(ĐSPL) - 15 năm ngồi ghế thẩm phán, với chị, xét xử ly hôn vẫn là niềm khắc khoải. Có những giọt nước mắt, có sự tiếc nuối, đôi khi là tức giận xen lẫn sự yêu thương, nhưng day dứt nhất vẫn là đối diện trước ánh mắt như van xin rất đỗi ngây thơ của con trẻ.
Những đứa con trước thềm tan vỡ hạnh phúc gia đình
Một vị thẩm phán đã có kinh nghiệm 15 năm trong nghề xin phép độc giả được giữ danh tính đã có những trải lòng rất thật về những sự việc dọc hành trình công lý của mình. Cuộc đời thẩm phán đã cho tôi nhiều trải nghiệm với những câu chuyện đời rất thật. Thẩm phán không chỉ có những giây phút ngồi tòa và tuyên án mà đằng sau đó còn có những phút trải lòng mà không phải ai cũng biết, ai cũng hiểu. Đặc biệt những lúc ngồi trò chuyện cùng những đứa trẻ trước mỗi lần xử án ly hôn luôn làm tôi day dứt. Đó là nỗi đau của những đứa con bước vào phòng xử án để chờ đợi khoảnh khắc đứng dậy nói lên ý nguyện của mình “Con muốn ở với bố hay với mẹ”.
Nỗi đau con trẻ nhưng là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, chỉ tiếc nhiều khi những nỗi đau ấy không phải bố mẹ nào cũng có thể cảm nhận được. Lần ấy khi còn đang công tác tại quận Tây Hồ, vừa bước vào phòng xử án tôi đã thấy một bé trai đứng ngơ ngác trước cửa phòng. Trên vai vẫn còn mang cặp và vẫn còn đó chiếc khăn quàng đỏ. Đôi tay con níu mạnh tay người mẹ, ánh mắt dò xét, hoảng sợ hết nhìn mẹ, rồi lại nhìn tôi (trong bộ đồng phục của một thẩm phán) mắt ngân ngấn nước.
Dắt con đến gần tôi, người mẹ vội quay mặt đi, bước vội lên hàng ghế đầu phòng xử án. Con rụt rè nói với tôi: “Con tên Huy, đang học lớp 4 ạ”. Nghe tôi hỏi: “Con có biết vì sao mẹ đưa con đến đây không”, con ngập ngừng: “Không ạ! Hôm nay đang trong giờ học con thấy mẹ tới xin cô giáo cho con nghỉ rồi đưa con tới đây. Con hỏi mẹ không nói mà chỉ khóc”. Bố mẹ sống ly thân đã hơn 1 năm, hai tháng nay Huy và mẹ về ở nhà ông bà ngoại nhưng Huy vẫn không hề biết bố mẹ sẽ ly hôn mà lúc nào em cũng chỉ nghĩ bố đi công tác rồi bố sẽ về. Khó khăn lắm để nói cho con hiểu con sẽ không còn được ở cùng cả bố và mẹ, con đến đây để nói rằng con muốn ở với ai. Chỉ mới nói tới đây con đã òa lên khóc: “Con xin bác thẩm phán, cho con được ở với cả bố và mẹ con. Con xin bác”. Lời cầu xin của con hòa trong tiếng nấc.
Đến tận cuối giờ xử án ngày hôm ấy, ngay cả khi án đã tuyên con sẽ ở với mẹ con vẫn chỉ nói với tôi những câu ấy: “Con xin bác thẩm phán….”. Lời cầu xin con trẻ da diết và đau lắm nhưng phải bất lực và ước “giá như tôi có thể giúp được con”. Trong phiên tòa xử ly hôn cách đây hơn 1 tháng, ngồi cùng cậu con trai cả 17 tuổi bà mẹ lúc nào cũng chỉ nhắc đi nhắc lại “Thằng này nó lớn nhưng nó gà tồ lắm”.
Có những phút trò chuyện riêng tư cùng con, con bảo: “Đã hơn 1 năm nay, ba anh em sống cùng với bố, mẹ không về nhà. Con biết và đã chuẩn bị tất cả”. Con kể cho tôi nghe cuộc sống của bốn bố con trong suốt hơn 1 năm gia đình thiếu đi bàn tay chăm sóc của người phụ nữ duy nhất trong gia đình. Ngồi đó rất gần nhưng người mẹ đã không nghe thấy được những vất vả, những khó khăn và cả những thiếu thốn mà ba đứa con trai của chị phải chịu. Và với chị thằng con trai đang học lớp 11 lúc nào cũng chỉ là một thằng gà tồ. 17 tuổi con đủ nhận thức để biết và hiểu cuộc sống của một gia đình mà bố mẹ sẽ ly hôn.
Không ai biết được rằng khi tôi vừa nói: “Bây giờ sẽ bác sẽ bắt đầu phiên xử ly hôn cho bố mẹ con” nước mắt con đã lăn dài trên má. Hơn 1 năm mẹ không về nhà, cũng là hơn 1 năm con chuẩn bị để đối diện với phiên tòa ngày hôm nay nhưng rồi đến thời điểm ấy nước mắt con vẫn rơi. Nhìn lại người mẹ đang ngồi phía sau tôi tiếc là cô ấy không nghe được những lời tâm sự của con và cũng không thể thấy được nước mắt con rơi. Nước mắt ấy là nước mắt của một đứa con “gà tồ”?.
Những cha mẹ hoàn hảo!
Đó là chuyện xảy ra ngay trước cổng tòa án trong phiên xử cuối cùng. Họ đã từng là vợ chồng hạnh phúc trong suốt 4 năm đã có với nhau hai đứa con. Nhưng cuộc sống gia đình dù không thiếu thốn về kinh tế nhưng lại nảy sinh những nghi ngờ lẫn nhau làm cho anh chị thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Cho đến tận ngày xử án cuối cùng họ vẫn cùng chung sống dưới một mái nhà. Nhưng cũng chính trong ngày xử án cuối cùng ấy, chỉ vừa nhìn thấy vợ ngay trước cổng tòa người chồng đã kéo tay chị và đánh. Cuộc ẩu đả của hai vợ chồng diễn ra rất nhanh nhưng lại làm nhiều người bất ngờ.
Lên phòng xét xử, biết được sự việc tôi đã cố gặng hỏi anh chồng tại sao lại có những hành động như thế dù trước đó anh chị vẫn cùng sống với nhau nhưng lại không hề xảy ra những chuyện đánh nhau như thế. Lấy lại bình tĩnh anh phân trần: “Cũng chỉ vì tôi không thể chịu đựng được việc cô ta dám làm đơn xin ly dị tôi. Tôi là một người có danh vọng. Ở cơ quan tôi là một người gương mẫu, luôn được đồng nghiệp và mọi người kính trọng. Ngoài xã hội mọi người đều thấy tôi là một người thành đạt. Vậy mà cô ta dám làm đơn xin ly hôn.
Tự nhiên đến hôm nay tôi thấy rất ức chế”. Lý do anh ta đưa ra chỉ đơn giản trong suy nghĩ của người đàn ông ấy anh là một người đàn ông hoàn hảo. Một câu chuyện đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Vẫn biết anh là người đàn ông thành đạt trong xã hội nhưng một người đàn ông hoàn hảo tại sao lại không phải là một người cha tốt, một người chồng tốt trong gia đình? Tại sao họ không đối xử tốt được với chính những người gần gũi nhất với họ - là vợ, là con. Và trong suốt những năm tháng ngồi phòng thẩm phán tôi cũng đã chứng kiến không ít những giọt nước mắt của những người vợ, người mẹ đến xin được nhanh chóng làm thủ tục ly hôn.
Nhiều khi họ còn cầu xin tôi để họ sớm được giải thoát. Nhưng chẳng mấy ai quan tâm nhiều đến quyền lợi của con ở trong đó. Với họ lúc ấy chỉ có một điều duy nhất là làm sao cho sớm được ly hôn sau đó con cái có thể ở với bố với mẹ và họ sẽ có nhiệm vụ là đóng góp. Tôi đã từng lặng người khi hỏi về cuộc sống của đứa con trai 7 tuổi của một đôi vợ chồng trẻ đang tiến hành những thủ tục cuối cùng cho ngày xét xử.
Đáp lại, người mẹ trẻ gạt vội những giọt nước mắt: “Ban đầu chỉ có em ra ngoài ở trọ, còn cháu ở với bố. Dịp hè em lại cho cháu về bên ông bà ngoại bên Gia Lâm, mới đây khi bước vào năm học mới em lại đón cháu lên. Giờ chỗ trọ cũng bắt đầu ổn định nên cháu ở với em”. Những hành trình như thế trong cuộc sống của con, bố mẹ có thấy được những tổn thương tinh thần to lớn mà các con phải chịu hay họ chỉ thấy được đơn giản đó là giải thoát? Tôi đồng ý ly hôn là một sự giải thoát nhưng mong những người làm cha mẹ hãy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký.
TỐ NHƯ
Xem thêm video:
[mecloud]QjidcaSDta[/mecloud]