+Aa-
    Zalo

    Khám phá những trung tâm võ học cổ xưa của người Việt (Kỳ 1)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Một điều độc đáo, các trung tâm võ học xưa của người Việt lại luôn ẩn mình một cách kín đáo, có khi đó chỉ là một ngôi chùa nhỏ, một ngôi làng bình dị.

    (ĐSPL)- Một điều độc đáo, các trung tâm võ học xưa của người Việt lại luôn ẩn mình một cách kín đáo, có khi đó chỉ là một ngôi chùa nhỏ, một ngôi làng bình dị.

    Đây là đặc điểm nổi bật nhất mà PV báo ĐS&PL rút ra trong chuyến hành trình khám phá các trung tâm võ học cổ. Chính đặc điểm này lý giải cho câu hỏi tại sao suốt chiều dài lịch sử, mỗi khi đất nước lâm nguy luôn xuất hiện nhiều võ tướng tài ba, lỗi lạc xuất thân từ áo vải. Cũng qua chuyến hành trình khám phá này đã mang đến cho chúng tôi nhiều thông tin bất ngờ nhưng cũng đầy huyền bí chờ giải mã của các nhà nghiên cứu.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, truyền thống võ học của Việt Nam khởi phát từ thời các vua Hùng dựng nước. Tuy nhiên, để võ học tạo nên một bước đột phá mới thì phải đến khi các bậc thiền sư của Ấn Độ sang truyền bá Phật giáo ở Việt Nam và mang theo cách tu luyện khí công, nội công giảng dạy cho các đệ tử.

    Tên tuổi vị thiền sư nổi danh nhất là thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người đến sống và truyền pháp tại Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) năm 580, cũng là người đầu tiên truyền bá võ học Ấn Độ cho người Việt.

     Ngôi chùa đặc biệt

    Một buổi sáng đầu thu mát trong, rời xa trung tâm Thủ đô đầy náo nhiệt, chúng tôi tìm về đất Thuận Thành, Bắc Ninh. Mảnh đất này trước đây thời Bắc thuộc có thành Luy Lâu, nơi đặt thủ phủ của quân cai trị phương Bắc, một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, tôn giáo cổ xưa.

    Thời gian đã gần 2.000 năm, thành cũ nay chỉ còn sót lại một số di tích và phế tích nhưng cũng gợi nhớ về một thời phồn hoa đô hội của một đô thị trung tâm của Giao Chỉ quận. Nói về Luy Lâu xưa, chùa Dâu có lẽ là địa danh được nhiều người nhắc đến nhất bởi đây là ngôi chùa đầu tiên của người Việt.

    Tượng thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở chùa Dâu.

    Với niềm đam mê khám phá những trung tâm võ thuật của người Việt, chúng tôi đến chùa Dâu để tìm hiểu thông tin về vị thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi – một vị thiền sư nổi danh, người khai phá dòng thiền thuộc loại bí ẩn nhất Việt Nam. Đến nay, các thế hệ đệ tử của dòng thiền được sử chép lại là những nhân vật xuất chúng và có nhiều thế hệ đệ tử sở hữu tài năng kỳ lạ hiếm có.

    Trong đó không ít người được nhắc đến với biệt tài sở hữu kỹ năng võ học thượng thừa trở thành huyền thoại như Huyền Không, Từ Đạo Hạnh, Vạn Hạnh, Ma Ha... Theo thời gian, bí quyết võ học mà Tỳ Ni Đa Lưu Chi đưa vào Việt Nam được các thiền sư truyền bá vào dân gian mà Lý Công Uẩn được xem là một minh chứng điển hình (thông tin này chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc vào kỳ tiếp theo).

    Trong chuyến đi về chùa Dâu lần này, PV báo ĐS&PL được đích thân sư thầy Thích Minh Tâm đang tu hành tại chùa dẫn đi tham quan và giới thiệu về lịch sử ngôi chùa có tuổi đời hai thiên niên kỷ này. Theo sư thầy Thích Minh Tâm, hằng năm ngôi chùa vẫn thu hút lượng lớn Phật tử bốn phương về hành lễ và tham quan. Từ xưa đến nay, chùa vẫn lưu giữ được nhiều bản khắc cổ của kinh Phật. Đặc biệt, đến nay người dân trong vùng vẫn còn kể cho nhau nghe về thời khắc đầu khi thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến vùng đất Dâu để truyền pháp.

    Đã gần 2.000 năm trôi qua, ngôi chùa này vẫn giữ vị trí trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Cảnh chùa với kiến trúc độc đáo, đặc biệt tháp Hoà Phong cao sừng sững hàng trăm năm mang ý niệm sâu sắc của triết lý nhà Phật, nơi gửi gắm ước mong mưa thuận gió hoà của cư dân nông nghiệp đem đến cho lòng người một sự thanh tịnh hiếm có. Nơi đây còn gắn liền với nhiều giai thoại về các đời vua Lý, vua Trần hay lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi...

    Đặc biệt, gắn liền với ngôi chùa cổ này là hệ thống văn bia, những kho sách cổ, những bản khắc gỗ về các bộ kinh Phật cổ hàng trăm năm còn lưu lại. Thăm thú cảnh chùa, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào thế giới huyền bí của Phật giáo với những những huyền tích, di vật độc đáo...

    Kỳ lạ vị thiền sư đến từ Tây Trúc

    Người mà nhiều nhà nghiên cứu võ học cho rằng đã có công rất lớn trong việc truyền bá cách tu luyện khí công của võ học cổ truyền Ấn Độ sang Việt Nam đó là vị thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Trong chùa Dâu hiện nay còn có bức tượng của vị thiền sư nổi danh này. Vị thiền sư Ấn Độ này được  sách “Thiền uyển tập anh” - bộ sử quý báu của lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi chép lại, ông gốc ở Nam Thiên Trúc, đến Giao Châu năm 580, ở tại chùa Dâu thuộc Luy Lâu sau khi đã vân du qua Trung Quốc.

    Tại đây, ông đã chọn Pháp Hiền - người Việt, làm đệ tử và lập nên dòng Thiền mang tên mình. Dòng thiền này được truyền 19 đời (từ năm 580 đến 1213). Thiền học Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt rễ vào mảnh đất Giao Châu như một hạnh duyên tỏ ra khá hoà đồng với tín ngưỡng bản địa.

    Trong khi diễn tả tư tưởng Thiền, hành pháp của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi sử dụng sấm vĩ, thuật phong thuỷ và các yếu tố bản địa khác để hoằng dương Phật pháp, khuyến khích nhập thế, qua đó, ý thức dân tộc được tô đậm.

    Chùa Dâu, nơi được cho là khởi phát của việc truyền bá võ học cổ truyền Ấn Độ vào Việt Nam, hiện còn nhiều kho sách cổ.

    Được biết, thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi người nước Nam Thiên Trúc, dòng Bà la môn, khi nhỏ đã xuất chí xuất tục, đi khắp Tây Trúc, cầu tâm ấn Phật, nhân duyên cầm gậy sang Trung Quốc rồi sau đó đến Việt Nam truyền đạo tại chùa Pháp Vân (tức chùa Dâu - Bắc Ninh hiện nay).

    Cuộc đời bôn tẩu vì Phật pháp của thiền sư này có nhiều điểm tương đồng với Bồ Đề Đạt Ma (người được xem là ông tổ khai sinh ra môn phái Thiếu Lâm). Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi chính là người dịch cuốn Kinh Tổng tri và cuốn Kinh Tượng đầu báo nghiệp sai biệt từ chữ Phạn ra chữ Hán, đóng góp rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam.    

    Tuyệt kỹ tàng hình của đệ tử dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi

    Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng, chính thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người đưa võ học Ấn Độ vào Việt Nam, bởi các đệ tử các đời sau của vị thiền sư này nhiều người được ca tụng là có võ công cái thế, sở hữu nhiều tuyệt kỹ ảo diệu, chiêu thức biến hoá, mà thiền sư Ma Ha - đệ tử đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là ví dụ điển hình. Tương truyền, vua Lê Đại Hành vì nghe danh của thiền sư Ma Ha, có ý mời thiền sư vào triều hỏi việc.

    Tuy nhiên, thiền sư không thuận ý. Khi vua hỏi, thiền sư Ma Ha tự xưng mình là "cuồng tăng tu tại chùa Quán Âm". Câu trả lời ngông cuồng của vị thiền sư này khiến vua cả giận, sau đó sai người bắt giam vào chùa Quán Tri (Ninh Bình). Biết trước, thiền sư Ma Ha là người có võ học uyên thâm, tài năng ảo diệu nên vua sai khoá cửa ngục cẩn thận, bố trí đông lính canh gác nghiêm ngặt nhiều tầng để vị sư này không thể thoát thân.

    Tưởng rằng, sư Ma Ha vì khinh vua nên phải chịu kết cục bi thảm. Nhưng, qua một đêm, khi trời sáng mọi người đã thấy thiền sư Ma Ha đang ngồi ở phòng Tăng trong khi cửa ngục vẫn bị khoá. Lính canh không thể hiểu tại sao vị thiền sư này có thể thoát ra ngoài, khi họ chạy vào phòng giam thì cửa vẫn khoá cẩn thận. Sự việc khiến vua cho rằng, thiền sư Ma Ha có phép lạ và cuối cùng đành thả sư Ma Ha.

     Trinh Phúc – Vũ Phương

    Xem thêm video:

    [mecloud]ebwJ8cFznU[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-nhung-trung-tam-vo-hoc-co-xua-cua-nguoi-viet-ky-1-a110880.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.