+Aa-
    Zalo

    "Huyết chiến" do tín dụng đen: Sập bẫy và trả giá vì những cỗ máy đi đòi nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với mức lãi suất cao “cắt cổ”, tín dụng đen đã và đang trở thành thảm họa khủng khiếp của không ít người dân.

    (ĐSPL) - Với mức lãi suất cao “cắt cổ”, tín dụng đen đã và đang trở thành thảm họa khủng khiếp của không ít người dân. Để được sống yên ổn, nhiều người phải bán tháo nhà cửa, tài sản để trả nợ. Thậm chí, không ít nạn nhân bị tra tấn, đánh đập, đe dọa tính mạng khi các băng nhóm xã hội đen dùng “biện pháp mạnh” để đòi nợ.

    Từ nhà lầu đến... ổ chuột

    Việc nở rộ của hoạt động tín dụng đen đang khiến nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM rơi vào tình trạng khuynh gia bại sản. Bởi, nợ nần ngày càng chồng chất, cuộc sống gia đình cũng theo đó đi vào ngõ cụt và đối diện với hàng loạt khó khăn, thiếu thốn.

    Anh Lê Xuân Văn (33 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, chủ thầu nghề sơn nước tại quận Bình Tân) – một trong những nạn nhân của việc “vay nóng trả lạnh” kể lại: “Một lần làm ăn thua lỗ, không có tiền trả lương cho công nhân, tôi có tìm đến đường dây cho vay siêu nóng sau khi đọc thông tin từ một tờ rơi. Với mức lãi suất 1,8\%/tháng trở lên, các “đạo diễn” của đường dây tín dụng này thay nhau tư vấn, phân tích cho tôi những thuận lợi từ việc vay vốn. Tôi không ngần ngại làm thủ tục vay của tổ chức này số tiền 300 triệu đồng để giải quyết lương cho công nhân và lấy vốn làm ăn”.

    Thế nhưng, lãi suất vay vốn không hề “dễ chịu” như những gì mà anh Văn đọc được từ lời quảng cáo trên tờ rơi. Anh Văn cho hay: “Với việc vay số tiền nói trên, mỗi tháng tôi phải đóng cho họ 30 triệu đồng tiền lời. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi gần như điêu đứng bởi lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ ngày càng tăng theo cấp số nhân. Đến hẹn trả nợ, tôi không có khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi. Việc làm ăn gần như đi vào ngõ cụt vì không có tiền thuê công nhân và đầu tư máy móc, vật liệu. Để chấm dứt những ngày tháng khốn khổ do nợ nần đưa lại, gia đình tôi đành phải bán nhà trả nợ và sống lay lắt trong một căn nhà trọ ổ chuột giữa đất Sài Gòn”.

    Cảnh ngộ như anh Văn đang trở nên khá phổ biến. Nhiều người chỉ vì tin vào tín dụng đen đã trở thành nạn nhân. Cách đây nửa năm, do cần tiền mở quán kinh doanh, chị Nguyễn Thị Liên (42 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) làm giấy tờ vay của một tổ chức tín dụng đen số tiền 500 triệu đồng. Ban đầu, người cho vay làm thủ tục và cho chị vay với mức lãi suất 15\%/tháng. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, tổ chức cho vay tín dụng này bất ngờ nâng mức lãi suất lên tới 20\%. Không thể cầm cự nổi trước số lãi khổng lồ, gia đình chị đành bán cả nhà và quán trả nợ.

    Nhiều người dân điêu đứng khi bị các đối tượng “núp bóng” tín dụng đen lừa gạt.

    Hay, trường hợp của ông Nguyễn Minh Tuấn (tạm trú tại quận Gò Vấp) phải bán tháo, bán đổ nhiều tài sản trong nhà để trả nợ tín dụng đen. Theo lời ông Tuấn, trước Tết Nguyên đán 2016, với mức lãi suất 25\%/tháng, ông có làm thủ tục giao dịch vay số tiền 70 triệu đồng với người cho vay hoàn toàn bằng miệng mà không có bất cứ bản hợp đồng nào. Thế nhưng, không ngờ, việc vay mượn không thế chấp này đã khiến ông “rước họa vào thân”. Ông kể: “Khi tôi chưa kịp trả nợ đúng hẹn, họ cho người đến lấy tài sản, xiết nợ. Cuối cùng, tôi đành phải bán tháo, bán đổ nhiều tài sản trong gia đình để trả tiền cho tổ chức tín dụng đen này”.

    Tín dụng đen ngày càng biến tướng 

    Thượng tá Trịnh Văn Sâm – Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 9 (TP.HCM) cho biết: “Hoạt động tín dụng đen ngày càng biến tướng, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Thời gian qua, không ít đối tượng hoạt động tín dụng đen đã lừa gạt lấy đi số tiền phí làm thủ tục vay của người dân. Để ngăn chặn tình trạng này, trước khi quyết định làm giấy tờ vay tiền bên ngoài, người dân cần phải kiểm tra xem tổ chức đó có chức năng cho vay vốn hay không”.

    Bị đưa sang biên giới tra tấn, tống tiền

    Không chỉ điêu đứng vì những khoản lời “cắt cổ”, nhiều người còn bị đe dọa tính mạng chỉ vì không trả nợ tín dụng đen đúng thời hạn. Từng là nạn nhân của “cỗ máy” khủng khiếp này, anh Trần Văn Tiến (42 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) vẫn chưa quên thời khắc kinh hoàng khi chỉ vì không trả được số tiền 200 triệu đồng vay tín dụng đen, cả gia đình anh bị xã hội đen uy hiếp, đe dọa tính mạng.

    Theo lời anh Tiến, sự việc xảy ra vào cuối năm 2015. Thời điểm đó, quá sợ hãi, gia đình anh đã van xin họ cho thêm một thời gian để kiếm tiền trả nợ. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, các đối tượng dân anh chị với bộ dạng bặm trợn hung ác, máu lạnh tìm đến nhà đập phá, đe dọa và lấy đi nhiều tài sản để xiết nợ một cách trắng trợn. Chúng chẳng có một chút tình người nào mà giống như những cỗ máy đòi nợ. Khi mọi người ngăn lại thì bị những nhóm xã hội đen đòi nợ thuê dùng vũ lực đánh đập và cảnh báo sẽ trả thù nếu dám báo công an.

    Cũng chỉ vì sa chân vào thế giới tín dụng đen, nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM còn buộc phải bán nhà giá rẻ cho chủ nợ để được sống yên ổn. Chia sẻ với PV, ông Hoàng Văn Quý (54 tuổi, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: “Cách đây hơn 1 năm, vì con cái thường xuyên bài bạc, đá gà nên gia đình tôi phải ôm những khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Do không có tiền trả nợ cho con nên gia đình tôi nhiều lần bị xã hội đen tìm đến chửi mắng, đe dọa, thậm chí đánh đập. Trước tình hình nguy cấp, tôi chỉ còn biết vay chỗ này, đập chỗ kia để giải quyết nợ nần. Tuy nhiên, những lần vay nặng lãi của các tổ chức, cá nhân tín dụng đen ngày càng tăng khiến cho cả gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Không những thế, chủ nợ còn cho giang hồ đến bắt tôi phải bán lại căn nhà đang ở với giá rẻ để trừ số tiền nợ 200 triệu đồng”.

    Không chấp nhận yêu cầu của chủ nợ, cả gia đình ông Quý nhiều lần bị giang hồ đuổi và bắt phải dọn hết đồ đạc ra khỏi nhà. Qúa bi đát, gia đình ông Quý đành phải xin ở tạm ngoài hiên để tìm cách giải quyết nhưng vẫn không được yên thân. Cuối cùng, ông Quý đành ngậm ngùi bán lại căn nhà cho chủ nợ với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế để cả gia đình được sống yên thân.

    Bên cạnh những nạn nhân nói trên, nhiều người vì máu đỏ đen mà trở thành nạn nhân bị các đối tượng đòi nợ tín dụng đen khống chế, thậm chí đưa sang biên giới đánh đập, tống tiền. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn L. (45 tuổi, tạm trú quận Tân Phú) là một ví dụ điển hình. Vào năm 2013, ông L. có tham gia cá độ bóng đá và nợ một đối tượng giang hồ có tên Huỳnh Gia Thịnh (36 tuổi, quê Đà Nẵng) số tiền 300 triệu đồng. Xác định không thể trả nợ, ông L. đã tìm cách lẩn trốn Thịnh. Cho đến chiều 30/1, ông L. bị đối tượng Thịnh và 8 đồng bọn khác khống chế tại một quán cà phê trên đường Lê Thúc Hoạch (phường Tân Quý, quận Tân Phú).

    Sau khi khống chế con nợ, nhóm của Thịnh đưa ông L. đến một quán cà phê trên đường Hương Lộ 3 (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) rồi thay nhau đánh đập, dọa giết. Không chỉ vậy, tối cùng ngày nhóm của Thịnh còn thuê xe ô tô đưa ông L. sang Campuchia. Tại đây, nhóm đối tượng nhốt ông L. vào một phòng khách sạn và tiếp tục đánh đập, yêu cầu người nhà đến chuộc về. Đến ngày 22/2, được thả về Việt Nam sau hàng chục ngày bị giam giữ, ông L. đã tìm đến Công an quận Tân Phú tố cáo hành vi phạm tội của nhóm Thịnh. Từ thông tin trình báo của ông L., Công an quận Tân Phú đã vào cuộc điều tra và nhanh chóng bắt giữ Thịnh cùng đồng bọn để phục vụ điều tra. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, Thịnh và các đồng bọn của mình vốn nằm trong một băng nhóm giang hồ chuyên đòi nợ thuê.

    Hệ quả lớn khi chuỗi mắt xích tín dụng đen bị vỡ
    Đánh giá về những rủi ro khi tham gia tín dụng đen, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho rằng: “Hoạt động tín dụng đen là cả một chuỗi bao gồm nhiều mắt xích, người cho vay cũng có thể là người vay. Do đó, khi một mắt xích bị phá vỡ sẽ dẫn đến hệ quả là sụp đổ dây chuyền, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội. Đối với người cho vay, lợi dụng yếu tố đơn giản của tín dụng đen, không ít người vay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền như tạo vẻ hào nhoáng bên ngoài để lấy lòng tin, vay được tiền rồi bỏ trốn. Do đó, khi xảy ra sụp đổ dây chuyền, nếu xuất hiện yếu tố chiếm đoạt tài sản thì người vay sẽ bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu cho vay với lãi suất “cắt cổ” sẽ bị khởi tố về tội Cho vay nặng lãi. Trong trường hợp không có dấu hiệu hình sự thì phải làm thủ tục khởi kiện dân sự. Nhưng trong tất cả các trường hợp, việc thu hồi lại được tài sản là rất khó khăn”.

    N.P.V

    [mecloud]PQVlXnNcSJ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyet-chien-do-tin-dung-den-sap-bay-va-tra-gia-vi-nhung-co-may-di-doi-no-a122071.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.