(ĐSPL) - Người đang chấp hành hình phạt tù thì một số quyền công dân sẽ bị hạn chế như không được quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước…
Pháp luật hình sự cũng như pháp luật chuyên ngành khác không có quy định về việc tước quyền kết hôn của người đang phải chấp hành hình phạt tù.
Kết hôn, ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù |
Kết hôn với người đang thụ án ở tù
Việc kết hôn vốn là việc hệ trọng, việc đại sự của mỗi người. Vì bất cứ lý do gì mà việc kết hôn bị trì hoãn thì thật sự là rất đáng tiếc cho cả hai bên. Song trên thực tế những sự việc như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra. Đơn cử như việc một trong hai bên nam nữ có dự định tiến tới hôn nhân, xong một trong hai bên bị vướng vào vòng lao lý và phải ở tù thì các quy định liên quan quy định như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hình sự, người bị kết án tù có thời hạn buộc phải chấp hành hình phạt tại trại giam, đối với một số tội cụ thể được quy định tại BLHS thì bị tước quyền ứng cử, bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước, quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Còn đối với quyền nhân thân, trong đó có quyền tự do kết hôn, người bị tù giam không bị tước bỏ theo quy định của Bộ luật Hình sự và cũng không bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ). Tuy nhiên, theo Điều 14 Luật HNGĐ năm 2014 và quy định tại Nghị định 158/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định thì Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Để đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.
Do đó nếu một người đang thụ án phạt tù giam thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu này, nên việc tổ chức đăng ký kết hôn không thể thực hiện được.
Ly hôn với người đang thụ án ở tù như thế nào?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, cả hai vợ chồng hoặc một bên (vợ hoặc chồng) đều có quyền làm đơn đề nghị tòa án cho ly hôn. Nếu xét thấy mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì tòa án sẽ giải quyết ly hôn cho hai bên.
Người có yêu cầu giải quyết việc ly hôn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về ly hôn bao gồm:
1. Đơn đăng ký kết hôn bản chính.
2. Bản sao giấy CMTND của cả hai vợ chồng.
3. Bản sao Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng.
4. Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có).
5. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung của hai bên). Sau đó nộp đơn yêu cầu tại TAND Quận (huyện) có thẩm quyền.
Nếu là ly hôn thuận tình từ hai phía thì có thể là TAND quận (huyện) nơi chồng hoặc vợ cư trú làm việc. Nếu là ly hôn đơn phương thì nộp tại TAND Quận (huyện) nơi bị đơn cư trú làm việc. Trong trường hợp bị đơn là người đang thụ án trong tù thì TAND Quận (huyện) nơi người đó cư trú làm việc trước khi thụ án là nơi có thẩm quyền giải quyết.
Với bị đơn đang bị thụ án thì sau khi Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn ly hôn thì Tòa án sẽ ủy thác cho Tòa địa phương nơi có trại giam mà người đó đang thụ án để lấy ý kiến của người đó. Sau đó sẽ tiến hành xử ly hôn vắng mặt người đang thụ án tù.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]p4BU866oFF[/mecloud]