Trong thời kỳ nhà Thanh, có 2 gia tộc có thế lực lớn nhất chính là Ái Tân Giác La và Diệp Hách Na Lạp. Hai dòng họ này không ngừng đấu đá với nhau, nhưng cũng thường kết giao với nhau bằng hình thức hôn phối.
Vị vua thứ 9 của Thanh triều là Hàm Phong Đế đã từng chọn một thiếu nữ 15 tuổi dòng họ Diệp Hách Na Lạp làm vợ trong kì tuyển tú năm xưa. Người này về sau được phong thành Lan Quý Nhân và cũng chính là Từ Hy Thái hậu.
Bốn năm sau, Lan Quý Nhân sinh hạ cho vua Hàm Phong một vị hoàng tử, vua rất vui mừng nên phong cho nàng lên làm Ý Quý Phi. Nhiều năm về sau, vua Hàm Phong dần chìm đắm trong nữ sắc và thuốc phiện, sức khỏe ngày càng yếu đi và băng hà khi chỉ mới 31 tuổi. Lúc này, triều đình đành phải để Đồng Trị - con trai duy nhất của tiên đế và Ý Quý Phi lên ngôi khi vừa tròn 6 tuổi; với sự trợ giúp của 8 vị cố mệnh đại thần cùng Hoàng hậu và Ý Quý Phi nhiếp chính.
Trở thành "quả phụ" khi mới 26 tuổi, song Từ Hy Thái hậu không chịu cảnh cô đơn phòng không gối chiếc. Thậm chí, ở độ tuổi thanh xuân đang phơi phới, người phụ nữ quyền lực này còn có đời sống tình cảm rất phong phú và muôn màu.
Trong cuốn "Văn Trần Ngẫu ký" (những câu chuyện được nghe kể ở trần gian), một vị thái y từng may mắn sống sót khỏi lưỡi đao của Từ Hy Thái hậu đã kể lại một bí mật động trời đằng sau cánh cửa Tử Cấm Thành mà hoàng gia vẫn luôn giấu kín.
Bấy giờ, Lý Liên Anh là thái giám thân cận của Từ Hy Thái hậu. Ông là người luôn hiểu rõ người chủ của mình muốn điều gì. Ông cũng chính là người lén đưa những nam nhân từ đủ mọi ngành nghề vào cung để phục vụ cho Từ Hy.
Một lần, Lý Liên Anh giới thiệu đưa một thương nhân họ Bạch vào cung để hầu hạ người đàn bà quyền lực ấy. Vẻ ngoài hào hoa, phong nhã của nam nhân họ Bạch này khiến Từ Hy vô cùng yêu thích. Song, một điều bất ngờ đã xảy ra khi thái hậu bỗng thấy cơ thể khác lạ.
Từ Hy Thái hậu khi đó thường xuyên bị nôn mửa, tinh thần uể oải, cơ thể khó chịu. Thái giám thân cận Lý Liên Anh khi đó lập tức đi mời thái y đến khám bệnh.
Vị thái y này sau khi bắt mạch liền phát hiện Từ Hy Thái hậu đã mang thai. Biết rằng đây là chuyện hệ trọng, tiết lộ có thể mang họa diệt thân nên vị thái y thông minh này đã tâu với Từ Hy nguyên nhân bệnh chỉ là do việc triều chính bận rộn. Việc cơ thể bị suy nhược không quá đáng ngại, chỉ cần nghỉ ngơi là sức khỏe sẽ ổn định lại.
Song, sau nhiều ngày sức khỏe của thái hậu vẫn không biến chuyển. Bà cảm thấy vẫn khó chịu trong người nên thái y tiếp tục được mời tới.
Vị thái y này sau khi bắt mạch liền tâu thật về việc Từ Hy đang mang thai, ông đã bắt được hỉ mạch. Nghe xong lời thái y, Từ Hy nổi cơn thịnh nộ: "Bản cung thủ tiết nhiều năm, làm sao có thể mang thai được. Người đâu, đưa tên lang băm này ra chém đầu".
Chưa dừng lại ở đó, sau khi xử trảm người này, Từ Hy Thái hậu cũng sai người trừ khử luôn vị thái y thông minh lúc trước.
Hoàng đế khi đó biết sự việc thì cho rằng hai vị thái y kia không trị khỏi bệnh cho thái hậu nên phải chịu tội. Ông đích thân mời một vị thái y đã cáo lão về quê có tên là Tiết Phúc Thần vào cung xem bệnh cho Thái hậu.
XEM THÊM: Trấn Thành hé lộ những điểm đáng mong đợi về dự án mới tên "Mai"
Vị Thái Y này vốn dày dặn kinh nghiệm nên liền hiểu ra mọi chuyện. Ông đã nói với Thái hậu căn bệnh của bà chỉ là do quá căng thẳng gây khí huyết cản trở. Sau đó, ông liền kê cho thái hậu một phương thuốc có tác dụng phá thai.
Trở về nhà, Thái Y Tiết Phúc Thần biết chắc số phận của mình sẽ chịu chung như hai người thái y trước. Ông bèn bảo người nhà lập sẵn bài vị cho mình, loan tin ra ngoài rằng ông đã chết.
Quả thực mấy ngày sau người của Từ Hy Thái hậu đã tìm tới để giết Tiết Phúc Thần nhằm diệt khẩu. Tuy nhiên, khi tìm đến nhà vị thái y này, thấy gia đình đã lập bài vị và linh cữu bèn cho qua vì nghĩ Tiết Phúc Thần đã chết.
Phương Linh(T/h)