Một máy bay chở khách cỡ lớn nằm im lìm, không động cơ và đôi cánh bị rỉ sét theo thời gian là hình ảnh của Nicosia - “sân bay ma” nổi tiếng ở Cộng hòa Síp.
Gần đó, các tia nắng mặt trời xuyên qua cảnh cửa bị vỡ kính của một xưởng chứa máy bay. Tất cả mọi thứ được bao phủ trong bụi và rỉ sét, một mớ dây thép gai, kính vỡ và cỏ dại mọc um tùm. Ở nơi đây, thời gian từ lâu như đã ngừng trôi.
Nơi thời gian dừng lại
Từ 44 năm trước, sân bay quốc tế Nicosia sôi động và hiện đại đã bị đóng cửa. Địa điểm này như là một minh chứng đau đớn cho lịch sử của Síp. Quốc đảo Địa Trung Hải đã bị chia rẽ kể từ mùa hè năm 1974.
Chiếc máy bay nằm bất động ở Nicosia. Ảnh: CNN |
Cộng hòa Síp là thuộc địa cũ của Anh, được trao trả độc lập vào năm 1960. Qua nhiều năm, căng thẳng đã tăng lên giữa phần lớn người Síp gốc Síp và số ít người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 15/7/1974, các phần tử dân tộc chủ nghĩa gốc Hy Lạp tiến hành đảo chính trong nỗ lực nhằm hợp nhất đảo vào Hy Lạp. Động thái này dẫn tới Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Síp vào ngày 20/7, chiếm được lãnh thổ nay là Bắc Síp.
Một nhà nước ly khai của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 1983, động thái này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, và Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận nhà nước mới. Tranh chấp vẫn diễn ra cho đến nay. Sự phân chia vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với một vùng đệm của Liên Hợp Quốc (LHQ) tuần tra cắt ngang đảo.
Cô đơn và trống rỗng, sân bay Nicosia nằm trong khu vực đệm, còn được gọi là đường màu xanh lục. Việc công chúng tiếp cận địa điểm này bị hạn chế lý do chính trị.
Trung tâm giao thông xưa cũ
Nơi đây từng là trung tâm vận chuyển hàng không quan trọng của khu vực Địa Trung Hải. Ảnh: CNN |
Sau nhiều thập kỷ được sử dụng chủ yếu cho mục đích quân sự, Sân bay Quốc tế Nicosia đã chính thức được khánh thành vào năm 1968, với việc bổ sung một tòa nhà hiện đại cùng các tiện nghi công nghệ cao và vô số các nhà hàng, cửa hàng.
Được xây dựng để trở thành một trung tâm du lịch và vận chuyển chính ở phía Đông Địa Trung Hải, sân bay Nicosia là nơi thúc đẩy giao thương mạnh mẽ trong những năm đầu đi vào hoạt động. Đến năm 1973, sân bay này đã phục vụ gần 800.000 hành khách nhưng rồi khung cảnh nhộn nhịp nơi đây đột ngột dừng lại.
Trong cuộc khủng hoảng năm 1974, Sân bay Quốc tế Nicosia đã trở thành một trong những mục tiêu chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó, hoạt động thương mại chấm dứt.
Một loạt các cuộc không kích đã xảy ra trong khu vực, tiếp theo là những trận chiến đấu nặng nề và nguy hiểm trong vùng lân cận giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Cuối cùng, quân đội LHQ đã can thiệp, và khi hiệp định ngừng bắn được đưa ra vào giữa tháng 8/1974, sân bay được tuyên bố là một Khu Bảo tồn LHQ và trở thành một phần của vùng đệm.
Sân bay ma
Nicosia bị bỏ hoang suốt 44 năm. Ảnh: CNN |
Một sân bay mới, Sân bay Quốc tế Larnaca (LCA), đã được mở tại Cộng hòa Síp vào năm 1975 sau khi Nicosia đóng cửa. Tiếp theo đó, Sân bay Quốc tế Paphos (PFO) cũng đi vào hoạt động từ năm 1983.
Năm 1977, các chuyến bay thương mại cuối cùng đã rời sân bay Nicosia dưới sự cho phép của LHQ. Cho đến ngày nay, 44 năm đã trôi qua, trong sân bay nhộn nhịp ngày nào chỉ còn lại một chiếc máy bay chở khách không động cơ của hãng hàng không Cyprus Trident Sun Jet đứng bất động giữa các xưởng chứa và nhà ga.
Theo LHQ, động cơ của máy bay đã bị loại bỏ trong sự kiện năm 1974 và được sử dụng để sửa chữa một máy bay phản lực khác.
Khu phức hợp sân bay bị bỏ hoang được sử dụng như một trong những địa điểm đàm phán giữa các bên, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho quốc đảo này.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)