(ĐSPL) - Lợi dụng sơ hở, kẻ gian lẻn vào nhà của một hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bắt cóc bé 3 tháng tuổi.
Thông tin nhanh từ Công an TP Hà Tĩnh cho biết, khoảng 14h ngày 22/11, tại tổ dân phố 9, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) xảy ra vụ bắt cóc trẻ em.
Theo đó vào thời điểm trên, tại địa phương này xuất hiện 2 đối tượng, gồm 1 nam và 1 nữ, đeo khẩu trang kín mặt. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, 2 tên này đã lên kế hoạch, lẻn vào nhà của một hộ dân trên địa bàn, bắt cóc cháu bé 3 tháng tuổi.
Người mẹ phát hiện sự việc đã lập tức chạy tới giằng co với nữ đối tượng bắt cóc. Rất may, sau đó chị này đã giành lại được đứa con.
Kế hoạch bắt cóc bất thành, nữ đối tượng nhanh chân chạy ra khỏi nhà, lên xe máy của đối tượng nam đang chờ sẵn bên ngoài để tẩu thoát.
Sự việc ngay sau đó được trình báo lên Công an TP Hà Tĩnh. Theo miêu tả của người mẹ, đối tượng nữ khoảng 40 – 42 tuổi, cao khoảng 1m50, người đậm, mặc áo khoác nắng, mặt đeo khẩu trang. Đối tượng nam cũng đeo khẩu trang, đi xe máy màu xanh.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an TP Hà Tĩnh đã tiến hành xác minh, điều tra, truy lùng đối tượng.
Nhận định đây là loại tội phạm mới xuất hiện trên địa bàn, xét thấy tính chất nghiêm trọng nên Công an TP Hà Tĩnh đã thông báo, khuyến cáo về các thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm bắt cóc trẻ em, để người dân cảnh giác.
Cụ thể, về thủ đoạn, các đối tượng thường tiếp cận các khu vực gần nhà nạn nhân, lân la trước cổng các trường học để theo dõi, nắm tình hình, lợi dụng sơ hở để bắt cóc. Ngoài ra, đối tượng còn dùng thủ đoạn tiếp cận với các em nhỏ, tìm cách làm quen rồi lợi dụng bắt cóc nạn nhân…
Để phòng tránh việc kẻ xấu lợi dụng bắt cóc, công an khuyến cáo cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đến các các tầng lớp nhân dân, cơ quan, trường học về thủ đoạn hoạt động của tội phạm bắt cóc trẻ em.
Bên cạnh đó, phụ huynh và nhà trường nên có biện pháp quản lí chặt chẽ các cháu, không nên để trẻ một mình, tránh tiếp xúc với người lạ… Khi phát hiện đối tượng lạ có các hoạt động, biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em, người dân nên nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an gần nhất.
Điều 134. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009) 1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Đối với trẻ em; e) Đối với nhiều người; g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; i) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
P.V
Xem thêm video:
[mecloud]gZgebpvJfv[/mecloud]