Quốc hội Iceland ngày 4/4 vừa thông qua đạo luật buộc các đơn vị kinh doanh phải ctrả lương công bằng cho mọi đối tượng lao động, không phân biệt giới tính.
Trang CNN Money cho biết, với đạo luật trên, chủ sử dụng lao động ở Iceland phải chứng minh rằng họ trả lương bình đẳng cho lao động nữ và lao động nam trong cùng một công việc. Nếu không chứng minh được điều này, chủ sử dụng lao động sẽ bị phạt.
Phân biệt đối xử do giới tính đã bị coi là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng các nghiên cứu cho thấy những quy định pháp luật về lĩnh vực này khó phát huy tác dụng. Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy lao động nữ được trả thấp hơn lao động nam ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới.
Iceland là nước đầu tiên ban hành luật trả lương nam nữ bình đẳng |
Luật mới có hiệu lực từ ngày thứ Hai tuần này và áp dụng đối với tất cả mọi công ty và tổ chức có từ 25 nhân viên làm việc toàn thời gian. Những công ty, tổ chức có hơn 250 nhân viên sẽ phải có chứng nhận trả lương bình đẳng ngay trong năm nay, còn những công ty nhỏ hơn có thể xin chứng nhận trong một vài năm tới, tùy theo quy mô.
Công ty, tổ chức nào không đáp ứng được yêu cầu mà luật đưa ra sẽ phải chịu mức phạt khoảng 500 USD/ngày.
Các nhà hoạt động bình đẳng giới trên toàn cầu đã hoan nghênh động thái trên của Iceland. Diễn viên kiêm nhà vận động bình đẳng giới Patricia Arquette viết trên mạng xã hội Twitter: "Hoan hô! Ở Iceland giờ đây việc trả kém hơn cho phụ nữ đã là bất hợp pháp!"
Quy định mới không có nghĩa là các công ty ở Iceland bắt buộc phải trả mức lương chính xác bằng nhau cho lao động nam và nữ làm cùng một công việc. Thay vào đó, chủ sử dụng lao động có thể trả thù lao cho người lao động dựa trên kinh nghiệm, hiệu quả công việc, và các khía cạnh khác. Tuy nhiên, các công ty phải chứng minh được sự chênh lệch mức lương không phải là do giới tính của người lao động.
Iceland là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống bất bình đẳng giới trong nhiều năm trở lại đây. 9 năm qua, nước này đã dẫn đầu xếp hạng về bình đẳng giới của WEF - xếp hạng đánh giá mức độ bình đẳng giới tại các quốc gia trên các phương diện y tế, kinh tế, chính trị và giáo dục.
Kiều Trang(T/h)