Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Najib Rajak và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức tới Malaysia từ ngày 7-8/8 và tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Singapore ngày 9/8.
Kết thúc hai chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm. Báo Tin Tức xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả nổi bật trong chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng?
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Najib Rajak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao đã có chuyến thăm chính thức tới Malaysia từ ngày 7-8/8/2015. Mặc dù chuyến thăm chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng hai bên đã triển khai được đầy đủ các hoạt động của một chuyến thăm chính thức như, tiến hành lễ đón chính thức, hai thủ tướng gặp hẹp, hội đàm, chứng kiến lễ ký văn kiện, họp báo và dự chiêu đãi của Thủ tướng Najib Rajak; gặp Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Datuk Seri Utama Pandikar Amin bin Haji Mulia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn dành thời gian tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Malaysia; tham dự Đối thoại với các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân ASEAN và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia.
Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là việc hai thủ tướng nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước thành quan hệ Đối tác chiến lược. Đây là một mốc quan trọng, cho thấy sự phát triển vượt bậc trong quan hệ hai nước sau 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; tạo khuôn khổ cho việc thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho mục tiêu hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Malaysia đánh giá việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển quan hệ hai nước.
Về chính trị, hai bên đánh giá quan hệ hai nước ngày càng tin cậy, gắn bó và cùng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung; nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và đẩy mạnh hợp tác trên cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tham vấn hiện có, đồng thời thiết lập các cơ chế hợp tác mới giữa các bộ/ngành hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Datuk Seri Utama Pandikar Amin Bin Haji Mulia. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Về quốc phòng – an ninh, Malaysia mong muốn đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực này. Hai bên đã thỏa thuận nhiều vấn đề cụ thể như tăng cường giao lưu, hợp tác giữa quân đội hai nước; trao đổi kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), cứu hộ cứu nạn, mở rộng hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố; nhất trí xúc tiến đàm phán về Hiệp định dẫn độ, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định phòng chống tội phạm mua bán người cũng như sớm ký kết Thỏa thuận về tuần tra phối hợp giữa Hải quân hai nước tại vùng biển tiếp giáp và nhanh chóng triển khai trên thực địa, góp phần duy trì ổn định và an ninh trên biển. Hai bên cũng cam kết không cho phép bất cứ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia.
Việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên đánh giá hợp tác trong lĩnh vực này đạt nhiều kết quả quan trọng. Malaysia là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN, nhà đầu tư đứng thứ 8 ở Việt Nam, với 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp, và cũng là một trong những địa chỉ đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 800 triệu USD.
Là hai nền kinh tế đang phát triển năng động ở châu Á, lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều nhất trí cho rằng Việt Nam và Malaysia có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như dầu khí, khí ga hóa lỏng, năng lượng, tài chính-ngân hàng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm Halah cho tiêu dùng của người Hồi giáo; quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương ở mức 10 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020.
Về hợp tác nông nghiệp, hai bên nhất trí tăng cường xuất khẩu cũng như trao đổi thương mại nông sản trong thời gian tới; nhất là sớm ký Thỏa thuận thương mại gạo cấp chính phủ. Hiện nay, gạo của Việt Nam chiếm 50\% gạo nhập khẩu của Malaysia. Malaysia đưa ra sáng kiến hai nước sẽ cùng hai nước thành viên ASEAN khác là Indonesia và Thái Lan trao đổi phối hợp về giá cao su để đảm bảo lợi ích của người lao động trước các thách thức hiện nay đối với lĩnh vực này.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế nhằm góp phần thực hiện thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN; khẳng định nhu cầu tăng cường trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định Đối tác khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tận dụng được tiềmnăng và lợi ích của các thỏa thuận tự do thương mại quan trọng mà hai bên cùng hướng tới như TPP và RCEP để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng, các doanh nghiệp Việt Nam có dịp tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh và ký kết một số hợp đồng với doanh nghiệp của nước bạn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Petronas Malaysia; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã trao giấy phép cho ngân hàng CIMB Malaysia mở chi nhánh 100\% vốn của Malaysia tại Việt Nam.
Về hợp tác trong lĩnh vực biển và đại dương, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác nuôi trồng thủy sản, nghề cá, sớm thiết lập đường dây nóng nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, xem xét và xử lý việc ngư dân xâm phạm các vùng biển của nhau theo tinh thần nhân đạo, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; đồng thời tăng cường kết nối cảng biển, vận tải biển và ứng phó thách thức an ninh biển.
Về hợp tác lao động, phía Malaysia đánh giá cao lao động Việt Nam có tay nghề, chịu khó học hỏi, đồng ý tiếp tục nhận thêm nhiều lao động Việt Nam; đồng thời khẳng định quan tâm hơn nữa đến lợi ích và quyền lợi hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho 60.000 lao động Việt Nam được bảo hộ pháp lý đầy đủ và tiếp cận các công việc có kỹ năng và thu nhập ổn định tại Malaysia.
Về hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước cũng nhất trí tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp tốt đẹp; đặc biệt là hợp tác với nhau, với các thành viên ASEAN khác nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, Malaysia chia sẻ những lo ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và lập trường về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cần cấp thiết xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Là nước Chủ tịch ASEAN 2015 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2015-2016, hai nước chia sẻ, hỗ trợ lập trường của nhau, cùng phối hợp để thúc đẩy hòa bình ổn định ở Biển Đông.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Malaysia đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược, mở ra một chương mới cho sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hữu nghị hai nước trong thời gian tới.
Với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm như vậy, xin Thứ trưởng cho biết làm thế nào để phát huy hiệu quả những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng?
Để triển khai tốt những thỏa thuận đã đạt được, hai thủ tướng đã nhất trí giao các bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước trao đổi trực tiếp; sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2015 – 2018.
Trước mắt, tiếp tục phát huy tốt các cơ chế hợp tác sẵn có; tiến tới sớm họp Ủy ban Hợp tác song phương hai nước; xúc tiến ngay các thỏa thuận vừa đạt được; tiến hành tham khảo các nước có liên quan như Thái Lan, Indonesia về lĩnh vực hợp tác cao su. Việt Nam và Malaysia có nhiều nét tương đồng và có chung quan điểm trên nhiều vấn đề quan trọng. Hai nước đều là thành viên tích cực của ASEAN và cùng đang tham gia đàm phán những thỏa thuận tự do thương mại quan trọng nhất ở khu vực bao gồm TPP, RCEP; hai bên có nhiều lĩnh vực có thể hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác hiệu quả, trên nền tảng hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao.
Chính giới, doanh nghiệp, người dân của Việt Nam và Malaysia ngày càng thông hiểu và tôn trọng các giá trị văn hóa của nhau. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như gạo, cao su, dầu thô, nhiều hàng hóa có giá trị cao của ta như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động được xuất khẩu vào thị trường Malaysia. Đáng chú ý, ta đã bắt đầu đưa được quả vải vào thị trường Malaysia, hứa hẹn ngày càng nhiều các sản phẩm hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia. Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp Malaysia đang kinh doanh hiệu quả và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như giữa các doanh nghiệp, người dân hai nước; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; hợp tác giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cộng đồng người Việt Nam ở Malaysia. Tôi tin tưởng rằng việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Malaysia sẽ giúp ích rất thiết thực cho cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, hiện khoảng 73.000 người. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia làm tốt hơn nữa công tác bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Malaysia tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam ở Malaysia hòa nhập với sở tại; giúp cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại Malaysia thật sự trở thành cầu nối, chất xúc tác thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển bền vững và sâu rộng.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chuyến tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Singapore của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự chiêu đãi chào mừng 50 năm Ngày độc lập Singapore do Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam chủ trì. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Nhận lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Singapore. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trên chặng đường hình thành và phát triển của Singapore. Hầu hết lãnh đạo 18 nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) đã tham dự sự kiện quan trọng này. Sự tham dự đông đảo của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quá trình phát triển của Singapore nói chung, góp phần tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore nói riêng; đồng thời góp phần tăng cường đoàn kết ASEAN và đề cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN.
Trong thời gian ngắn tại Singapore, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham gia các hoạt động chính thức của lễ kỷ niệm; có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long; tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của Singapore và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang kinh doanh tại Singapore; tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp Singapore và gặp gỡ cộng đồng, sinh viên ta tại Singapore.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược thiết lập năm 2013, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị tin cậy, gắn bó, tạo xúc tác thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác, đặc biệt trong lĩnh vực kết nối về kinh tế, thương mại, tài chính, giao thông, du lịch nhằm kịp thời nắm bắt được cơ hội mới và các tiềm năng to lớn do các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế mang lại. Singapore là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam; là bạn hàng thứ ba của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch thương mại khoảng 9,8 tỷ USD (năm 2014); là nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam, với vốn đăng ký đạt hơn 33 tỷ USD. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo hướng tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam; cũng như hoạt động của các nhà đầu tư Việt Nam tại Singapore. Lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhận định Việt Nam và Singapore đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn và cùng nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cho biết, theo khảo sát mới nhất đối với 21.000 công ty thành viên hoạt động trên toàn châu Á, Việt Nam nằm trong các nước dẫn đầu về sự hấp dẫn với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Singapore đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng Việt Nam ở Singapore cũng như trong tiếp xúc, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng ta tại Singapore; chỉ đạo Đại sứ quán ta tại Singapore tăng cường công tác bảo hộ công dân; đề nghị Singapore trên tinh thần hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, tạo thuận lợi cho công dân hai nước đi lại dễ dàng, thuận tiện.
Chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ gắn bó, tin cậy giữa các lãnh đạo hai nước; góp phần củng cố quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore.
Theo TTXVN