Tên lửa tầm xa đất đối đất Kheibar Shekan được đặt theo tên ốc đảo Kheibar tại vùng Hijaz do các chiến binh Hồi giáo quản lý thuộc bán đảo Ả Rập vào thế kỷ thứ 7, theo Reuters.
Tên lửa có tầm bắn 1.450 km, có thể đặt lãnh thổ của đối thủ Israel trong tầm ngắm. Tên lửa này sử dụng nhiên liệu rắn và được cho là có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không.
"Vũ khí chiến lược này là tên lửa tầm xa thế hệ thứ 3 do IRGC phát triển, được đẩy bằng nhiên liệu rắn và có khả năng xuyên thủng các lá chắn tên lửa với khả năng cơ động cao. Thiết kế sửa đổi của Kheibarshekan đã giảm được 1/3 trọng lượng so với các tên lửa tương tự", trích bản tin của Tasnim.
Hãng thông tấn cho biết thêm, các nhà phát triển cũng cắt giảm thời gian chuẩn bị cho việc phóng tên lửa xuống chỉ còn 1/6 so với yêu cầu thông thường.
Động thái diễn ra một ngày sau khi các bên khôi phục đàm phán gián tiếp ở Vienna nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân quốc tế 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới.
Iran là một trong những nước có chương trình tên lửa lớn nhất tại Trung Đông, trong đó có nhiều loại tên lửa và có loại tầm bắn lên đến 2.000 km. Hôm 24/12/2021, Iran phóng 16 tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận nhằm cảnh cáo Israel.
Tên lửa mới được ra mắt chỉ một ngày sau khi Mỹ và Iran khôi phục cuộc đối thoại gián tiếp tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt lệnh cấm vận lên Iran để buộc nước này chấp nhận thỏa thuận có khuôn khổ rộng hơn. Iran đáp trả bằng cách phá vỡ dần những cam kết về giới hạn phát triển hạt nhân.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho khôi phục việc đối thoại nhưng sau 8 vòng đàm phán, những khác biệt vẫn tồn tại giữa Iran và các cường quốc thế giới.
Mộc Miên (Theo Reuters)