(ĐSPL) Chính phủ và người dân Indonesia đang ngày càng cảnh giác trước ý đồ của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna.
Bốn nước ASEAN hiện đang thách thức bản đồ “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Indonesia không nằm trong số các nước có tranh chấp ở Biển Đông và điều đó cho phép Jakarta làm trung gian hòa giải giữa các bên tranh chấp.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, quần đảo Natuna ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Borneo có thể khiến Indonesia gia nhập hàng ngũ các nước ASEAN thách thức tuyên bố chủ quyền ôm trọn Biển Đông của Trung Quốc.
|
Vị trí của quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông |
Một bài viết của hãng tin Reuters trong tuần này đã xem xét chi tiết quần đảo Natuna, một quần đảo mà cả Jakarta lẫn Bắc Kinh đều thừa nhận là "một phần tỉnh Riau của Indonesia”.
Vấn đề của Natuna chủ yếu là do cái bản đồ “đường 9 đoạn” phi lý và mơ hồ của Trung Quốc ở Biển Đông. Cái bản đồ tự vẽ không có tọa độ rõ ràng này do chính phủ Quốc Dân Đảng (KMT) công bố năm 1947, khi chính phủ này còn nắm giữ Trung Quốc đại lục. Hiện thời, cái bản đồ “đường lưỡi bò” này lại được Trung Quốc sử dụng để yêu sách tối đa chủ quyền Biển Đông.
Tuyên bố không hề có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Natuna, nhưng Bộ Ngoại giao Indonesia đã lưu ý rằng phiên bản mới nhất của bản đồ chính thức Trung Quốc lại bao gồm các vùng nước xung quanh quần đảo này, trong cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò).
Căn cứ vào ý kiến của các quan chức Indonesia hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã tỏ ra mập mờ về ý định của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna, khi đưa cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” vào bản đồ khổ dọc mà Trung Quốc mới xuất bản. Theo Reuters, Indonesia đang yêu cầu Liên Hợp Quốc phán xử về cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn”, theo đúng luật pháp quốc tế.
|
Bắc Kinh đã đưa cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” vào bản đồ Trung Quốc khổ dọc. |
Theo quận trưởng Natuna, ông Ilyas Sabli, những người dân sống trên quần đảo Natuna đang lo ngại việc Trung Quốc có thể xâm chiếm lãnh thổ Indonesia trong tương lai.
Quận trưởng Ilyas Sabli nói với Reuters: "Chúng tôi lo lắng họ (Trung Quốc) sẽ xâm chiếm lãnh thổ này". Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn Scarborough không có người ở từ tay Philippines vào năm 2012. Đầu năm nay, Trung Quốc lại hạ đặt giàn khoan dầu 981 khổng lồ vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra một cuộc khủng hoảng giữa hai nước.
Hiện chưa có tiền lệ về việc Trung Quốc chiếm đoạt lãnh thổ có cư dân sinh sống ở Biển Đông và 27 hòn đảo thuộc quần đảo Natuna hiện có 80.000 cư dân sinh sống.
Vấn đề quần đảo Natuna hiện đang bị rơi vào trong một tình trạng lấp lửng kỳ lạ. Các quan chức Indonesia lo ngại cả về ý định của Trung Quốc lẫn khả năng mất vai trò lãnh đạo trong ASEAN.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại tỏ ra mơ hồ về vấn đề quần đảo Natuna, giữa lúc Trung Quốc ngày càng ráo riết tranh chấp biển đảo với Philippines và Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng hung hăng quyết đoán ở Biển Đông. Đây chính là tin hiệu cảnh báo các quan chức Indonesia về ý đồ của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/indonesia-canh-giac-truoc-muu-do-cua-tq-o-bien-dong-a48295.html