+Aa-
    Zalo

    "Khắc chế" rắn hổ mang chúa khổng lồ bằng tay không của lão "dị nhân"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Vừa qua tại Vĩnh Long, dư luận xôn xao chuyện một lão nông dùng tay không thu phục một con hổ mang chúa nặng 5kg và dài đến 3,5m.

    (ĐSPL)- Hổ mang chúa là loại rắn cực độc mà ngay cả các thợ săn rắn chuyên nghiệp cũng phải kiêng dè. Nhưng vừa qua tại Vĩnh Long, dư luận xôn xao chuyện một lão nông dùng tay không thu phục một con hổ mang chúa nặng 5kg và dài đến 3,5m.

    Hổ mang chúa là loại rắn cực độc mà ngay cả các thợ săn rắn chuyên nghiệp cũng phải kiêng dè. Nhưng mới đây, tin tức từ báo Gia đình & Xã hội cho biết tại Vĩnh Long, dư luận xôn xao chuyện một lão nông dùng tay không thu phục một con hổ mang chúa. Hàng loạt đồn đại ly kỳ từ sự việc này cũng được thêu dệt. Tuy nhiên, kích thước gây sốc của con rắn, nặng 5kg và dài đến 3,5m, thì đã được chính người dân trong ấp và lão “dị nhân” khẳng định.

    Khắc chế rắn hổ mang chúa khổng lồ bằng tay không

    Ông Trần Văn Kiểu - Trưởng ấp Thái An, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Trong ấp này, ai cũng biết ông Nguyễn Văn Cò là một người lao động bình thường và sống bằng nghề nông. Việc ông Cò dùng phù phép bắt rắn chỉ là lời đồn đại mang màu sắc huyễn hoặc. Người dân vì bị rắn bắt gà, vịt nhiều quá nên mới hoang mang thêu dệt chuyện. Sự thật thì ông Cò gan dạ và có mẹo nên hạ được con rắn này mà thôi!”.

    Ông Trần Văn Kiểu - Trưởng ấp Thái An, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long)

    Con rắn hổ mang chúa mà ông Nguyễn Văn Cò (61 tuổi) ngụ tại ấp Thái An, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) hạ được có mào đỏ trên đầu, màu đen thâm, cổ phành hơn gang tay người lớn. Khi tận mắt nhìn thấy xác con rắn, nhiều người cảm thấy lạnh người, sởn gai ốc. Lúc còn sống, nó chuyên bắt gà vịt của người dân trong ấp để ăn. Vậy nên khi biết ông Cò tay không thu phục con rắn độc khổng lồ, lâu nay tác oai tác quái này, nhiều người còn không tin. Họ cho rằng, ông Cò có khả năng diệu kì nào đó”.

    Xã Thanh Bình đến nay vẫn là cù lao bốn bề sông nước, nằm sát bên bờ sông Cổ Chiên. Đây là một xã vùng sâu, cây cối rậm rạp với nhiều mảnh đất hoang sơ chưa được người dân khai phá nên rắn rết nhiều vô kể. Những loài rắn độc đa dạng ở vùng này trở thành nỗi khiếp đảm của người dân mỗi khi xuống kênh rạch mò tôm cá, hay những lúc đi làm đồng.

    Khi đề cập tới câu chuyện lão nông tay không bắt rắn, PV được anh Trần Văn Khải (32 tuổi, người dân sống ở cù lao) cho biết: “Rắn hổ mang chúa to lớn thì tôi cũng có gặp một vài lần. Nó rất nhanh nhẹn lại có nọc độc nguy hiểm. Loài rắn này cũng khiến những người làm nghề bắt rắn chuyên nghiệp cũng phải tránh xa, chứ đừng nói người bình thường. Nhưng nghe đâu ở xã Thanh Bình có một người có thể khắc chế rắn hổ mang chúa khổng lồ, đầu mọc mào bằng tay không, đó là điều thật khó tin. Nếu như ông ấy có thể khống chế con rắn một cách dễ dàng thì đúng là bậc cao nhân”.

    Còn ông Nguyễn Tấn Phương (59 tuổi, ngụ ấp Thái An) thì khẳng định ngay: “Không phải là tin đồn đâu, nhà ông Cò ở cuối ấp đó. Mới đây, ông ấy vừa tóm được một con rắn hổ chúa chuyên đi bắt gà, vịt của các hộ dân trong vùng. Nhiều người trông thấy nó nhưng không ai dám đánh hoặc muốn đánh cũng không được vì nó dường như có linh tính khác thường”.

    Con rắn này nặng 5kg, chiều dài tới 3,5m và cực độc

    Theo sự chỉ dẫn của ông Phương, PV tìm đến nơi “ẩn cư” của lão nông này. Nhà ông Cò nằm sát mé sông, xung quanh nhà có nhiều tán cây rậm rạp. Nếu như các hộ dân khác dựng nhà ở nơi trống trải và thoáng mát để sinh sống, thì riêng người đàn ông này lại chọn nơi biệt lập, cây cối um tùm. Thấy khách tới thăm, ông lão vui vẻ ra chào mời. Đối diện với chúng tôi là một người đàn ông dáng tầm thước, khỏe mạnh, nước da ngăm đen. Ông gây ấn tượng với người đối diện bằng cặp mắt sắc lạnh.

    Trái với gương mặt lạnh lùng, giọng nói lão nông miệt vườn lại nhẹ nhàng, chậm rãi: “Mấy chú đến đây để hỏi tôi về con rắn hổ mang chúa mới bị thu phục phải không? Con rắn này to lắm, thằng cháu tui nó còn giữ mấy cái ảnh ấy, các chú lấy mà xem!”. Nói xong, ông lão bảo người cháu đưa cho chúng tôi xem những tấm hình còn lưu lại. Đó là con rắn hổ mang chúa khổng lồ, trên đỉnh đầu có quầng tròn nhỏ, miệng rắn dẹt hệt như cái bàn nạo (dụng cụ để xắt dừa) trông rất đáng sợ.

    Ông Cò cho biết thêm: “Bà con trong xóm này thường xuyên bị mất gà, vịt. Có người còn tận mắt chứng kiến con rắn này rượt đuổi một con gà để ăn thịt nhưng bất lực không dám ngăn cản vì quá sợ hãi. Nhiều người từng bao vây khống chế nó nhưng tất cả nỗ lực đều không thành. Tôi nghĩ lẽ nào lại chịu thua con vật phá phách này nên quyết tâm hạ nó bằng được”.

    Con rắn này nặng 5kg, chiều dài tới 3,5m và cực độc.

    Và câu chuyện thu phục rắn hổ mang chúa khổng lồ được ông Cò kể lại: “Đó là một đêm trời tối đen như mực, tôi núp sẵn trong lùm cây để chờ nó. Hôm đó, tầm 12h đêm, tôi nghe có tiếng động mạnh phát ra từ bụi rậm. Bất thình lình, một con rắn to và dài tiến đến gần tôi. Thoáng chút tôi nhận ra ngay, đó là con rắn hổ mang lâu nay gây nỗi hoang mang cho mọi người. Khi nhìn thấy tôi, nó phềnh mang giương cao đầu rồi bổ thẳng vào tôi. Thấy vậy, tôi lập tức lăn ngang tránh đòn, rồi lùi về phía xa. Nó tiếp tục ngóc đầu lên, tôi đoán ngay nó sắp ra cú mổ tiếp theo. Lúc này, tôi nhanh tay nắm lấy đuôi giật mạnh làm nó đập thân vào gốc dừa. Cú va mạnh khiến con rắn máu chảy tung tóe nhưng nó vẫn chưa chết. Tôi tiếp tục dùng tay bám lấy thân nó vút mạnh vào gốc dừa, lần này con rắn đã nằm bất động và tôi lao tới bắt”.

    Theo lời ông Cò, con rắn này nặng 5kg, chiều dài tới 3,5m. Thậm chí với loài hổ mang chúa, kích thước của con rắn khổng lồ này vẫn lớn đến mức khó tin. “Loại rắn hổ mang này cực độc, chỉ cần một chút nọc độc của nó có thể giết chết một người đàn ông khỏe mạnh chỉ trong tích tắc”, ông Cò nói. Ông Nguyễn Văn Khóm (50 tuổi, sống cạnh nhà ông Cò) cho biết: “Trước giờ, tôi chưa từng thấy con rắn hổ mang nào to như thế. Vậy mà, anh Cò dám tay không bắt sống nó thật đáng khâm phục. Cả xóm này ai cũng mang ơn anh ấy”.

    Nỗi ám ảnh về con rắn độc thoắt ẩn, thoắt hiện đã vĩnh viễn không còn

    Sau lần đó, tin đồn về ông Cò bắt rắn hổ mang chúa bằng tay không lan truyền khắp xã cù lao. Nhiều người thắc mắc vì sao lão nông này có thể tay không mà dễ dàng bắt được con rắn thành tinh như thế.

    Tâm sự với chúng tôi về điều này, ông Cò cười nói: “Thiệt tình, tôi có nghe mọi người bàn tán về chuyện phép thuật gì đó khi tôi bắt con rắn này. Thậm chí, có người còn nói tôi được “ơn trên” hỗ trợ. Mỗi khi nghe chuyện này, tôi chỉ biết cười chừ. Bởi, khi thu phục con rắn hổ mang chúa này, tôi không có phép bùa hay “ơn trên” gì cả, chẳng qua tôi có chút am hiểu về loài này. Với loài rắn này, khi tóm được đuôi thì quay tròn nó trên không nhiều vòng. Điều này, khiến nó sẽ bị mất định hướng và không còn khả năng tấn công. Lúc đó, cứ thoải mái mà bắt”, kể đến đây giọng ông phấn chấn hẳn lên. Nhấp ngụm trà nóng, ông chậm rãi nói, đêm hôm ấy trời rất tối, mắt tôi lại kém nên không nhìn thấy rõ được con rắn đó dữ tợn đến mức nào. Khi đập chết nó xong, tôi mới thấy trên đỉnh đầu nó có dấu lưỡi liềm giống hệt mặt trăng. Lúc đó, tôi mới biết đây là con rắn dữ và rất độc. Vì thấy nó bắt gà vịt của bà con và đem lại phiền toái cho mọi người, nên tôi mới ra tay tiêu diệt. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải thu phục nó bằng mọi cách”.

    Kể từ ngày con rắn hổ mang chúa bị ông Cò “hạ bệ”, tình trạng mất gà vịt trong dân chúng không còn. Cái đêm ông Cò mang xác con rắn ra nhà văn hóa, hàng trăm người dân trong ấp đã kéo đến. Khi biết chắc đây là con rắn khổng lồ tàn hại gà, vịt, bà con đã ngay lập tức reo hò, mở tiệc ăn mừng. Giờ đây, nỗi ám ảnh về con rắn độc thoắt ẩn, thoát hiện đã vĩnh viễn không còn nữa.  

    Rắn hổ mang chúa là loài rắn thuộc họ (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa được ghi nhận ở loài này trong tự nhiên là 7 m.

    Mặc dù danh từ "rắn hổ mang" nằm trong tên gọi thông thường của loài rắn này nhưng chúng không thuộc chi (chi rắn hổ mang thật sự). Đây là loài duy nhất thuộc chi Ophiophagus. Con mồi của loài rắn này chủ yếu là các loài rắn khác và một vài loài có xương sống như thằn lằn, gặm nhấm.

    Rắn hổ mang chúa được đánh giá là loài nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng. Hổ mang chúa được tôn sùng trong nhiều tín ngưỡng văn hóa khác nhau, đặc biệt trong văn hóa Hindu giáo ở tiểu lục địa Ấn Độ.

    Rắn hổ mang chúa được tìm thấy ở các nước Bangladesh, Bhutan, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Nepal, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Chúng sống trong các vùng rừng núi cao rậm rạp, khu vực ưa thích của chúng là hồ nước và dòng suối.

    Quần thể rắn hổ mang chúa đã giảm trong một vài khu vực phân bố, do nạn phá rừng và đang bị săn bắt trái phép phục vụ cho việc buôn lậu động vật quốc tế. Loài rắn này được liệt kê trong phụ lục II trong Công ước Luật bảo vệ động vật hoang dã 1972.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]H3DcD738P6[/mecloud]


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khac-che-ran-ho-mang-chua-khong-lo-bang-tay-khong-cua-lao-di-nhan-a104517.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.