Cá sấu sau khi lao tới tấn công đã ngoạm theo người đàn ông này và lặn xuống nước. Phải đến một ngày sau, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy và đưa lên bờ.
Tờ The Jakarta Post đưa tin, khoảng 19h30 ngày 18/10, một ngư dân 43 tuổi bị cá sấu tấn công khi đang tắm bên bờ sông Simangalam (huyện Bắc Labuhanbatu, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia).
Ginton Simanjuntak, một cư dân địa phương cho hay, vụ tai nạn xảy ra ngay sau khi nạn nhân trở về từ chuyến câu cá trên sông cùng 2 người khác.
“Khi ông ấy đang tắm, một con cá sấu bất ngờ xuất hiện và kéo ông ấy xuống đáy sông. Chúng tôi nghe tiếng ông ấy kêu cứu nhưng không thể làm gì được vì cả con cá sấu và nạn nhân đều nhanh chóng biến mất”, ông Ginton chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Jarkata Post.
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai của huyện Bắc Labuhanbatu (BPBD) đã phối hợp cùng quân đội, cảnh sát và người dân địa phương triển khai công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Đến khoảng 21h30 ngày 19/10, nhóm tìm kiếm đã thấy con cá sấu đang ngoạm thi thể người đàn ông và bơi gần bờ sông.
Ông Sukardi, người đứng đầu bộ phận hậu cần và khẩn cấp của BPBD cho biết, “các cư dân đã đuổi theo và tung lưới đánh cá về phía con cá sấu. Sau đó, chúng tôi đã vớt được thi thể nạn nhân khi xác rời hàm cá sấu và bị mắc lại trong lưới”. Tuy nhiên, con cá sấu đã biến mất ngay sau đó.
Cư dân ở huyện Bắc Labuhanbatu (Indonesia) được khuyến cáo không nên tới khu vực sông Simangala, nhất là vào buổi đêm để tránh bị cá sấu tấn công. |
Alfianto Luat Siregar, người đứng đầu Cơ quan Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên Khu vực III Bắc Sumatra (BKSDA) thông tin, đây là vụ cá sấu tấn công người thứ hai xảy ra trên sông Simangalam trong năm 2020.
Trước đó, vào hồi tháng 7, một cư dân 47 tuổi trú tại làng Tanjung Alam đã bị cá sấu tấn công và kéo xuống sông khi đang bước xuống thuyền, trước sự chúng khiến của vợ cùng con trai nạn nhân. Mãi đến 7 ngày sau, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy, cách nơi xảy ra vụ tấn công 1km.
Theo ông Alfianto, việc cá sấu và con người đụng độ thường xuyên xảy ra trên sống Simangalam vì đây là nơi sinh sống của cá sấu nước mặn. Vì thế, ông yêu cầu người dân không nên tới khu vực này, nhất là vào ban đêm vì cá sấu là loài động vật sống về đêm.
Đinh Kim(Theo The Jakarta Post)