(ĐSPL) - Trước đây ông Obama từng hỏi Steve Jobs tại sao Apple không sản xuất điện thoại ở quê nhà, lý do thật ra không chỉ vì giá lao động ở Trung Quốc rẻ hơn...
Ứng viên tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cho biết, nếu ông trở thành tổng thống, ông sẽ “bắt Apple sản xuất những chiếc máy tính và iPhone của họ trên đất của chúng ta, không phải Trung Quốc.” Ông Bernie Sanders cũng kêu gọi Apple sản xuất các thiết bị của họ ở nước Mỹ thay vì Trung Quốc.
Nhưng không ứng viên nào có thể làm điều đó diễn ra ngay lập tức. Trước đây ông Obama từng hỏi Steve Jobs tại sao Apple không sản xuất điện thoại ở quê nhà, lý do thật ra không chỉ vì giá lao động ở Trung Quốc rẻ hơn. Trung Quốc còn mang đến một lực lượng lao động có tay nghề, các nhà máy linh hoạt và các nhà cung cấp linh kiện mà Apple tin rằng, có thể trang bị lại nhanh hơn so với các đối tác Mỹ của họ.
Trump không phải là chính trị gia Mỹ đầu tiên sử dụng điều này để gây ấn tượng với người dân. Thế nhưng, một chiếc iPhone “Made in America” sẽ không hề tốt hơn một chiếc iPhone “Made in China” ở bất cứ khía cạnh nào. Và đây là lý do:
Những chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ sẽ có giá đắt hơn nhiều lần
Giá nhân công tại Mỹ đắt hơn rất nhiều so với giá nhân công tại Trung Quốc. Nhưng đó không phải là tất cả. Một bài đăng trên trang MIT Technology Review đã chỉ ra rằng chi phí vận chuyển những linh kiện được sản xuất tại châu Á để đem đến lắp đặt tại Mỹ sẽ khiến giá thành của những chiếc điện thoại này đội lên nhiều lần.
Đương nhiên Apple cũng có thể lựa chọn sản xuất các linh kiện cho sản phẩm của mình ngay trong nước nhưng điều đó sẽ chỉ khiến chiếc điện thoại đắt hơn lên mà thôi. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, giá bán của chiếc iPhone đó sẽ đắt hơn giá iPhone hiện nay khoảng 100 USD.
Tạo ra một chiếc iPhone “hoàn toàn sản xuất tại Mỹ” là một điều không thể, bởi một số linh kiện để cấu thành nên sản phẩm này được làm ra từ một số loại vật liệu hiếm không tồn tại trong lãnh thổ nước Mỹ.
Giả sử rằng mọi chi phí khác giữ nguyên, giá cuối cùng của một chiếc iPhone 6S Plus sẽ tăng khoảng 5\% nếu được sản xuất tại Mỹ. (Ảnh minh họa). |
Donald Trump có thể đúng ở điểm những chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân nước này, nhưng điều đó cũng có thể khiến chiếc iPhone đó đắt hơn và tệ hơn nhiều so với chiếc iPhone được sản xuất tại Trung Quốc.
Nếu những chiếc điện thoại được lắp ráp tại Mỹ nhưng Apple vẫn phải mua các bộ phận trên toàn cầu, giá của thiết bị sẽ thay đổi bao nhiêu?
Theo IHS, một công ty phân tích thị trường, các linh kiện của chiếc iPhone 6s Plus, đang được bán với giá 749 USD, sẽ tốn khoảng 230 USD. Chiếc iPhone SE, sản phẩm mới nhất của Apple, đang được bán với giá 399 USD, và IHS ước tính nó chứa các linh kiện trị giá 156 USD.
Theo IHS, lắp ráp các bộ phận này thành một chiếc iPhone sẽ tốn khoảng 4 USD mỗi chiếc và khoảng 10 USD theo ước tính của Jason Dedrick, một giáo sư của Trường Nghiên cứu Thông tin tại Đại học Syracuse. Dedrick cho rằng những công việc như vậy sẽ tốn từ 30 đến 40 USD cho mỗi chiếc nếu được làm tại Mỹ. Một phần là do chi phí lao động ở Mỹ cao hơn, nhưng phần lớn là do việc gia tăng chi phí vận tải và logistic khi vận chuyển các linh kiện này đến Mỹ.
Giả sử rằng mọi chi phí khác giữ nguyên, giá cuối cùng của một chiếc iPhone 6S Plus sẽ tăng khoảng 5\%.
iPhone 6s đang được bán từ 650 USD, liệu người dùng có sẵn sàng chi 1.300 USD để sở hữu thiết bị tương tự nhưng được sản xuất tại Mỹ?
Giá nhân công quá đắt
Trang Cnet phân tích, một công nhân tại Foxconn, đơn vị chính gia công iPhone cho Apple, được trả khoảng 400 USD mỗi tháng chưa tính làm thêm giờ. Nếu Apple đặt nhà máy tại Wyoming hoặc Georgia (Mỹ), lao động ở đây có mức lương tối thiểu là 5,15 USD mỗi giờ, tương đương 824 USD một tháng, cao gấp đôi so với tại Trung Quốc.
Nếu Apple thuê nhân công ở bang California (Mỹ), nơi mà lao động được trả ít nhất 9 USD mỗi giờ, tiền lương hằng tháng sẽ cao gấp ba lần so với công nhân Trung Quốc, đạt mức 1.440 USD mỗi tháng. Số tiền trên là đã giả định lao động dồi dào, có tay nghề và không phải mất công đào tạo.
Chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ những chiếc điện thoại iPhone sản xuất tại Trung Quốc tệ hơn những chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ. (Ảnh minh họa). |
Những sản phẩm sản xuất tại Mỹ chưa hẳn đã tốt hơn sản xuất tại các quốc gia khác
Bạn có còn nhớ những chiếc Chevrolet Citation không. Đây là cơn ác mộng kinh hoàng bắt nguồn từ giấc mơ về một chiếc ô tô Nhật Bản giá rẻ, chất lượng cao vào những năm 80. Sản phẩm này dù được sản xuất tại Nhật nhưng chất lượng lại không hề xứng với cái danh hàng Nhật.
Khi nói đến chất lượng smartphone, chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ những chiếc điện thoại iPhone sản xuất tại Trung Quốc tệ hơn những chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ cả. Đương nhiên Trung Quốc nổi tiếng với những xưởng sản xuất hàng giả, hàng nhái và hàng chất lượng kém, nhưng hai đối tác của Apple là Foxconn và Pegatron đều là những công ty điện tử sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng hàng đầu thế giới. Chính chiếc iPhone bạn cầm trong tay lúc này cũng là một sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đó thôi. Nó hoàn toàn ổn, đúng không?
Chắc hẳn Mỹ cũng chưa thể quên được bài học trong ngành công nghiệp ô tô của nước mình. Các nhà sản xuất tới từ châu Á với những chiếc xe rẻ hơn, chất lượng tốt hơn so với những đối thủ đến từ Mỹ đã khiến cho ngành công nghiệp ô tô của nước này bị “đè bẹp”. Giá nhân công cao tại Mỹ không hẳn đã đồng nghĩa với chất lượng cao hay bất cứ một ưu điểm vượt trội nào.
Để thấy được toàn bộ sự quan trọng của thương mại trong nền kinh tế công nghệ cao, hãy tưởng tượng một kịch bản, thậm chí vượt quá cả những gì các ứng viên đề nghị: sẽ ra sao nếu Apple cố gắng sản xuất một chiếc iPhone “hoàn toàn của Mỹ” để nước Mỹ không còn phụ thuộc vào các chính phủ nước ngoài để truy cập vào các vật liệu cần thiết nữa?
Một số loại vật liệu hiếm không tồn tại trong lãnh thổ nước Mỹ
Theo ông King tại phòng Thí nghiệm Ames, một chiếc iPhone có khoảng 75 nguyên tố, chiếm 2/3 bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học. Thậm chí ngay cả vỏ ngoài của iPhone cũng phải dựa chủ yếu vào các vật liệu không có sẵn ở Mỹ. Nhôm được lấy ra từ bôxít, nhưng hiện không có mỏ bô xít nào ở nước Mỹ. (Nhôm tái chế phải lấy từ các nguồn trong nước.)
Những nguyên tố được gọi là đất hiếm, (không hẳn vì chúng hiếm mà chúng khó có thể khai thác) vốn rất cần thiết, chủ yếu được lấy từ Trung Quốc, nước chiếm 85\% nguồn cung trên toàn thế giới. Một nguyên tố như vậy, Hafni (Hf), là thành phần cơ bản cho các bóng bán dẫn của iPhone. Neodyum cần thiết cho các nam châm trên motor rung của điện thoại, cũng như trên microphone và loa. Lanthanum, một nguyên tố đất hiếm khác, xuất hiện trong ống kính máy ảnh.
Nói cách khác, “không sản phẩm công nghệ cao nào, đi từ mỏ cho đến khi lắp ráp hoàn thiện có thể được thực hiện chỉ ở một quốc gia.” Ông David Abraham, tác giả cuốn The Elements of Power, một cuốn sách về kim loại đất hiếm, cho biết. Chiếc iPhone là biểu tượng cho sự khéo léo của nước Mỹ, nhưng nó cũng là một minh chứng cho thực tế không thể tránh khỏi của nền kinh tế toàn cầu.
Tỷ phú Donald Trump còn đề xuất khoản thuế 35\% cho các sản phẩm được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Như vậy, nếu điều này xảy ra thì người dùng có thể phải chi ít nhất 877 USD để sở hữu chiếc iPhone trong tương lai.
Hiện Apple có khoảng 200 tỷ USD tiền mặt, nhưng khoản tiền khổng lồ này không giúp hãng xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại tại Mỹ với giá bán hợp lý. Một sản phẩm "Made in the USA" mà giá đắt hơn sẽ khó có thể thuyết phục được người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm ngày càng có nhiều lựa chọn giá tốt hơn.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin