Các trường học và tòa nhà công cộng ở Italy sẽ không được bật điều hòa thấp hơn 25 độ C kể từ tháng 5 tới, theo một kế hoạch giúp đất nước tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng do tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine, The Guardian đưa tin ngày 21/4 (giờ địa phương).
Quy định sẽ được thực hiện từ ngày 1/5 và có hiệu lực cho đến ngày 31/3/2023. Vào mùa đông, hệ thống sưởi trong các tòa nhà công cộng không được bật quá 19 độ C.
Hiện vẫn chưa rõ quy định này sẽ được áp dụng thế nào nhưng các thanh tra của bộ Lao động Italy có thể tiến hành giám sát và áp mức phạt 540 - 3.200 USD cho các hành vi vi phạm. Quy định giới hạn nhiệt độ không áp dụng cho các bệnh viện Italy, nhưng sau này có thể áp dụng với nhà riêng của người dân.
Bộ trưởng Hành chính công Italy Renato Brunetta cho biết sáng kiến giới hạn nhiệt độ điều hòa, máy sưởi này là một dấu hiệu tích cực và sẽ giúp tiết kiệm 2 - 4 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Khoảng 57% chi phí năng lượng của một tòa nhà văn phòng công cộng đến từ việc kiểm soát nhiệt độ.
Chính trị gia Angela Masi cho biết: "Cơ quan hành chính công đang nêu gương tốt, giảm thiểu lãng phí và nâng cao nhận thức người dân về hợp lý hóa tiêu dùng. Đó là cách đơn giản để đóng góp và giúp giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt".
Sau khi đến Algeria vào tuần trước để thực hiện một thỏa thuận về khí đốt, ông Draghi đã buộc phải hủy các chuyến đi đến Angola và Cộng hòa Congo sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Do lo ngại nguồn cung năng lượng bị ảnh hưởng từ xung đột Ukraine, Italy trước đó đã ký thỏa thuận với Angola để tăng cường nguồn cung khí đốt từ quốc gia Nam Phi này.
Các Bộ trưởng Italy cũng tới Trung Phi hôm 20/4 để tìm kiếm các bên cung cấp khí đốt thay thế cho Nga, quốc gia Italy nhập khẩu khoảng 45% nhu cầu khí đốt tự nhiên.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ đã dẫn dắt đồng minh châu Âu thực hiện các biện pháp tẩy chay năng lượng Nga, dù nhiều chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ.
Bích Thảo(Theo The Guardian)