Ngày 15/10, Hongxing News đưa tin về trường hợp của cô gái họ Li (ngoài 20 tuổi, ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Theo đó, Li đột nhiên không còn phản ứng và không thể ăn, uống, di chuyển hoặc trò chuyện với người khác.
Được biết, khoảng 1 tháng trước, Li đã bị trưởng nhóm ở công ty khiển trách và việc này khiến cô cảm thấy không vui trong thời gian dài.
Khi tình trạng trở nên tồi tệ, kể cả khi người thân rút chiếc gối mà Li đang nằm, phần đầu của cô vẫn ở trạng thái lơ lửng trên không trung. Ngoài ra, cô cũng phải nhờ gia đình nhắc chuyện đi vệ sinh.
Bác sĩ Jia Dehuan làm việc ở Bệnh viện Nhân dân số 8 Trịnh Châu mô tả Li trông giống như một “người gỗ”. Theo vị bác sĩ này, Li mắc hội chứng Catatonia (hội chứng căng trương lực) – một triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Bác sĩ Jia Dehuan lưu ý thêm, Li có tính cách hướng nội và khó mở lòng với những người xung quanh. Điều đó cuối cùng góp phần khiến tình trạng bệnh của cô trở nên nghiêm trọng hơn. Li được cho là đã nhận thức được tình trạng của mình, đồng thời bày tỏ mong muốn có thể kiểm soát tâm trạng hiệu quả hơn.
Sau khi được chia sẻ, câu chuyện của Li đã gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc, với những ý kiến khác nhau.
“Cô ấy đã tự hành hạ mình vì hành động của sếp”, một người dùng Douyin để lại bình luận.
Một người khác đưa ra lời khuyên: “Nếu công việc của bạn quá khí khăn thì tốt nhất là nên nghỉ việc thay vì im lặng chịu đựng”.
Có người lại bộc bạch: “Đôi khi tôi cũng cảm thấy căng thẳng vì công việc nhưng tôi không thể nghỉ việc được vì tìm một công việc mới rất khó khăn”.
Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động ở khu vực thành thị, nhóm tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên, giảm từ 18,8% hồi tháng 8 xuống 17,8% vào tháng 9, theo South China Morning Post. Tỷ lệ thất nghiệp chung ở thành thị vẫn ổn định, trung bình là 5.1% trong 3 quý đầu năm, giam 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Douban, nhiều người chia sẻ sự đắn đo giữa tìm kiếm việc làm lương cao và không muốn nghỉ việc dù phải làm việc nhiều giờ, đảm nhận khối lượng công việc lớn.
Theo một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Trung Quốc về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, 4,8% lao động nước này bị trầm cảm tại nơi làm việc.
Tờ Shangguan News hồi năm 2023 cho biết, 80% nhân viên nói có cảm giác bồn chồn tại nơi làm việc, trong khi 60% số người được khảo sát cảm thấy lo lắng và gần 40% nhân viên có triệu chứng của bệnh trầm cảm.