Bộ Nội vụ Libya cho biết, hôm 28/1, cuộc tấn công xảy ra trên sa mạc cách thủ đô Tripoli 700 km (430 dặm) về phía Nam, "nhắm vào một đội tuần tra của Lữ đoàn Umm al-Aranib Martyrs, khiến 3 sĩ quan thiệt mạng".
Nguồn tin cho biết thêm rằng các lực lượng chính phủ đã tiêu diệt 4 phần tử khủng bố và phá hủy phương tiện của chúng. Cuộc truy lùng những kẻ bỏ trốn cũng đang được tiến hành.
Trước đó, hôm 24/1, IS tuyên bố nhóm này đã tấn công một lữ đoàn trong cùng khu vực trên, sát hại 2 thành viên.
Lữ đoàn Liệt sĩ Umm al-Aranib phần lớn bao gồm các thành viên của nhóm dân tộc Tubu bị gạt. Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau sự sụp đổ năm 2011 của nhà cầm quyền cũ Muammar Gaddafi, với một loạt các nhóm vũ trang tranh giành quyền kiểm soát.
IS, được khích lệ bởi những chiến thắng ở Syria và Iraq, đã lợi dụng sự hỗn loạn để chiếm giữ các khu vực phía Bắc và phía Đông của đất nước.
Tuy nhiên, sau một loạt các cuộc tấn công, nhóm này đã bị đánh bật khỏi căn cứ cuối cuối cùng ở Derna vào năm 2018. Kể từ đó, lực lượng này tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ.
Truyền thông Bắc Phi ngày 18/1 đưa tin Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các phe phái chính trị tại Libya làm việc cùng nhau để tổ chức các cuộc bầu cử toàn diện và đáng tin cậy càng sớm càng tốt, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải rút tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya.
Trong một báo cáo trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Guterres nói rằng tất cả các bên liên quan ở Libya phải cam kết tập trung vào công tác tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tự do, công bằng, toàn diện và đáng tin cậy càng sớm càng tốt.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu ý rằng sự cạnh tranh giữa các nhóm vũ trang nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ đã tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình an ninh ở Tripoli và các thành phố ở khu vực Tây Bắc Libya.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, số binh sỹ nước ngoài và lính đánh thuê đang đồn trú tại Libya hiện vào khoảng hơn 20.000 người.
Mộc Miên (Theo english.alarabiya.net)