(ĐSPL) - Theo cán bộ Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh – Hải Dương), trong hơn 120 phạm nhân mang tội danh giết người và chấp hành án tù chung thân tại đây, Bùi Văn Huy là trường hợp duy nhất được “hạ khung” từ mức án tử hình xuống chung thân.
Đây chính là kẻ từng gây nỗi kinh hoàng đối với không riêng thày trò Trường THPT bán công Kim Thành (Hải Dương) bởi hành vi giết người man rợ. Trước mặt tôi hôm nay, Bùi Văn Huy đã trở thành một chàng trai cao lớn, chững chạc, thừa nhận mình đáng tội chết và may mắn thoát án tử nhờ quyết định ân xá của Chủ tịch nước.
Nam sinh mất nết, đua đòi
Trời tháng 10 phả những tia nắng hanh hao lên vạt mười giờ nở bung trên khoảng sân rộng thuộc Phân trại 1, Trại giam Hoàng Tiến. Tôi bước vào phòng trực của cán bộ quản giáo, đã thấy phạm nhân Bùi Văn Huy ngồi đợi sẵn với nét mặt đăm chiêu. Có lẽ tiếng trống kết thúc một hội thi đoàn đội được tổ chức cách trại không xa vọng lại đã phá tan không gian tĩnh lặng và chợt gợi cho gã trai dám cả gan giết người khi còn rất trẻ cảm giác bồi hồi, luyến nhớ về thời áo trắng hồn nhiên sôi động mà gã tự đánh mất. Huy ngẩng lên chào. Tôi thoáng gai gai khi chạm bộ mặt lạnh với đôi mắt một mí sùm sụp ít khi nhìn lên. Tôi tự nhủ, mình đã hình dung không sai về phạm nhân mệnh danh máu lạnh này.
Kẻ thoát án tử gần 10 năm ám ảnh bởi ác mộng “tình địch” quay về...(Ảnh minh họa) |
Không phải bây giờ (khi đề xuất với Ban Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho gặp Bùi Văn Huy) mà cách đây hơn 8 năm, tôi từng biết về phạm nhân này qua một vụ trọng án gây chấn động dư luận tỉnh Hải Dương. Bùi Văn Huy sinh ngày 14/3/1990, là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở thôn Nguyễn Bạo, xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Gia đình không có điều kiện, nhưng Huy lại thích ăn diện, đua đòi. Sau khi tốt nghiệp THCS, Huy không thể thi đậu vào trường công lập uy tín mà theo học tại trường THPT bán công Kim Thành.
Vì trường THPT bán công Kim Thành cách xa gia đình hơn 10 cây số nên Bùi Văn Huy và một số bạn bè cùng lứa phải thuê trọ gần trường. Gần cuối năm lớp 12, Huy bất ngờ bị các chiến sĩ công an đến tra tay vào còng số 8. Rồi ngay sau đó, cả thầy và trò trường THPT bán công Kim Thành hoảng hồn trước thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra: Vì cùng yêu một bạn gái học cùng trường, Huy cũng gã bạn thân đã dùng dây phanh xe đạp thít cổ sát hại anh Trần Văn T. (người mà Huy cho là “tình địch” dám xen vào tình yêu của hắn) ngay tại phòng trọ của Huy. Sau đó, Huy và gã bạn mang xác nạn nhân phi tang xuống con sông gần đó. Thi thể anh T. được tìm thấy khi đã ở tình trạng trương thối. Ở cả hai cấp toà, Bùi Văn Huy đều bị tuyên mức án cao nhất: Tử hình.
Tôi nhìn thẳng vào Bùi Văn Huy và những tưởng câu hỏi xoáy vấn đề sẽ khiến phạm nhân gây án rúng động khi còn ở tuổi học trò này giật mình, luống cuống hoặc bật khóc vì hối hận. Nhưng ngược lại, Huy rất bình tĩnh, thản nhiên, rành mạch kể lại gần như từng chi tiết tội ác của mình khi lạnh lùng đoạt mạng người con trai cùng lứa.
Huy kể: “Em và N.T.N (một bạn gái cùng tuổi, cùng trường, cùng xã) yêu nhau từ năm 2006, khi ấy em đang học lớp 10. Khoảng đầu năm 2008, lúc đó là học kỳ 2 lớp 12 thì em nghe tin Trần Văn T. (sinh năm 1989), đã bỏ học, nhà ở gần trường THPT bán công Kim Thành cũng yêu N.T.N. Trần Văn T. thường đến phòng trọ của N. chơi. Tuy N. không thừa nhận có tình cảm với T. và cũng chưa nhìn thấy T. và N. đi chơi với nhau, nhưng em rất rất tức tối, tức đến nỗi mất ăn mất ngủ. Vì có quen biết, thậm chí đã từng đi chơi cùng nhau nên em định tìm gặp T. để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng khoảng đầu tháng 4/2008, em chưa kịp nói gì với T. thì nghe vài bạn nói rằng T. đe sẽ giết em nếu em còn yêu N. Vốn đã ghét T., nghe vậy, em càng không chịu đựng được, phần vì em yêu N., phần vì không thể để một thằng bỏ học, kém cỏi hơn mình qua mặt. Em nghĩ, nếu không “loại” T. thì T. cũng sẽ “loại” mình nên em bàn với hai người bạn trai cùng lớp lập kế hoạch giết T. và được hai bạn này nhiệt tình ủng hộ.
Tối 23/4/2008, T. đến phòng trọ của N., cũng trong khu em thuê trọ, nhưng N. đã về quê từ chiều. Lúc đó, bạn cùng lớp với em là Vũ Văn Hoàn đang chơi ở phòng em. Em chạy sang mời T. vào phòng mình chơi. Do đã bàn bạc thống nhất với Hoàn việc giết T. từ trước, nên khi thấy T. nghe điện thoại, Hoàn đã lấy ruột phanh xe đạp được chuẩn bị sẵn dưới gầm giường đi vòng ra phía sau quàng một vòng vào cổ T. rồi siết mạnh. Còn em thì lao vào đè lên, giữ chân tay T. không cho giãy giụa. T. yếu ớt ú ớ, mắt trợn ngược, khoảng 3 phút thì tử vong”. Tôi sởn da gà, tai như ù đi, với tay cầm ly nước uống nhấp một ngụm để ngắt lời kẻ giết người có dáng vẻ thư sinh đang ngồi đối diện. Xung quanh tôi chợt im lặng. Sự im lặng đáng sợ.
Tôi chỉ cảm nhận thấy lúc này, khuôn viên rộng trước khu làm việc của cán bộ Trại giam Hoàng Tiến có gió rất nhẹ, thỉnh thoảng lùa vào đủ để làm những nốt da gà trên hai cánh tay tôi thêm dày đặc. Tôi phải mất hàng chục phút chờ cho chính mình bình tâm lại để đối diện với một con người mang trái tim quỷ dữ ngay từ tuổi học trò.
Tiếp tục kể về vụ trọng án do mình gây ra từng gây chấn động dư luận, giọng Bùi Văn Huy vẫn trơn tru: “Kiểm tra thấy T. đã tắt thở dưới nền đất, lúc ấy em mới hả hê. Em và Hoàn khoá cửa lại đi xem ca nhạc đến 2 giờ sáng 24/4/2008 mới về, rồi hai đứa cho xác T. lên xe máy mang ra con sông gần khu trọ ném xuống. Đến ngày 1/5/2008, người ta tìm thấy xác của T. Chỉ một ngày sau, 2/5/2008, em và Hoàn bị bắt. Qua hai phiên xử, em vẫn bị tòa tuyên y án tử hình. Hoàn bị tuyên phạt 18 năm vì tại thời điểm gây án, Hoàn chưa đến tuổi thành niên. Hoàn cũng đang chấp hành án tại trại giam này”.
Ác mộng đeo bám cuộc đời
Điều khiến tôi bất ngờ là trái với bộ mặt lạnh lùng, vẻ thản nhiên kể về hành vi giết người, Bùi Văn Huy chợt im lặng, cổ họng nghèn nghẹn khi nhắc tới người thân: “Em nhớ bố mẹ lắm, nhất là mẹ. Giờ đây em ân hận và thương mẹ vô cùng. Em không quên được hôm xử toà. Em nhìn thấy rõ mẹ khóc ngất, mặt nhăn nhúm và già sọm. Đôi mắt mẹ mở to mà như mờ đi trong đau khổ, tuyệt vọng. Lúc ấy và cả đến bây giờ em mong được nắm bàn tay mẹ nhưng xa xôi quá. Trước đây, em hay khó chịu, hậm hực bỏ đi mỗi khi mẹ “ca” bài về cuộc đời, về cách sống, về những cái gì nên làm và nên tránh, đặc biệt là những cái ác.
Những câu “ca” đó em nghe gần như thuộc lòng, nghe vài lần, nhớ cả đời nhưng lại không thực hiện. Em thấy mọi thứ đều vô nghĩa, chỉ có cuộc sống của bản thân là quan trọng. Em quên mất một điều là khác với tất cả những thứ khác, cuộc sống chỉ có một. Vậy mà em đã đùa với cuộc sống và suýt vĩnh viễn không tìm lại được dù chỉ ở trong 4 bức tường. Em biết tội mình gây ra là đáng chết và lẽ ra đã chết nếu không nhờ sự cống hiến của cha ông cũng như chính sách khoan hồng của Nhà nước. Khi cầm quyết định ân xá của Chủ tịch nước được giảm xuống mức án chung thân vì xét gia đình em là gia đình có công (ông nội em là liệt sĩ), em mừng đến nghẹt thở và chợt nhận thấy ý thức mình hoàn toàn thay đổi. Em ân hận về sự nông nổi, ngông cuồng của mình. Em đang cố gắng cải tạo thật tốt mong cơ hội được trở lại cuộc sống bình thường, dù là một ngày.
Dù rất mừng khi biết mình được sống, có cơ hội được trở về, nhưng điều khủng khiếp ám ảnh em suốt 8 năm qua là đêm đêm, hễ cứ nhắm mắt, em lại mơ thấy T. hiện về với cái dây phanh xe đạp lao tới đòi thít cổ em. T. còn nói “Tao không bao giờ tha thứ cho mày”. Thường, sau mỗi giấc mơ lặp đi lặp lại như thế, em ngồi dậy thức đến sáng nói lời sám hối với nạn nhân T. và hai gia đình. Trong đêm đen mù mịt nơi buồng giam, T. cũng như người thân của T., cả người thân của em nữa chẳng ai nghe thấy được...”.
Trưa đứng bóng, tôi gập cuốn sổ ghi chép và nhờ cán bộ quản giáo đưa Bùi Văn Huy trở lại khu giam. Có lẽ nam phạm nhân từng lạnh lùng cướp đi mạng sống của người khác rồi ném xác phi tang này chưa hiểu và có thể chẳng bao giờ hiểu, ở đời, không phải lỗi lầm nào cũng được nói lời sám hối mà phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
H. Nguyễn
Xem thêm video:
[mecloud]WCMnzaWiz1[/mecloud]