+Aa-
    Zalo

    IS bị tiêu diệt ở Trung Đông, chuẩn bị bành trướng tại Đông Nam Á?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các nhà phân tích lo ngại rằng, sau khi bị đánh bại ở Trung Đông, một số lượng lớn những kẻ khủng bố IS đang trở về và chuẩn bị tấn công ở khu vực Đông Nam Á.

    Các nhà phân tích lo ngại rằng, sau khi bị đánh bại ở Trung Đông, một số lượng lớn những kẻ khủng bố IS đang trở về và chuẩn bị tấn công ở khu vực Đông Nam Á.

    Nguy cơ khủng bố IS bành trướng ở Đông Nam Á

    Có khoảng 1.000 người Đông Nam Á gia nhập tổ chức khủng bố IS ở Trung Đông. Ảnh minh hoạ: Getty

    Hiện nay, với sự thất bại của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, các chuyên gia nhận định một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt là việc hồi hương của các chiến binh. Trong số 41.000 người được cho là đã đến Trung Đông để tham gia IS, ước tính có 1.000 người đến từ Đông Nam Á và một số người đã quay trở lại để chuẩn bị âm mưu tấn công tại quê nhà.

    “Nếu bạn thấy sự sụp đổ của IS và cho rằng chúng ta sẽ bước vào thời kỳ hoà bình, bạn đã lầm”, chuyên gia chống khủng bố Ahmad El-Muhammady tại đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia cho hay. “Nhiều người lầm tưởng rằng khi một tổ chức khủng bố bị đánh bại, mối đe dọa không còn. Tuy nhiên, trên thực tế, các thành viên của nó sẽ tiếp tục phân tán trên toàn cầu và lẩn trốn khỏi tầm ngắm của các chính phủ”.

    “Bây giờ đang là giai đoạn ngủ đông. Chúng ta sẽ chứng kiến một sự trỗi dậy khác”, ông El-Muhammady nói với chuyên mục Insight của Channel News Asia.

    Điều này đặt ra câu hỏi liệu Đông Nam Á đã sẵn sàng ứng phó với những chiến binh quay trở về từ Iraq và Syria? Liệu khu vực có trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự hồi sinh của nhóm khủng bố này?

    IS đã bị tuyên bố đánh bại ở Syria vào tháng 3/2019, sau nhiều năm chịu áp lực quân sự từ liên minh 79 thành viên do Mỹ dẫn đầu. Tuy vậy, với những kẻ khủng bố thất bại ở Trung Đông, chúng đã đến Đông Nam Á - một trong những khu vực có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, ông Mohd Farid Mohd Shahran từ Viện nghiên cứu Hồi giáo Malaysia nhận định. Hệ tư tưởng cực đoan của IS có tiềm năng lây lan ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại Malaysia và Indonesia.

    Nguy cơ càng đáng lo ngại khi Indonesia, Philippines và Sri Lanka chứng kiến sự gia tăng số vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây. Hồi năm 2018, các vụ đánh bom phối hợp ở Surabaya đã giết chết 28 người (bao gồm cả thủ phạm), là vụ tấn công liên quan đến IS nguy hiểm nhất ở Indonesia. Có 12 vụ tấn công khủng bố khác vào năm 2018 và 13 âm mưu khủng bố đã bị chính quyền Indonesia triệt phá.

    Vào năm 2017, chiến binh IS trở về Indonesia đã sát hại một cảnh sát ở Medan, trong khi ở Malaysia, chính quyền đã tiêu diệt âm mưu của những kẻ khủng bố tấn công các đồn cảnh sát và quân đội hồi năm 2015. Chính quyền Malaysia cũng ghi nhận 4 âm mưu khủng bố và bắt giữ hơn 80 chiến binh trong năm 2018.

    Tuy khu vực Đông Nam Á chưa từng chứng kiến một làn sóng các chiến binh IS trở về từ Iraq và Syria, mối đe dọa có thể tăng lên trong tương lai gần, ông Shahran nhấn mạnh Báo cáo đánh giá mối đe dọa khủng bố năm 2019 của Bộ Nội vụ Singapore.

    Hành động chống khủng bố

    Những kẻ khủng bố sẽ không dễ dàng thoả hiệp. Ảnh minh hoạ: Getty

    Để đối phó với các hành động khủng bố có thể xảy ra sau sự trỗi dậy trở lại của IS, Malaysia đã áp dụng cách tiếp cận quyết liệt. Chẳng hạn, Đạo luật Ngăn chặn Khủng bố 2015 cho phép chính quyền giam giữ các nghi phạm khủng bố mà không cần xét xử trong thời gian hai năm. Điều này giúp ngăn chặn ngay lập tức nguy cơ về một cuộc tấn công cực đoan.

    Luật pháp của đất nước cũng cho phép cảnh sát bắt giữ các cá nhân truyền bá những gì được coi là niềm tin cực đoan.

    Vào tháng 10/2018, 7 người nước ngoài và một người Malaysia đã bị bắt vì liên quan đến một trung tâm tôn giáo được cho là cổ vũ chủ nghĩa thánh chiến Salafi - hệ tư tưởng liên quan đến Al-Qaeda. Cho đến nay, ít nhất 11 chiến binh từ Trung Đông đã quay trở lại Malaysia. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy hơn 40 chiến binh IS người Malaysia đang ẩn náu khắp khu vực, không chắc họ có thể hoặc muốn về nước hay không.

    Những người như vậy thất vọng với việc họ không được “tử vì đạo”, cùng với sự sụp đổ của IS ở Trung Đông, có thể cố gắng tiếp tục nhiệm vụ của mình bằng cách tổ chức các cuộc tấn công liều chết tại quê nhà, thanh tra Cảnh sát Abdul Hamid Bador cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6.

    Cơ hội thứ hai cho những chiến binh khủng bố?

    Ở Indonesia, gần 100 người từng tham gia IS đã về nước, và 500 người khác còn ở Syria hoặc đang lẩn trốn. Cũng tại nước này, nhiều người từng bị kết án khủng bố đang sống cuộc sống bình thường, cố gắng hoà nhập với cộng đồng.

    Chuyên gia Noor Huda Ismail chuyên giúp những người nhiễm tư tưởng cực đoan tái hòa nhập xã hội tại tổ chức phi chính phủ Yayasan Prasasti Perdamaian (Viện Xây dựng Hòa bình Quốc tế), cho biết: “Những người từng bị kết án phải được trao cơ hội thứ hai để tái hòa nhập xã hội và không quay lại con đường bạo lực”.

    Ông làm việc với Pak Ucup, chủ nhà hàng chuyên thuê những người từng là khủng bố, để họ có việc làm và giao du xã hội. Ucup cũng từng bị kết án khủng bố, thường tổ chức gặp mặt, tin rằng đây là cách giúp những người từng hoạt động cực đoan bớt cô đơn, và đây cũng là cách để ông để mắt tới họ.

    Làn sóng mới

    Trong thế giới ảo, trận chiến chống khủng bố có thể khó khăn hơn nhiều. Bất chấp sự tiến bộ của luật pháp và phương pháp tiếp cận, cải tạo những kẻ khủng bố, việc điều chỉnh hệ tư tưởng tồn tại nhiều thách thức.

    Trên toàn khu vực, những người ủng hộ IS sử dụng các ứng dụng trò chuyện như Telegram để chia sẻ thông tin và kết nối với những người “có cùng chí hướng”. Người ta tìm thấy hàng trăm nhóm trò chuyện ở Đông Nam Á, đặc biệt là từ Malaysia, Indonesia và Philippines.

    “Họ không còn phụ thuộc vào chỉ dẫn (cũng như) vào các kế hoạch từ nhà lãnh đạo IS ở Syria; thay vào đó, họ lên kế hoạch độc lập và họ sử dụng IS như một nhóm để hợp pháp hóa cuộc chiến”, người đứng đầu tổ chức chống khủng bố của Malaysia Ayob Khan Mydin Pitchay nói.

    “Theo một cách nhìn nhận khác, mối đe dọa lớn nhất đối với Đông Nam Á không phải là các chiến binh trở về, mà là từ những người không bao giờ rời đi, những người muốn được công nhận từ trung tâm IS”, ông Sidney Jones, giám đốc Viện phân tích chính sách xung đột ở Jakarta nhận định.

    Nhiều chính phủ có các biện pháp an ninh mạng nhằm ngăn chặn sự lây lan ảnh hưởng của IS hay các tư tưởng cực đoan. Tuy nhiên, Dark Web - nơi các tổ chức khủng bố, các băng đảng ma túy và những tên tội phạm khác tuyên truyền vẫn còn rất nhiều.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Chanel News Asia)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/is-bi-tieu-diet-o-trung-dong-chuan-bi-banh-truong-tai-dong-nam-a-a286660.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan