Ngày 21/4 vừa qua, tàu ngầm KRI Nanggala-402 chở 53 người đã bị mất liên lạc giữa lúc chuẩn bị cho một cuộc tập trận phóng ngư lôi ở biển Bali (Indonesia). Sau vụ việc trên, lực lượng chức năng Indonesia cùng sự hỗ trợ của quốc tế đã nỗ lực tìm kiếm con tàu với hy vọng cứu sống được toàn bộ 53 thành viên thuỷ thủ đoàn.
Tuy nhiên, kỳ tích đã không xảy ra. Vào ngày 25/4, ông Hadi Tjahjanto, Tư lệnh quân đội Indonesia xác nhận đã tìm thấy 1 phần xác tàu ngầm gặp nạn. Theo đó, toàn bộ 53 người có mặt trên tàu đều đã thiệt mạng. Thời điểm ấy, các nhà chức trách thừa nhận rất khó có thể trục vớt toàn bộ phần xác tàu ở độ sâu 840 m dưới mực nước biển.
Ngày 2/6, người phát ngôn của lực lượng Hải quân Julius Widjojono cho biết Indonesia không có kế hoạch tiếp tục trục vớt sau khi hợp tác với Trung Quốc kết thúc. Cụ thể, ông Widjojono tuyên bố: "Công tác trục với tàu ngầm gặp nạn đã kết thúc".
Được biết, hồi tháng trước, Trung Quốc đã triển khai tới Indonesia 3 tàu để hỗ trợ nước này trục vớt và tìm kiếm phần còn lại của con tàu KRI Nanggala-402.
Thảm kịch chìm tàu trên đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng an toàn của các khí tài quân sự Indonesia. Trong đó, một số chuyên gia tàu ngầm cấp cao cho rằng tàu KRI Nanggala-402 không được bảo dưỡng tối ưu.
Theo lời nhà báo và nhà phân tích Caroline Pattisina, bạn của Trung tá Heri Oktavian, chỉ huy tàu KRI Nanggala-402, ông từng phàn nàn với cô về việc tàu ngầm bị trì hoãn đại tu vào năm 2020. Lần cuối con tàu này được đại tu là vào năm 2012 tại Hàn Quốc.
Minh Hạnh (Theo CNA)