lớp Hai Shih thời Thế chiến II của Đài Loan đứng thứ 11 trong danh sách, nhưng chỉ nhờ 10 ống phóng ngư lôi (6 ống hướng về phía trước, 4 chiếc hướng về phía sau) và 14 ngư lôi. Các tàu ngầm ngày nay thường có số lượng ống phóng chỉ bằng một nửa (tất cả đều hướng về phía trước) nhưng số ngư lôi và tên lửa nhiều gấp đôi.
Trang Covert Shores đưa ra danh sách 10 tàu ngầm nguy hiểm nhất thế giới do chuyên gia hải quân H.I. Sutton lập:
Ohio (SSGN), Mỹ
SEVERODVINSK-II, Nga
OSCAR-II, Nga
Seawolf, Mỹ
AKULA, Nga
SIERRA, Nga
Astute, Anh
Virginia (Block IV), Mỹ
Los-Angeles cải tiến, Mỹ
Trafalgar, Anh
Bích Thảo(Theo Popular Mechanics)