Đến với Myanmar, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những bí ẩn khó lý giải của các ngôi chùa cổ sẽ khiến du khách choáng ngợp. Nhưng hơn hết, phải kể đến những phong tục còn lưu lại mang bản sắc văn hóa người Miến Điện xưa và nay. Những cô gái muốn lấy chồng sẽ phải để chàng trai sờ ngực mình trước, đó là phong tục gây “choáng” trong đời sống hôn nhân của người Myanmar.
Chùa dát… 60 tấn vàng
Thật không sai khi nói rằng, Myanmar tuyệt đến mức không ai có thể đánh cắp và cũng không thể chạm vào. Nơi có những ngọn đồi, núi, tháp, chùa... cùng tồn tại trong sự hài hòa, cân đối với cái nắng gắt cũng không thể làm lu mờ đi hình ảnh đẹp. Myanmar, một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa, nhiều thứ được bảo tồn, không hề bị mất đi bởi cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, những ngôi chùa độc đáo và lối sống có một không hai của người dân Inle, một dân tộc của Myanmar. Hay phong tục sờ ngực phụ nữ trước khi lấy vợ của các chàng trai nơi đây. Những điều tưởng như thật thô tục ấy, lại trở thành bản sắc riêng của họ được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Nói đến Myanmar không thể không nhắc đến những ngôi chùa đầy sự độc đáo. Shwedagon là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất. Dù từ Việt Nam, đã được anh hướng dẫn viên giới thiệu đôi nét nhưng khi đứng đối diện trước chùa, tôi và những người bạn trong chuyến đi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Chùa có độ cao đến 98m, gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Trong đó, 72 ngôi chùa nhỏ bằng đá có thờ tượng Phật bên trong. Từng tượng Phật đều được tạc với hình dáng thanh thoát tuyệt mỹ, từng vòm mái chùa cong vút, được chạm khắc tinh xảo.
Tầng dưới chùa được dát 8.688 lá vàng. Tầng trên được dát 13.153 lá vàng. Trên tháp có gắn 5.488 viên kim cương, 2.317 viên đá ruby, saphire và các loại đá quý khác với nhiều kích cỡ, có 1.065 chuông vàng, đặc biệt trên đỉnh có gắn một viên kim cương 76 carat. Tổng số vàng dáttrên ngôi chùa được ước tính khoảng 60 tấn, nên người dân nơi đây vô cùng tự hào và bảo rằng: Vàng của nó phát sáng đến mức có thể nhìn thấy toàn thành phố Yangon. Người dân nơi đây cũng như du khách thường đến thắp nhang vào lúc xế chiều, sau đó ngắm chùa đến tận tối.
Những người hiểu rõ về văn hóa chùa chiền tại Myanmar cho biết, trước khi ra về, người dân sẽ cùng những người giữ chùa thắp nến quanh chùa để cầu an. Họ tin tưởng tuyệt đối vào sự linh thiêng của chùa. Chuyện kể lại rằng, ngôi chùa hiện đang lưu giữ 8 sợi tóc của đức Phật Thích Ca. Người địa phương tin đó như một xá lợi tốt và linh thiêng. Người dân Myanmar quan niệm rằng, để có sự bình an cho gia đình chỉ bằng cách hiến dâng vàng và trang sức lên chùa. Nhiều người thích mua vàng lá thật mỏng, rồi trực tiếp dán lên tượng Phật. Ở chùa Mahamuni Paya, sau thời gian dài nhận vàng lá từ người dân và du khách dán lên, vàng lá đã dày đến mức gây mất hình dáng rõ rệt ban đầu của tượng Phật.
Đến với chùa Kuthodaw, tôi được khám phá cuốn kinh Phật được tạo thành trên 729 phiến cẩm thạch. Còn đến với chùa Golden Rock (chùa Đá Vàng), chúng tôi phải mất nhiều thời gian, di chuyển từ đất liền lên núi hàng chục km với những đường cua quanh co, nguy hiểm đến mức có cảm giác rơi xuống vực lúc nào không hay. Đến nơi, do ở độ cao vượt đỉnh núi nên mây và sương mù dày đặc khiến tôi không nhìn thấy thứ gì xung quanh. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy một hòn đá tròn to bằng một chiếc xe tải hạng nặng. Hòn đá được dát vàng và nằm cheo leo như muốn rơi xuống núi.
Hòn đá tồn tại đã hơn 2.500 năm và không bị dịch chuyển. Ta có cảm giác chỉ cần đụng tay vào sẽ khiến nó rơi xuống vực. Thế nhưng, thật kỳ diệu, hòn đá chỉ có một phần rất nhỏ tiếp đất, nhưng khi tôi tiếp cận muốn dùng hết sức đẩy nó vẫn không rớt. Người dân Myanmar tin rằng, sở dĩ hòn đá không rớt là nhờ 3 sợi tóc của đức Phật níu lại.
Tại chùa Đá Vàng này, ban khánh tiết quy định chỉ những người nam mới được chạm và đẩy hòn đá theo ý muốn. Riêng giới nữ không được lại gần hòn đá. Chuyện kể lại rằng, một vị vua khi biết tin một sư thầy đang cất giữ 3 sợi tóc của đức Phật đã đến xin được chiêm ngưỡng. Lúc bấy giờ, sư thầy ra điều kiện nhà vua phải tìm được một viên đá có hình như đầu một nhà sư thì sẽ lấy 3 sợi tóc của đức Phật cho xem. Khi đó, nhà vua cho người tìm và đã tìm thấy hòn đá này được xây dựng thành chùa Đá Vàng. Sở dĩ hòn đá trải qua hàng ngàn năm không bị phá hủy và rớt xuống vực là nhờ có 3 sợi tóc của đức Phật níu giữ và tạo sự cân bằng.
Khám phá điều kỳ thú
Đến với Myanmar, khi trải nghiệm cuộc sống và những sinh hoạt thường ngày của họ, tôi có cảm giác như con người nơi đây có những điểm thật kỳ lạ. Lối sống của người Inle, một dân tộc của Myanmar làm tôi rất ấn tượng. Mọi hoạt động của họ đều diễn ra trên hồ Inle. Người ta xây nhà sàn, đánh bắt cá và trồng rau quả trên hồ rồi mang đến các phiên chợ nổi trao đổi hàng hóa. Hàng hàng lớp lớp vườn rau, trái cây bềnh bồng trên mặt nước khiến tôi không khỏi thán phục sự sáng tạo vườn nổi trên hồ của họ. Theo lời anh hướng dẫn viên, vườn nổi được tạo bằng cách lấy rễ lục bình đan lại tạo thành lớp đáy. Lớp kế tiếp là tảo biển đan với nhau.
Người dân đi thuyền bằng một chân. |
Và trên cùng là lớp đất được người dân cần cù mang từ trên bờ xuống đổ lên. Sau đó, họ dùng hàng nghìn đến hàng chục nghìn cọc tre giữ chặt khu vườn trên hồ để không bị trôi đi. Dù dưới nước nhưng từng luống rau luôn được xếp thẳng, giữa các luống là một khoảng cách đủ cho chiếc xuồng con đi vào chăm sóc và thu hoạch. Phù sa của hồ là nguồn dinh dưỡng chính để nuôi sống rau quả. Họ không dùng đến phân hóa học hay thuốc trừ sâu, cho nên những trái cà chua chín mọng tuy nhỏ nhưng có vị ngọt đậm đà, tự nhiên. Người Inle còn nổi tiếng với cách chèo thuyền độc đáo là đứng một chân, chân còn lại dùng đẩy nước, hai tay quăng chài hoặc tháo lưới cá. Chứng kiến họ làm, tôi mới thấy họ tài tình khéo léo đến mức độ nào. Dù đứng trên xuồng con luôn nhấp nhô sóng nước nhưng họ vẫn giữ được thăng bằng trên một chân, trong khi chân còn lại và hai tay luôn thoăn thoắt làm việc.
Người Inle còn có nghề dệt lụa tơ tằm nhiều màu sắc. Đặc biệt, họ sản xuất một loại vải dệt bằng sợi kéo từ thân của cây sen, có lẽ là nguyên liệu dệt vải độc nhất vô nhị trên thế giới.
Một phong tục rất độc đáo không thể không nhắc đến của người IMôn tại Myanmar. Khi người con gái đến tuổi lấy chồng, họ sẽ phải tìm đến nơi tổ chức lễ hội lập gia đình. Theo đó, các cô gái phải ăn mặc khác với ngày thường, bằng cách mặc áo để lộ hẳn một bên ngực để người ta có thể trông thấy rõ. Khi người con trai có ý muốn lấy ai đó làm vợ, họ sẽ tiến tới, dùng tay sờ vào ngực cô gái, nếu thấy thích, chàng trai sẽ chọn cô gái đó về làm vợ. Đặc biệt, đôi trai gái có thể làm chuyện “vợ chồng” ngay sau khi chọn nhau. Trong trường hợp, người con trai đã “quan hệ” với cô gái nhưng không cưới sẽ bị phạt đền lễ vật theo luật định và không bị đi tù.
(Còn nữa)...
Đăng lại bài viết trên báo giấy Đời sống & Pháp luật