(ĐSPL) - Già làng Xa Văn Thế (85 tuổi, ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) là trường hợp hi hữu nhận bằng tốt nghiệp THCS ở tuổi 75 giữa đại ngàn Pu Canh.
Già làng Xa Văn Thế được mệnh danh là "Cây đại thụ giữa đại ngàn Pu Canh". |
Người khai sáng bản làng
Đường vào xã Đồng Chum (Đà Bắc-Hòa Bình) uốn lượn qua những con dốc cao vun vút và vực sâu thăm thẳm. Bản Nhạp hiện ra giữa tường vây bằng những dãy núi đá cao ngút ngàn mây. Trước đây, toàn bộ cư dân sống dưới một thung lũng này quanh năm chỉ biết lội bùn và xách mai lên rừng mưu sinh. Thế nhưng sản vật rừng săn bắt mãi rồi cũng hết. Vì thế cuộc sống của người dân vẫn muôn đời không thoát khỏi đói nghèo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng khi có giặc ngoại xâm, người dân địa phương vẫn hăng hái xung phong ra trận. Xa Văn Thế là người Tày đầu tiên của huyện Đà Bắc tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Xa Văn Thế trở về khai sáng bản làng và giữ chức Chủ tịch hội Người cao tuổi xã, Công an viên và được bà con nhân dân xóm tin tưởng bầu làm trưởng xóm và là đại biểu Hội đồng nhân dân xã.
Cả cuộc đời gắn bó với đại ngàn, hơn ai hết, già làng Thế càng thấm thía nỗi khổ thiếu con chữ khiến cho cái đầu không sáng. Họ không nghĩ được nhiều và tầm nhìn của bà con chưa vượt qua được dãy núi Pu Canh. Rồi, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám bản làng từ đời này sang đời khác.
Năm 1954, bộ đội đã về bản Nhạp vận động các gia đình cho con em đi học. Thế nhưng suốt 50 năm sau đó cũng chẳng có lớp nào được mở, trường cấp 2 thì ở xa hàng chục km, đi bộ hàng ngày đường mới đến nơi. "Bọn trẻ từ nhỏ đã bị bố mẹ bắt lên rừng chặt gỗ, hái củi và săn bắn. Thấy vậy mình cũng buồn lắm! Mình nghĩ để thay đổi được thói quen và phong tục tập quán thì không có cách nào khác là phải đem con chữ về bản", già Thế nói.
Nghĩ là làm, già Thế đã quyết định viết đơn trình lên UBND xã Đồng Chum và phòng Giáo dục huyện Đà Bắc xin mở trường tại địa phương. Già Thế đã đi hơn 80km xuống huyện trình bày ý nguyện xin được mở lớp học tại bản. Cuối cùng bao công lao vất vả của già Thế cũng được đền đáp. Năm 2003, trường trung học cơ sở được mở tại xã Đồng Chum. Câu chuyện "không tưởng" khi già Thế đội nón lên huyện xin trường học về bản đã trở thành huyền thoại ở địa phương này.
Không chỉ cố gắng học tập, mà với cương vị, uy tín là già làng trưởng bản, già Thế còn vận động người dân trong bản thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tới lớp.
Tốt nghiệp THCS ở tuổi 75
Có trường về bản nhưng lại rất ít học sinh theo học. Vậy là già lại lặn lội đến từng nhà để vận động bố mẹ cho con em đi học. Để làm gương cho người dân, dù tuổi đã ngoài 70 nhưng mỗi sáng sớm tinh mơ, già lại dậy đi đến từng nhà đánh thức các "bạn" dậy đi học. Nhờ tinh thần trách nhiệm với các bạn học sinh nhỏ tuổi, giáo viên đã phân công già Thế làm lớp trưởng, cùng đôn đốc và giúp đỡ các bạn trong lớp. Các bạn trẻ trong lớp lúc nào cũng tôn trọng và nghe lời "bạn già". "Có lần mình bị ốm nặng phải nghỉ học, cả lớp nháo nhác kéo đến thăm và bảo nếu mình không đến lớp là chúng nó sẽ nghỉ đồng loạt", già Thế chia sẻ.
Để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn trong xã được đến trường, già Thế đã vận động học sinh trong lớp thực hiện chiến dịch "gây quỹ lao động". Cả lớp đã tận dụng khu đất trống xung quanh trường để trông cây ngô và cùng chăm sóc. Mỗi vụ ngô, số tiền bán ngô đã được mua sách vở giúp đỡ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó mà nhiều gia đình nghèo đã có thể cho con theo học. Trường học mỗi lúc một đông học sinh và phong trào học tập ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sau 5 năm theo học, già làng Xa Văn Thế đã nhận bằng tốt nghiệp THCS khi đã 75 tuổi.
Già làng Xa Văn Thế nhận bằng tốt nghiệp THCS ở tuổi 75. |
Già Thế háo hức đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ học bạ có lời phê của cô giáo Xa Thoa: "Lễ phép với thầy cô. Có ý thức học tập. Luôn đôn đốc các bạn". Già bảo trong tất cả các môn, già thích nhất môn Lịch sử, còn các môn tự nhiên thì khó hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của giáo viên thì lực học của già Thế chỉ ở mức trung bình đến trung bình khá nhưng hạnh kiểm lúc nào cũng tốt.
"Cây đại thụ" giữa đại ngàn
Có cái chữ, bản làng đã được khai sáng và con đường lâm sinh đã được mở. Bọn lâm tặc đã lợi dụng có đường để lên rừng chặt xẻ lim, sến, táu về bán dưới xuôi. Thấy cái lợi trước mắt, người dân đua nhau lên rừng chặt gỗ. Hàng chục héc ta rừng bị chặt phá, những cây gỗ quý cũng dần biến mất. Thế nhưng hàng trăm hộ người Tày trong bản Nhạp chẳng thấy giàu lên mà chỉ thấy thấy đám thanh niên ngày lên rừng, tối lại đánh bạc, rượu chè và anh em trong nhà chửi mắng, đánh nhau.
Trước cảnh tượng đau lòng đó, già Thế đã bàn với các cụ cao tuổi đề nghị họp dân tìm cách tháo gỡ. Rất nhiều ngày, già Thế đã đến từng nhà để tuyên truyền vận động người dân không khai thác gỗ và thay vào đó nhận rừng về chăm sóc và bảo vệ để hưởng cái lợi lâu dài. Trong cuộc họp, ngoài việc giải thích hậu quả của việc phá rừng lấy gỗ, già làng Xa Văn Thế còn đề nghị lập quy ước cấm mọi hành vi lên rừng chặt gỗ, săn thú. Mô hình "Dòng họ Xa tự quản" về bảo vệ rừng của dân tộc Tày được toàn thể họ tộc và cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia góp ý xây dựng và đã trở thành quy ước của thôn bản được mọi người nghiêm túc thực hiện. Bản quy ước đã răn dạy, hướng đến xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau bảo vệ và giữ gìn an toàn về an ninh trong bản làng.
Bản quy ước do già làng Xa Văn Thế khởi xướng đã giúp cho hơn 1.400 ha rừng của bản Nhạp, trong đó có hàng trăm héc ta rừng già đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Riêng gia đình già làng Thế nhận bảo vệ 22 ha rừng nghiến già. Mô hình này đến nay đã được nhân rộng tới các dòng họ Xa ở một số vùng khác trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Yên Bái, Phú Thọ...
Để người dân no cái bụng, giữ rừng bền vững hơn, già Thế lại tham gia vào mặt trận mới là xóa đói nghèo cho nhân dân. Già đã vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Nhờ đó đời sống người dân ngày càng ổn định, nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Xa Văn Xóm, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum cho biết: Già Thế đã 85 tuổi nhưng rất tích cực với công việc của bản làng. ở bản Nhạp 2 xã Đồng Chum, bà con bản làng luôn xem già như "cây đại thụ" giữa đại ngàn, là chỗ dựa tinh thần tin cậy.
Mặc dù năm nay đã bước qua tuổi 85 nhưng già Thế vẫn chưa ngừng cống hiến cho cộng đồng. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân và bảo vệ an ninh thôn xóm, già Thế vẫn cặm cụi sưu tầm những văn hóa đặc trưng của người Tày với mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Hiện, già vẫn đang mở lớp dạy chữ Tày cho người địa phương. Được biết, già Thế là người rất gương mẫu. Già không hút thuốc, không hay rượu chè nên già đã khuyên được nhiều thanh niên từ bỏ những thói hư tật xấu để học lấy những đức tính tốt đẹp. "Muốn nói người khác nghe thì chính bản thân mình cũng phải gương mẫu. Muốn cộng đồng tiếp thu thì chính gia đình mình phải thực hiện tốt đã", già Xa Văn Thế chia sẻ.
Già làng được Bộ trưởng bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Già làng Xa Văn Thế đã dành cả cuộc đời mình để khai sáng và bảo vệ dân làng dưới chân núi Pu Canh. Công lao của già đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Tháng 6/2014, già Thế là một trong những người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình, già vinh dự được Bộ trưởng bộ Công an tặng Kỷ niệm chương về sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. |