+Aa-
    Zalo

    Internet toàn cầu sắp “sập”: Hàng tỉ người trở về thời kỳ..."mù thông tin"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu dự đoán băng thông sai lệch gây ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị hạ tầng viễn thông thì việc internet bị “chết lâm sàng” có thể xảy ra.

    Thực hư nguy cơ “đột tử” bất cứ lúc nào

    Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo hệ thống internet toàn cầu có khả năng bị “đột tử” do lượng người dùng càng lúc càng đông. Theo đó, nguyên nhân của vấn đề nói trên được cho là do sự bùng nổ của truyền hình internet, các dịch vụ trực tuyến và máy tính đã làm cho hạ tầng viễn thông ngày nay không thể đáp ứng nổi. Internet đang có nguy cơ dẫn đến một “cuộc khủng hoảng về năng lực”, vì nó không bắt kịp nhu cầu của con người khi tốc độ truy cập internet càng lúc càng nhanh. Dự kiến, các loại cáp và sợi quang gửi thông tin đến máy tính xách tay, điện thoại cảm ứng thông minh, máy tính bảng sẽ đạt đến mức giới hạn trong vòng 8 năm tới.

    Internet đối diện một cuộc khủng hoảng về “năng lực” vì không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dùng.

    Thông tin trên ngay sau khi được đưa ra đã gây sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng mạng quốc tế cũng như trong nước. Theo khảo sát của WeAreSocial, một tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 36 triệu người sử dụng internet. Đặc biệt là số người dùng các mạng xã hội như Facebook tại Việt Nam đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc.

    Các chủ tài khoản Facebook thông thường và những người đang sử dụng mạng xã hội này làm công cụ kinh doanh tỏ ra vô cùng lo lắng. Tại Việt Nam, lượng người dùng Facebook hiện ước tính có khoảng 25 triệu người. Chính vì thế, nếu việc internet bị gián đoạn truy cập sẽ có tác động mạnh đến cộng đồng rộng lớn này.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho hay: Hiện nay nhu cầu sử sụng internet là thiết yếu. Nhu cầu này ngày càng tăng lên cùng với sự gia tăng của các thiết bị smartphone, máy tính bảng… Điều này sẽ ảnh hưởng đến băng thông mạng (băng thông mạng được hiểu như đường giao thông, khi nhiều người cùng sử dụng một thời điểm sẽ có khả năng gây tắc nghẽn – PV).

    Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav.

    “Chính vì vậy nếu việc chuẩn bị chưa đáp ứng kịp sẽ dẫn đến tắc nghẽn tạm thời. Ví dụ như vừa qua, khi đường cáp quang ra quốc tế bị đứt, chúng ta đã có phương án dự phòng là các “cửa ngõ” khác. Tốc độ hạn chế hơn nhưng vẫn duy trì được liên lạc”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

    Nói về nguy cơ internet có khả năng bị “sập”, vị chuyên gia an ninh mạng này cho rằng nguyên nhân có thể do quá tải. Ông nói: “Khi việc dự đoán băng thông mạng không chính xác hoặc do chủ quan mà thiếu đi sự chuẩn bị hạ tầng mạng thì có thể xảy ra kết nối internet bị ngưng trong một thời gian”.

    “Tuy nhiên, theo quy luật cung – cầu, khi nhu cầu người dùng tăng lên thì các nhà mạng sẽ tính đến những phương án bổ sung để dịch vụ tốt hơn. Ví dụ vào những giai đoạn cao điểm, nhà mạng sẽ cung cấp thêm nhiều đường truyền dự phòng để mọi kết nối được diễn ra liên tục. Trong 10 năm tới thì việc internet bị “sập” vì quá tải hoàn toàn có thể xử lý được. Còn lâu dài thì sẽ là một bài toán về công nghệ cần được đưa ra bàn bạc”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

    Năm 2015 có thêm...1 giây, nhiều hệ thống bị đánh sập?

    Tháng 6 này, các nhà khoa học sẽ cộng thêm 1 giây vào các đồng hồ điện tử, một sự thay đổi dường như nhỏ, nhưng lại có thể tàn phá nghiêm trọng hệ thống máy tính và các trang web trên toàn thế giới. Lần cuối cùng 1 giây nhuận được bổ sung trên hệ thống đồng hồ điện tử là hồi tháng 6/2012. Tại thời điểm đó, các trang web như Reddit, Gawker, LinkedIn và Yelp đã bị gián đoạn, thậm chí bị đánh sập.

    Tất nhiên, Google đã có một giải pháp cho vấn đề này. “Gã khổng lồ” đã tạo ra một công nghệ bổ sung những phần triệu giây vào hệ thống đồng hồ của họ trước khi một giây được thêm vào các đồng hồ điện tử trên toàn thế giới.

    Đương nhiên cái này có thể thành sự thật nhưng đây là một lý do khiến con người cố gắng phát triển internet lên một bậc mới. Nếu không thích ứng và phát triển thì sẽ bị diệt vong.

    Anh Lê Văn Hưng (Học viện Bưu chính Viễn thông)

    Không thể xem nhẹ việc thêm một giây nhuận vào năm 2015. Bởi lẽ, việc loại trừ giây nhuận có thể khiến chúng ta hoàn toàn không nắm bắt được chu trình quay của mặt trời và điều này sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.

    Nguyễn Hoài An (Học viện Mạng và Phần cứng FPT)

    Một số người cho rằng nên bỏ qua việc bổ sung giây nhuận do chúng gây ra rắc rối về mặt kỹ thuật. Điều này sẽ gây nhiều ảnh hưởng, đặc biệt với những nước còn chậm phát triển về internet.

    Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam.

    Nói về kết quả đánh giá không cao về chất lượng internet Việt Nam của Akamai, một hãng cung cấp dịch vụ CDN lớn trên thế giới, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng báo cáo đánh giá của hãng Akamai chưa thể hiện hết năng lực mạng cho truy cập internet trong nước. Chẳng hạn như, nếu sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG ảnh hưởng đáng kể đến việc đánh giá tốc độ kết nối internet của Việt Nam trong quý III/2014 thì nó thiên về đánh giá kết nối quốc tế nhiều hơn.

    “Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực và thế giới thì chúng ta bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người chưa cao, đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế chưa cao thì tăng trưởng internet cũng không thể so sánh với các nước phát triển được”, vị Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam chia sẻ.

    Mạng lưới truyền thông có thể đối diện với một “thảm họa”

    Trao đổi trên tờ Daily Mail, GS. Andrew Ellis đến từ đại học Aston (Birmingham) nói rằng: “Chúng tôi đang bắt đầu thử nghiệm trong phòng nghiên cứu. Chúng tôi đã không thể nhận được bất kỳ dữ liệu nào truyền từ một sợi quang học, mà nguyên nhân là do sự quá tải. Và ước tính trong vòng 8 năm nữa, điều này sẽ trở thành sự thật với internet toàn cầu”. GS Andrew Ellis cho biết thêm: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện công việc bảo dưỡng, nhưng điều này không thể tiếp tục duy trì mãi được. Trừ khi chúng ta đưa ra một ý tưởng triệt để, nếu không tình trạng quá tải sẽ xảy ra”.

    Sợi quang có thiết kế trong suốt, với bề dày bằng bề dày của sợi tóc con người. Các công ty internet trong thời gian qua chỉ đơn giản là gửi càng nhiều dữ liệu càng tốt trong một sợi quang đơn. Một khi nhu cầu dữ liệu tăng lên, sợi quang sẽ đạt đến năng lực nhất định của nó, và nó không thể chuyển dữ liệu đi được nữa.

    Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi các cảnh báo từ GS. Ellis. Người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu quang học kiêm GS. thỉnh giảng tại đại học Essex, Andrew Lord, khẳng định rằng các nhà khoa học sẽ tìm ra được giải pháp thích hợp. Dù thế nào đi chăng nữa, nếu điều mà GS Ellis đưa ra là đúng sự thật, thì mạng lưới truyền thông có thể sẽ đối diện với một “thảm họa” là có thể chết bất kỳ lúc nào.

    VŨ HƯƠNG (dịch)

    CAO TUÂN

    Xem thêm clip: Mổ xẻ nguyên nhân cáp quang biển 'hơi tí' là đứt

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/internet-toan-cau-sap-sap-hang-ti-nguoi-tro-ve-thoi-kymu-thong-tin-a94330.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.