+Aa-
    Zalo

    Khám phá ‘động tiên’ trong Hoàng thành Huế dưới thời triều Nguyễn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Động Phước Duyên trước đây là nơi vui chơi của các hoàng tử, công chúa triều đình nhà Nguyễn. Với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, động đã trở thành địa điểm độc nhất ở VN.

    Động Phước Duyên trước đây là nơi vui chơi của các hoàng tử, công chúa triều đình nhà Nguyễn. Với lối kiến trúc vô cùng độc đáo đã làm cho động này trở thành địa điểm độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

    Vườn Cơ Hạ là một trong 5 khu vườn ngự uyển tuyệt đẹp (bên cạnh Hậu Hồ, Trường Ninh Cung, Ngự Viên và Thiệu Phương Viên) nằm ở phía Đông bên trong Hoàng thành Huế. Vườn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng từ năm 1837 và được nâng cấp, sửa chữa dưới thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức. 

    Nơi đây, ngày xưa chỉ có hoàng thân quốc thích mới được dạo bước trong vườn. Cơ Hạ Viên bao gồm một quần thể sông hồ, núi động, lầu tạ, cung điện liên hoàn, kết hợp hài hoà giữa công trình kiến trúc và cảnh trí thiên nhiên. "Động tiên" Phước Duyên (còn gọi là động Đào Nguyên) là một công trình nằm trong số đó.

    Động nằm ở phía Tây Bắc khu vườn với một lối kiến trúc cổ rất độc đáo và kỳ lạ. Bề ngoài động trong như một chiếc vỏ ốc với các hang chạy theo hình xoắn ốc. Động được xây dựng chủ yếu bằng gạch vồ, đá núi và nằm bắc ngang sông Tái Vũ, một con sông nhân tạo uốn lượn trong Hoàng thành Huế.

    Xung quanh thân động là các cửa ra vào, trên mỗi cửa đều khắc hình chữ Hán. Bên trong động là hệ thống các lối đi quanh co uốn khúc và được chiếu sáng bởi các cửa sổ dạng tròn. Ngày xưa, đây là nơi ưa thích của các hoàng tử, công chúa triều Nguyễn. Họ thường vào đây chơi trò trốn tìm, đuổi bắt.


    Động được chiếu sáng bởi các cửa sổ nhỏ dạng tròn

    Đặc biệt, các lối đi bên trong và bên ngoài thân động đều được thông lên đỉnh động. Trên đó khá bằng phẳng với các tiểu cảnh non bộ được làm bằng đá và có cả một bộ bàn ghế đá để ngồi nghỉ ngơi, uống trà và ngắm cảnh. Từ trên đỉnh động, người tham quan có thể phóng tầm mắt ngắm trọn vẻ đẹp nên thơ của khu vườn Cơ Hạ.


    Bên trong động là các lối đi quanh co uốn khúc hình xoắn ốc thông lên đỉnh động

    Từ trên đỉnh động, người tham quan có thể phóng tầm mắt ngắm trọn vẻ đẹp nên thơ của khu vườn Cơ Hạ.

    Đứng trên đỉnh động có thể phóng tầm mắt ngắm trọn khu vườn Cơ Hạ

    Động cũng có một lối đi thông xuống sông Tái Vũ. Từ đây, người ta có thể đi bằng thuyền để đến Hậu Hồ và đi các điểm khác trong Hoàng thành Huế và ngược lại.

    Động có một lối đi thông xuống sông Tái Vũ

    Điểm độc đáo của động chính là lối kiến trúc mô phỏng núi trên cạn kết hợp với thủy đạo dưới nước. Đoạn thủy đạo đi qua bên dưới động được xây dựng theo kiểu cống vòm với phần lòng cống rộng mở để đón ánh sáng và cho thuyền đi qua đảm bảo an toàn. Đặc biệt, khi đứng trên đỉnh động nhìn xuống sẽ thấy mặt nước sâu thăm thẳm, còn người ngồi dưới thuyền nhìn lên thấy động cao vun vút, cỏ cây hoa lá xanh um.

    Động Phước Duyên theo lối kiến trúc mô phỏng núi trên cạn kết hợp với thủy đạo dưới nước

    Động  Phước Duyên là động giả sơn duy nhất còn lại trong các ngự viên của triều Nguyễn. Trong quá khứ, nơi đây từng là một thắng cảnh nổi tiếng của Cơ Hạ Viên và là nơi hoàng thân quốc thích thường lui tới.

    Vua Thiệu Trị đã từng làm thơ và cho khắc lên bia đá dựng ở trước cửa động. Tấm bia này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát hiện khi bị chôn vùi dưới lớp đất dày 15cm. Vị trí phát hiện nằm ngay cạnh động Phước Duyên.


    Phía trước cửa động là tấm bia dựng được khắc chữ Hán

    Bia này được chạm từ chất liệu đá Thanh, có bệ đỡ kiểu sập chân quỳ. Trên bia khắc 197 chữ Hán, chia thành 10 dòng, xếp theo thứ tự từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Đó chính là bài thơ của vua Thiệu Trị vịnh về động. Bài thơ có tên chữ Hán là: "Tiên động phương tung", dịch nghĩa: "Dấu thơm Tiên động". Nội dung bài thơ đã cho thấy vẻ đẹp độc đáo của Động Tiên Phước Duyên. Trong đó có đoạn viết:

    Động Phước Duyên:

    Đá chống lởm chởm - Núi dựng chênh vênh

    Cây bóng tròn xoe - Cỏ hoa thơm ngát

    Thế cheo leo mà vách dựng đứng

    Hữu tình có sông có núi.

    Ngập tràn với mây với nguyệt

    Leo quanh co mà tìm kiếm hang linh

    Ấy chốn động trời đất phước

    Là cảnh an lạc thái bình...

    hay:

    Thế mới bảo đấy là chốn Đào Nguyên

    Vốn biết người nhân thích núi non

    Động sâu mây phủ, cỏ đường mòn

    Linh thiên dấu cũ, yên bình địa

    Thoang thoảng hương trần, thiện khách nhân.

    Đồng thời cũng khẳng định nơi đây chỉ dành cho hoàng thân quốc thích thượng lãm, ngao du:

    Cây cỏ ngàn năm, hoa kết trái

    Đất trời vạn dặm, cảnh riêng xuân

    Thâm u tuyệt diệu đấy non nước

    Đâu khách tầm thường dám đặt chân.

    Cuối triều Nguyễn, khu vực vườn Cơ Hạ bị xuống cấp nghiêm trọng do thiếu điều kiện chăm sóc. Năm Thành Thái thứ 17 (năm 1905), triều đình cho giải phóng hành lang hai bên để làm nhà ở cho Biền binh. Vườn Cơ Hạ bị bỏ phế, động Phước Duyên theo đó mà cũng dần lãng quên và ít người tới.


    Những dấu tích của động đã đổ nát phần nhiều

    Giờ đây, Cơ Hạ Viên đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng. Dấu tích của động Phước Duyên còn đó mặc dù đã đổ nát phần nhiều nhưng vẻ đẹp và sự độc đáo của động vẫn còn nguyên trạng. Tuy nhiên, để phục dựng lại công trình này, đòi hỏi một sự nghiên cứu khá công phu về mặt thời gian và công sức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kham-pha-dong-tien-trong-hoang-thanh-hue-duoi-thoi-trieu-nguyen-a93294.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan