+Aa-
    Zalo

    Khám phá những ngôi làng kỳ lạ nhất Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với óc sáng tạo độc đáo cùng môi trường sống phong phú, Việt Nam có rất nhiều những làng quê đặc biệt, kỳ lạ mang đậm nét phong tuc tập quán .

    Với óc sáng tạo độc đáo cùng môi trường sống phong phú, Việt Nam có rất nhiều những làng quê đặc biệt, kỳ lạ mang đậm nét phong tuc tap quan .
    Trong số đó phải kể đến làng có nhiều cặp sinh đôi nhất, làng có hình cá chép, làng xây bằng tiểu sành trộn mật ong...Có xã toàn dân không dám cười vì... mất răng, có làng ở ngay gần Thủ đô nhưng lại sử dụng ngôn ngữ riêng biệt...
    Xã không cười ở Yên Bái
    Phụ nữ ở đây mắc bệnh rụng răng sớm
    Đó là xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Nhiều người trong xã cứ đến 30 tuổi là bị rụng hết cả hàm răng.
    Ai có tiền thì lắp răng giả, không thì đành chịu cảnh móm. Chính vì thế, phụ nữ Mông ở đây dù rất duyên dáng nhưng ít khi cười và ngại giao tiếp với người lạ.
    Người dân xã Trạm Tấu vẫn chưa biết nguyên nhân vì đâu phụ nữ ở đây mắc bệnh rụng răng sớm như vậy.
    Ông Giàng Văn Vang, chủ tịch Hội người cao tuổi xã Trạm Tấu nói: 'Bác sĩ cho biết chính các mảng bám trên răng đã gây ra dạng viêm lợi làm rụng răng. Có thể vì phụ nữ Trạm Tấu ít quan tâm tới vệ sinh răng miệng nên mới bị vậy'.
    Gia tộc 24 ngón chân, tay ở Bến Tre
    Nhiều đời trong gia tộc của ông Võ Văn Cống ở xã Vĩnh Bình (Chợ Lách, Bến Tre) đều có nhiều ngón hơn người bình thường.
    Gia tộc 24 ngón chân, tay ở Bến Tre
    Ông ngoại của ông có 24 ngón, sinh ra mẹ ông cũng có 24 ngón. Tiếp tới các anh em, con cái và cháu chắt nhà ông Cống cũng có thừa ngón như vậy.
    Tất nhiên, không phải tất cả mọi người trong gia tộc đều chịu cảnh này. Tính từ đời ông ngoại của ông Cống đến nay, hiện gia đình họ có 14 người sở hữu 24 ngón chân, tay.
    Xem ngay tot xau trong tháng 10 để tiến hành việc cưới hỏi, đông thổ, khai trương, xuất hành,..  
    Ngôi làng nói 'ngoại ngữ' gần Thủ đô
    Người lạ tới làng Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên), cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, phải có phiên dịch vì người dân sử dụng một ngôn ngữ riêng để trao đổi với nhau.
    Ví dụ như, nếu muốn hỏi 'Cậu từ thành phố hay làng khác đến', người ta sẽ dùng câu 'Mỗ khái, mỗ lõng ngoại?'.
    Một người dân địa phương cho biết, lệ làng quy định tất cả những người sinh ra ở Đa Chất đều phải học thứ tiếng này.
    Ngoài sự phong phú về vốn từ vựng, thứ ngôn ngữ này của người Đa Chất rất giàu biểu cảm. Từ ngữ và cách sử dụng của họ cũng hết sức hình tượng.
    Họ cũng dùng một hệ số đếm riêng biệt: nhất (một), nhị (hai), thâm (ba), chớ (bốn), dâu (năm)... Người Đa Chất rất kiên định về việc bảo lưu thứ ngôn ngữ này, họ chỉ truyền cho những người thuộc làng mình.
    Vùng đất 'trường thọ'
    Trong số hơn 200 người trên 60 tuổi tại xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) có gần 20 cụ ông, cụ bà trên 100 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu cũ và chưa đầy đủ nên hiện nay con số này thậm chí còn nhiều hơn nữa. Đặc biệt dù tuổi cao nhưng các cụ vẫn rất minh mẫn, nói năng mạch lạc và tự chăm sóc được cho bản thân. 
    Chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh vì sao xã Hữu Lập lại nhiều người sống thọ và khỏe mạnh như vậy.
    Xã '6 ngón'
    Đối với người dân các xã Thanh Tùng, Thanh Khai, Xuân Tường (Thanh Chương, Nghệ An), việc mọc thêm ngón tay thứ 6 hay các ngón dính liền với nhau bằng lớp màng như chân vịt gọi là bệnh 'trết'.
    Một trường hợp bị 'trết' điển hình là nhà ông Võ Văn Minh ở xóm Minh Sơn. Gia đình 6 người thì có tới 4 người mang bệnh.
    Từ lúc sinh ra, ở ngón tay út của các con ông đều có hai cục thịt thừa, sau phát triển dần thành hai ngón tay thu nhỏ.
    Theo thống kê, năm 2013, ở xóm Minh Sơn có hơn 50 người mang bệnh 'trết'.
    Làng có nhiều cặp sinh đôi nhất 
    Với hàng chục cặp sinh đôi, cặp cao nhất đã ngoài 60, cặp nhỏ nhất mới 2-3 tuổi, ấp Hưng Hiệp Nằm, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) là làng nắm giữ kỷ lục có nhiều cặp sinh đôi nhất cả nước.
    Vào năm 2007, cả xã Hưng Lộc có hơn 60 cặp sinh đôi thì ấp Hưng Hiệp có tới 40 cặp. Từ đó, người ta gọi ấp Hưng Hiệp với cái tên “làng sinh đôi”. Đến nay, xã có gần 100 cặp song sinh thì Hưng Hiệp đã chiếm 70 cặp. Vài năm gần đây, số lượng các cặp song sinh không tăng lên nhưng những câu chuyện đồn đoán, kỳ lạ về hiện tượng này vẫn được người ta lan truyền. Đó là chuyện về những giấc mơ kỳ lạ của các gia đình trước khi họ có những cặp song sinh.
    Nhiều người nơi đây kể lại, hầu như những bà mẹ từng sinh đôi đều có một điểm chung là trong thời kỳ mang thai, họ nằm mơ thấy hai đứa trẻ giống nhau đang chơi đùa trong sân nhà. Sau đó, họ hạ sinh những đứa trẻ đúng như trong giấc mơ (?). Những câu chuyện khác về nguyên nhân có các cặp sinh đôi là do nguồn nước của ấp Hưng Hiệp cũng trở nên bí ẩn khi được mọi người truyền tai nhau. Người ta cho rằng hiện tượng sinh đôi ở ấp và xã là do mạch nước giếng ở đây rất đặc biệt nhất là ở ấp Hưng Hiệp.
    Vì thế, khi được dân khắp các vùng biết đến là làng sinh đôi, tin đồn về nguồn nước của ấp Hưng Hiệp có khả năng chữa bệnh hiếm muộn cũng được lan truyền. Rất đông người hiếm muộn từ Tây Nguyên, TP.HCM, Long An đến tận Nha Trang về đây xin nước giếng về uống cầu mong có con.
    Dù người ta chưa lý giải được nguyên nhân của hiện tượng sinh đôi ở ấp Hưng Hiệp và một số ấp khác của xã Hưng Lộc nhưng cuộc sống những người dân làng sinh đôi vẫn bình yên, đầm ấm. Các cặp song sinh lớn lên và có cuộc sống như bao người bình thường khác
    Ngôi làng "hình cá chép" độc nhất
    Làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định vốn có tên gọi là "Hành Cung Trang" được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ Tục Khả Phong". Điều đáng khâm phục là ngay từ khi lập làng các cư dân nơi đây đã có ý thức quy hoạch một không gian sống hết sức khoa học, quy củ: hình cá chép.
    Làng hình cá chép ở Nam Định.
    Bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái - sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Theo các bậc cao niên trong làng, có hai giả thiết về việc hình thành lên con sông này.
    Giả thiết thứ nhất cho rằng chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến ở chỉ là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay. Giả thiết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, đó là chính những cư dân đầu tiên đã "quy hoạch" ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thuy và ngăn giặc cướp.
    Điều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng "lý ngư", những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.
    Nếu coi làng Hành Thiện như một chú cá chép thì vùng đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá được quy hoạch làm nơi sinh sống của dân cư trong làng. Trong khu vực này hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên. Phần đầu cá được quy định làm nơi họp chợ của cả làng, tại đuôi cá là khu nghĩa trang và chùa miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
    Nhìn tổng thể mặt địa lý làng Hành Thiện ta không thể không khâm phục óc tưởng tượng của các cư dân cách đây hơn 510 năm, theo như tài liệu để lại, trước đây toàn bộ đường đi trong làng đều được lát đá xanh, "mưa gió bùn đất không bén gót chân", bên cạnh đường xóm là rãnh thoát nước được xây bằng gạch mộc, chính vì thế làng không bao giờ phải chịu cảnh ngập lụt bởi tất cả nước mưa, nước sinh hoạt đều theo các rãnh này chảy ra hai nhánh con sông quanh làng và từ đó thoát ra sông Ninh Cơ.
    Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thuở sơ khai…
    Làng gốm Thổ Hà xây nhà bằng tiểu sành và mật ong
    Làng gốm Thổ Hà xây nhà bằng tiểu sành và mật ong
    Đó là làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Vốn làng có nghề gốm cho nên từ nhiều đời nay, người dân tận dụng những chiếc tiểu sành (đựng hài cốt) vỡ, hỏng không bán được để xây tường.
    Chính bởi những tiểu sành này rỗng bên trong, lại có những lỗ nhỏ bên ngoài nên được loài ong “tận dụng” làm thành tổ của mình. Vì thế, mỗi bức tường nhà của người dân Thổ Hà có đến vài ba chục đàn ong sinh sống.
    Mặc dù vậy, như một thứ luật bất thành văn, chủ mỗi ngôi nhà có ong trú ngụ không bao giờ được lấy mật bởi có thế khiến chúng bỏ đi hoặc tấn công nguy hiểm. Đã có trường hợp, kẻ trộm vào nhà người dân nơi đây lấy trộm mật và bị ong đuổi chối chết.
    Làng trai ở vậy... cho gái thèm
    Bộng Dầu (Quảng Nam) nơi vốn nổi tiếng với trái bòn bon từng được mệnh danh là “Nam trân” (trái quý ở phương Nam) hàng chục năm qua còn mang tên là xóm đàn ông độc thân.
    Làng có 28 hộ với gần 150 người nhưng đến nay đàn ông trong xóm đa phần đã đến độ tuổi kết hôn mà vẫn chưa lập gia đình. Người ta đến với làng này trước sau chỉ thấy đàn ông không vợ. Không phải vì đàn ông xứ này có vấn đề về sinh lý, bởi những lần tụ lại bên mâm rượu, chủ đề của họ vẫn là phụ nữ, vẫn nói chuyện gái trai như bao người khác. Cũng không phải họ tôn thờ chủ nghĩa tự do, không muốn ràng buộc vợ con mà phần nhiều là do hoàn cảnh. Đa số đàn ông ở Bộng Dầu rất nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt phải ở vậy...
    Cái nghèo khiến đàn ông làng Bộng Dầu cũng đã bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc với nhiều nghề để sống nhưng rồi cuối cùng quay trở về cố hương để đi phụ hồ, làm cát sỏi kiếm ngày dăm bảy chục ngàn nuôi thân và nuôi cha mẹ già. Vì thế họ luôn canh cánh một nỗi niềm: lấy vợ rồi sống bằng gì, có lo được cho gia đình không hay lại làm khổ vợ, khổ con.
    Giờ đây, ánh điện đã thắp sáng khắp nơi, những phương tiện truyền thông liên lạc hiện đại đã có thể đến từng góc nhà của xóm Bộng Dầu, hy vọng một ngày không xa, những người đàn ông Bộng Dầu không còn phải đơn độc.
    Làng ăn sâu bọ ở Tây Nguyên
    Đầu mùa mưa, các loại sâu ăn lá không biết từ đâu về “cập bến” Tây Nguyên làm hại mùa màng của dân. Lúc đầu là số sâu đếm trên đầu ngón tay, về sau, sâu sinh sôi nảy nở nhanh chóng và có mặt ở khắp các cành cây, ngọn lá.
    Dùng thuốc trừ sâu nhưng tác dụng với loài sâu muồng phá hại cây cối mùa màng, người dân ở một số huyện các tỉnh Tây Nguyên đã nghĩ ra biện pháp "lấy độc trị độc”: bắt "giặc cây” đem về chế biến thành món ăn.
    Ban đầu khi mới ăn sâu, không ít người dân sợ bị bệnh tật vào người nhưng sau này ăn nhiều họ lại trở nên nghiện món ăn quái đản này. Khi rảnh rỗi một số người dân lại cùng những chiếc rổ nhựa, vài cái gậy đi đến các cây muồng bắt sâu đem về ăn. Sâu nhiều đến nỗi đi bắt chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã đầy một rổ nhỏ.
    Sâu được bà con nơi đây chế biến thành nhiều món như: hấp, rán, xào, nướng.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-nhung-ngoi-lang-ky-la-nhat-viet-nam-a63815.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan