Bị kiểm tra, kẻ trốn nã về hành vi mua bán trái chất ma túy tìm mọi cách chống trả để bỏ chạy nhưng bất thành. Đối tượng bị cảnh sát khống chế, dẫn giải về trụ sở.
Theo thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, ngày 20/7, Đồn công an Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã bàn giao đối tượng truy nã Đỗ Hữu Thực (37 tuổi, quê Thái Nguyên) cho Công an tỉnh Quảng Ninh thụ lý điều tra về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy.
Theo hồ sơ vụ án,Thực là một trong những mắt xích quan trọng trong dây buôn hơn 30.000 bánh heroin bị Công an Quảng Ninh phối hợp với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) triệt phá 5 năm trước.
Gần đây, qua công tác quản lý, Đồn Công an Đa Tốn phát hiện Thực ra vào địa bàn có biểu hiện lén lút. Đêm 19/7, công an sở tại quyết định kiểm tra hành chính người đàn ông này, tuy nhiên Thực đã lao thẳng xe máy vào lực lượng làm nhiệm vụ.
Kẻ trốn truy nã tại cơ quan công an - Ảnh: An ninh Thủ đô |
Tìm mọi cách chống trả để bỏ chạy nhưng bất thành, Thực bị cảnh sát khống chế, dẫn giải về trụ sở.
Liên quan đến vụ việc, báo Dân trí thông tin thêm, theo tài liệu điều tra, Thực nằm trong đường dây mua bán ma túy qua biên giới do Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47 Bộ Công an) xác lập chuyên án từ năm 2006 để đấu tranh, triệt phá.
Năm 2012, Ban chuyên án đã quyết định phá án, triệt phá đường dây các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới, bắt giữ 147 đối tượng gồm nhiều mắt xích quan trọng, với số lượng ma túy giao dịch tính đến thời điểm phát hiện, bắt giữ lên tới hơn 30.000 bánh heroin.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 147 đối tượng, trong đó có 35 đối tượng bị truy tố, xét xử với khung hình phạt cao nhất là tử hình; ra quyết định truy nã 38 đối tượng trong đó có rất nhiều đối tượng bị truy nã quốc tế.
Đối tượng Đỗ Hữu Thực cũng được xác định là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây phạm tội này, với hành vi phạm tội “áp” khung hình phạt tử hình.
Chiều 20/7, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận đối tượng Thực để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới; e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em; g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam; h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam; i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam; k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam; l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam; m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam; n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít; o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này; p) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam; b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam; c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam; d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam; đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam; e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam; g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít; h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên; b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên; c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên; d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên; đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên; e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên; g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên; h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)