Nghĩ bạn đã chết, Hải liền lục túi quần nạn nhân lấy đi 10 triệu đồng rồi đẩy anh này xuống sông Hàn. Sau đó, Hải còn quay về nhà lấy xe của nạn nhân mang cầm cố được 38 triệu đồng.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 6/7, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Ngọc Hải (SN 1993, trú Thanh Khê, Đà Nẵng) về tội giết người và cướp tài sản.
Nạn nhân là anh Đặng Văn S. (SN 1997, trú huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi).
HĐXX đã tuyên Nguyễn Ngọc Hải lĩnh án tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Báo Công lý trích dẫn cáo trạng thể hiện, Hải và anh S. là bạn bè trong hội xe máy. Tối 28/12/2016, anh S. điều khiển xe máy đến nhà Hải chơi. Sau đó, cả 2 thống nhất đi dạo bằng xe máy của Hải để thử đèn mà Hải mới gắn vào xe.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Hải tại phiên tòa - Ảnh: Báo Người Đưa Tin |
Khi điều khiển xe đến khu công viên Châu Á (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), trong lúc nói chuyện về cách chạy xe, bảo quản xe, cả 2 bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Trong cuộc cãi vã, anh S. có dùng lời lẽ xúc phạm Hải.
Tức giận, lợi dụng anh S. quay mặt cài lại mũ bảo hiểm, Hải tháo dây thắt lưng siết cổ bạn. Nghĩ anh S. đã chết, Hải lục túi quần của nạn nhân lấy đi 10 triệu đồng trong ví, rồi đẩy anh này xuống sông Hàn. Không dừng ở đó, Hải còn quay về nhà lấy xe của anh S. mang cầm cố được 38 triệu đồng.
Khoảng 20h ngày 30/12/2016, nghi ngờ Hải có liên quan đến cái chết của anh S., Công an quận Hải Châu đã mời nam thanh niên này lên lấy lời khai. Trong quá trình làm việc với công an, Hải tự ý bỏ về rồi lén lút trốn khỏi địa phương. Được sự động viên của gia đình, sau đó Hải đã đến trụ sở công an đầu thú.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Điều 133. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)