Đảo Lý Sơn là một trong những hòn đảo đẹp hoang sơ cách đất liền của tỉnh Quảng Ngãi 24km về phía Đông. Trên đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp. Trong đó chùa Hang được ví như một tác phẩm điêu khắc đá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này.
Chùa Hang (Thiên Khổng thạch tự) nằm về hướng đông bắc cù lao Ré (đảo Lớn), thuộc địa phận xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Đây là hang đá thiên nhiên lớn nhất trong hệ thống hang đá ở Lý Sơn, hình thành do nước biển ăn vào chân núi Thới Lới trong thời kỳ biển tiến.
Cách chúng ta chừng 4.500 năm, vào kỷ nguyên Holocene (Holocene epoch), khi mực nước biển dâng cao, tác động xâm thực của sóng biển và các chất ăn mòn trong nước biển liên tục một thời gian dài đã hình thành các “hang chân sóng” ở nhiều vùng ven biển, hải đảo, bồn đại dương trên thế giới.
Liền sau đó, đến thời kỳ biển thoái, mực nước biển rút xuống và để lộ ra những hang đá mà con người và các động vật trên cạn có thể sử dụng làm nơi cư trú.
Theo chuyện kể của ngư dân trên đảo, cách đây hơn 400 năm, những bậc tiền hiền làng An Hải trong quá trình đi tìm cây dâu để làm cốt đắp mộ gió cho những dân binh thuộc Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, đã phát hiện nhiều cây dâu xanh tốt trước một ngôi cổ tự trong hang.
Từ đó, người dân huyện đảo Lý Sơn quan niệm rằng, những linh hồn phiêu bạt ở Hoàng Sa sẽ về trú ngụ trong cổ tự Chùa Hang.
Thật ra, với chiều cao trần hang hơn 3m, chiều rộng cửa hang hơn 20m, ăn sâu vào lòng núi gần 25m, “chùa không sư” chỉ là một hang đá nhỏ dưới chân núi, không phải là một “thạch động” như vài cuốn sách viết nhầm.
Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt và những hàng cây dâu cổ thụ. Chính giữa chùa có tượng Phật bà Quan Thế Âm hướng ra biển Đông phù hộ cho chuyến đi biển của ngư dân đảo luôn bình yên trở về. Chùa có bàn thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc ở chính giữa, bàn thờ sư tổ Đạt Ma ở bên trái.
Còn bên phải thờ 7 vị tiền hiền làng An Hải là những người có công điều động và nối tiếp nhau thờ tự những dân binh thuộc Hải đội Hoàng Sa đã hy sinh ở Biển Đông.
Bên trong Chùa Hang, Luồng ánh sáng bên ngoài khe khẽ rọi vào vách đá ẩm ướt, rêu mờ. Thỉnh thoảng từ trần hang rơi xuống mấy giọt nước trong veo. Một làn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá bàng buông cành trước sân chùa gợn lên chuỗi âm thanh rất lạ, lẫn vào tiếng sóng bập bềnh.
Từ xưa, Chùa Hang đã không có sư trụ trì, theo truyền thống người dân trên đảo nếu gia đình nào có người thân chẳng may hy sinh ở Hoàng Sa thì lấy Chùa Hang làm nơi thờ tự, nhang khói. Chính vì thế, vào ngày rằm hàng tháng, các gia đình này lại tụ họp, chuẩn bị lễ vật cầu siêu cho những linh hồn người thân.
Chùa Hang ở Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia tại Quyết định số 921/QĐ-VH ngày 20/7/1994.
Như Quỳnh (T/h)