Trong các lễ hội lớn của người Ba Na luôn có bóng dáng cây nêu. Cây nêu vừa là hình tượng nghệ thuật, vừa là biểu tượng tâm linh gắn kết đất trời trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào nơi đây.
Dân tộc Ba Na còn được gọi bằng các tên gọi khác như: Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông. Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hoà. Người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy. Người Ba Na sống gần gũi với thiên nhiên núi rừng do vậy các bản làng của người Ba Na thường quần tụ ở những nơi gần sông, suối. Trong đời sống cộng đồng xã hội của người Ba Na, chế độ mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân.
Hồn cốt của người Ba Na
Cũng như các dân tộc anh em cùng chung sống ở tỉnh Kon Tum, mỗi khi lập làng mới, người Ba Na thường chọn vị trí trung tâm của làng để dựng nhà Rông. Người Ba Na gọi nhà rông là Hnam Rôông, Jơng hoặc là Jôông. Bởi đối với người Ba Na, nhà Rông không những thể hiện uy lực, sức mạnh mà còn là sự tài hoa, tính đoàn kết của dân làng. Nhà Rông chính là trung tâm của làng, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cộng đồng: Lễ hội, vui chơi, hội họp, đón tiếp khách quý và giải quyết các vụ việc liên quan đến cộng đồng làng... Trong lễ mừng nhà Rông mới của người Ba Na, không thể thiếu nghi thức dựng cây nêu cùng các nghi lễ hiến sinh để thể hiện lòng thành và sự kính trọng của dân làng đối với các vị thần linh.
Lễ hội xung quanh cây nêu |
Đối với đồng bào Ba Na, hình ảnh cây nêu, ghè rượu, cồng chiêng, là những thứ không thể thiếu trong những hội hè, lễ, Tết. Trải qua bao thế hệ, in sâu trong tiềm thức của người Ba Na, cây nêu được ví như biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có trường tồn. Trong tín ngưỡng của người Ba Na cây nêu còn có ý nghĩa tâm linh - nơi giúp người làng tiến gần hơn với thế giới của các vị thần.
Cây nêu trong các lễ hội này được làm khá kỳ công và tỉ mỉ, cây nêu dùng để cúng thần lành, để nối kết thần thiêng với con người và trừ khử thần dữ ra khỏi nhà, khỏi làng, khỏi vùng đất của họ. Họ xin các thần linh gìn giữ con cái, vợ chồng, làng buôn, rẫy nương và hoa màu cây cối cho mình, cầu xin sức khỏe để cuốc đất gieo trồng.
Theo già A Phơ - người cao tuổi ở làng Kon Tu 2, xã Đắk Blà, thành phố Kon Tum, cây nêu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Ba Na, Kon Tum. Ngày trước, cây nêu chỉ được dựng trong Lễ ăn trâu (một nghi lễ cúng Yàng trọng đại) để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho mọi người khỏe mạnh, bình an, no ấm. Theo thời gian, cây nêu được dùng ở nhiều sự kiện khác trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi hơn với sinh hoạt của bà con. Trong các lễ hội dân gian của đồng bào, cây nêu trở thành nét đẹp đặc trưng. “Cây nêu càng cao vút thì càng có ý nghĩa thiêng liêng, càng được các Yàng nhanh chóng giúp đỡ, phù hộ cho mọi người bình an, khỏe mạnh và mùa màng tốt tươi. Với người Ba Na ở Kon Tum, cây nêu không được làm cầu kỳ, nhiều màu sắc sặc sỡ như một số dân tộc khác, nhưng vẫn mang nét đẹp rực rỡ, thể hiện khát vọng vươn tới của cộng đồng dân cư sống ven sông Đắk Blà”, già A Phơ cho hay.
Người Ba Na gọi cây nêu là Gâng. Cây thường dùng để làm cây nêu là cây tre hoặc cây lồ ô ở trong rừng có thân thẳng tắp. Cây nêu của người Ba Na gồm 3 tầng, tượng trưng cho: Mặt đất, khoảng không vũ trụ và tầng trời. Tầng mặt đất là gốc của cây nêu, bao gồm các bộ phận: Loong gâng (các ngọn cây le có treo các sợi tua: Tượng trưng cho cây lúa, ngô...); Đao (4 cây chôn ở 4 gốc của cây nêu với một đầu vát mỏng, trang trí hoa văn: Tượng trưng cho trụ nhà và công cụ săn bắt hái lượm) và Koong (là trụ của cây nêu có trang trí hoa văn, tượng trưng cho bếp lửa). Khoảng không vũ trụ là nơi chim chóc bay lượn. Tầng trời là phần ngọn của cây nêu, đây là nơi trú ngụ của thần linh để phù hộ cho dân làng. Cây nêu có ý nghĩa quan trọng và rất linh thiêng đối với người Ba Na, là nơi giao hòa giữa con người với thần linh, là nơi trú ngụ của thần linh để xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng... Sự hài hòa giữa sắc màu đen, đỏ, trắng, vàng trên cây nêu tượng trưng cho màu của tình yêu, khát vọng và sức sống vươn lên của con người.
Tỉ mỉ dựng cây nêu
Để hoàn thành được cây nêu trong các lễ hội lớn, người dân phải mất nhiều thời gian, thậm chí là chuẩn bị trước đó cả tháng trời. “Chuẩn bị lễ hội, những thanh niên trong làng được giao nhiệm vụ vào tận rừng sâu tìm lồ ô, tre, nứa thân to, dài. Cây nêu được xem là sợi dây kết nối giữa mặt đất, con người với thần linh và ông bà tổ tiên. Vì vậy, người ta thường chọn những cây tre, le hay lồ ô cao 18-20m, thấp hơn thì cũng 12-15m, tùy thuộc vào không gian tổ chức và nội dung sự kiện, để làm trục chính của cây nêu, già A Phơ cho hay.
Độc đáo cây nêu của dân tộc Ba Na |
Cũng theo già A Phơ, sau khi nguyên liệu được tập kết về làng, các bô lão tỉ mỉ kết nối từng bộ phận cho phù hợp. Trục chính của cây nêu được phân ra thành nhiều đoạn để trang trí hoa văn và vật biểu trưng. Thông thường, trên ngọn cây nêu, người ta đặt hình mặt trời, hình chim được đẽo bằng gỗ. Trên thân cây nêu, người Ba Na ưa gắn những bông hoa gạo được làm bằng tre (hay le, nứa) đập giập, xé bông thành chùm trắng xốp, nhẹ). Những chùm bông xốp, nhẹ cơ bản giữ màu tự nhiên, riêng phần đầu được nhuộm đỏ rất bắt mắt. Để tạo hình đa dạng, trên thân cây nêu, bông gạo được xếp từ một đến hai, ba tầng xen kẽ nhau. Cách gốc cây nêu chừng trên 1m, là “điểm nhấn” trang trí. Đoạn này được kết bằng 3 khúc ống tre (le, nứa) có các hình trang trí, và 15 nhánh tre (nứa, le) được vót như cần câu. Những chiếc cần câu được gắn nhiều miếng nan nhỏ hình vuông hay lục giác, tượng trưng cho những ngôi sao và con cá, thể hiện sự gắn kết, giao hòa giữa trời với đất và nước.
Điều đặc biệt, cây nêu chỉ do nam giới đảm nhận. Nữ giới tuyệt đối không tham gia vào bất cứ công đoạn nào khi làm cây nêu. Sau khi các công đoạn lắp ráp đã hoàn tất, cả làng chung tay dựng nêu. Với sự linh thiêng và cao quý đó nên không phải ai cũng làm được cây nêu mà chỉ những người có tài, có đôi tay khéo léo mới làm được.
Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động lao động khác đều dừng lại. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ. Khi trâu đã cột chặt vào cây nêu thì mọi thành viên trong cộng đồng sẽ hòa nhập vào lễ tế linh thiêng. Họ cùng đánh chiêng, nhảy múa theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây nêu - đó là chiều vận động bất tận của mặt trời, phản ánh triết lý về sự vận hành âm dương của người Tây Nguyên. Các lễ hội thường có thể kéo dài đến mấy ngày để đồng bào có dịp vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả.
Thanh Bình
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 11