+Aa-
    Zalo

    Kết cục chát đắng khi xuất cảnh trái phép tìm việc, cảnh tỉnh với người dân giáp biên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bất chấp lệnh cấm xuất cảnh, một số người vẫn vượt biên qua Trung Quốc tìm kiếm việc làm để rồi nhiều trường hợp nhận kết cục đau lòng.

    Bất chấp lệnh cấm xuất cảnh, một số người vẫn vượt biên qua Trung Quốc tìm kiếm việc làm để rồi nhiều trường hợp nhận kết cục đau lòng. PV ĐS&PL đã ghi nhận ý kiến của chính quyền địa phương, chuyên gia pháp lý xung quanh vấn đề này.

    Mất mạng nơi đất khách

    Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Trần Quang Minh, Bí thư huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, trong thời gian qua, mặc dù đã có biện pháp mạnh về tăng cường chống dịch Covid-19, cấm xuất cảnh, đóng cửa các đường mòn, lối mở qua biên giới, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cố tình không chấp hành, lén lút tìm mọi cách để vượt biên trái phép sang Trung Quốc, để rồi có người phải trả giá bằng mạng sống. Tính từ đầu tháng Tư, huyện Mèo Vạc đã ghi nhận 3 trường hợp phải bỏ mạng thương tâm.

    Đầu tiên là trường hợp của anh Ly Pó S. (SN 1977, xã Thượng Phùng). Sau khi trốn sang Trung Quốc và làm việc được 6 ngày, anh S. đã đột tử không rõ nguyên nhân. Thi thể anh bị ông chủ vận chuyển ra biên giới rồi bỏ tại khu vực mốc 462.

    Thi thể anh Ly Pó S. sau đó được Công an xã Thượng Phùng phát hiện ngày 1/4. Qua xác minh cho thấy, sau thời gian nghỉ ở nhà dài ngày bởi dịch Covid-19, anh S. đã cùng 2 người trong thôn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc.

    Nói về hoàn cảnh của nạn nhân, ông Ông Sùng Mí Lử, Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng cho biết, S. có hoàn cảnh rất khó khăn. Có lẽ cũng vì quá nghèo nên vợ của S. đã bỏ đi để lại anh một mình nuôi hai con nhỏ. Chỉ ít ngày sau cái chết của anh S., chính quyền xã Niêm Tòng lại phát hiện Vừ Mí S. (SN 1999) bị nước cuốn trôi và chết đuối trên sông Nho Quế.

    Sau đó cơ quan chức năng xác định, đêm 9/4 có 5 công dân tại xã Niêm Tòng được một đối tượng móc nối dẫn sang làm thuê bên Trung Quốc. Trong số đó có Vừ Mí S. Để tránh một chốt kiểm soát tại đầu cầu Tràng Hương, nên chờ đêm khuya cả nhóm bơi qua sông Nho Quế, do không biết bơi, S. đã bị nước sông cuốn trôi.

    “Tương tự nạn nhân trên, Vừ Mí S. thuộc diện hộ nghèo của xã. Anh này cũng mới lấy vợ rồi chuyển ra ở riêng. Vợ S. cũng mới sinh một con nhỏ. Sau khi S. mất thì nhà chỉ còn 2 mẹ con”, lãnh đạo xã Niêm Tòng nói với PV ĐS&PL.

    Không chỉ có người dân bản địa, trước đó đầu tháng Tư, nhóm gồm 7 công dân (tỉnh Nghệ An) đến huyện Mèo Vạc tìm cách xuất cảnh trái phép qua đoạn biên giới xã Xín Cái.

    Để trốn tránh lực lượng kiểm soát biên giới, cả nhóm đã đi bộ men theo đường rừng hiểm trở, độ dốc lớn dẫn đến việc chị Nguyễn Thị P. (SN 1988) tử vong do kiệt sức. Những người cùng đoàn đã bỏ trốn, sau 2 ngày bị lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc bắt giữ.


    Bộ đội biên phòng Hà Giang phối hợp tuần tra.

    Và những khuyến cáo

    “Các trường hợp vượt biên trái phép đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, việc xuất cảnh trái phép, không chấp hành các biện pháp về phòng, chống dịch đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội, vừa vi phạm pháp luật. Không ít trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng của mình như 3 người nói ở trên”, vị Bí thư huyện Mèo Vạc cho hay.

    Cũng theo ông Minh, các trường hợp xuất cảnh trái phép phải trốn tránh đi theo đường rừng, núi; Khi sang bên kia biên giới phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại.

    Những người nhập cảnh trái phép sẽ không được ký hợp đồng lao động và không được hưởng các chế độ bảo hiểm khi đau, ốm hoặc bị tai nạn không được chủ sử dụng lao động quan tâm, điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

    Ông Trần Quang Minh đã khuyến cáo: “Khi có nhu cầu đi lao động bên Trung Quốc hãy đăng ký với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện để được giúp đỡ, tư vấn và đăng ký đi làm việc trong các công ty của Việt Nam; nếu sang Trung Quốc thì đăng ký theo chương trình hợp tác lao động của huyện Mèo Vạc với các địa phương phía Trung Quốc.

    Rất mong mọi người hãy sáng suốt lựa chọn cho mình con đường đi hợp pháp và nơi làm việc phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tránh gặp phải rủi ro đáng tiếc như 3 trường hợp trên”.

    Đặng Thủy
    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (66)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ket-cuc-chat-dang-khi-xuat-canh-trai-phep-tim-viec-canh-tinh-voi-nguoi-dan-giap-bien-a321045.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan