Luque đang bị nghi ngờ liên quan đến cái chết của Maradona, khi thực hiện ca phẫu thuật não cho "Cậu bé vàng" Diego Maradona.
Bác sĩ Leopoldo Luque chụp ảnh với Diego Maradona sau ca phẫu thuật xử lý máu đông hai tuần trước khi huyền thoại bóng đá Argentina qua đời. Ảnh: Twitter |
Huyền thoại bóng đá thế giới Diego Maradona đã qua đời hồi giữa tuần qua trong một ngôi nhà ở thị trấn Tigre, Argentina. Bác sĩ riêng của ông, Leopoldo Luque, đang bị điều tra vì được cho là liên quan tới cái chết của huyền thoại bóng đá này.
Các thẩm phán đã ra lệnh khám xét nhà cũng như phòng khám của bác sĩ, với sự xuất hiện của khoảng 30 cảnh sát tại mỗi địa điểm.
Yếu tố dẫn tới cuộc điều tra là mối nghi ngờ về sơ suất y tế trong những ngày cuối đời của Maradona và do đó, có khả năng xảy ra án mạng nghiêm trọng.
Có thông tin cho rằng, Maradona không có giấy xuất viện để rời khỏi phòng khám, nơi ông đã phải phẫu thuật vì tụ máu não hồi đầu tháng 11. Tuy nhiên, ông đã rời đi vào ngày 11/11 để trở về nhà của mình ở Tigre, Buenos Aires.
Trong cuộc khám xét, lực lượng chức năng kiểm tra bệnh án của Maradona, kiểm tra điện thoại, máy tính và các tài liệu có liên quan. Họ thu giữ một tập tài liệu với khoảng một trăm trang chứa các nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và báo cáo từ các chuyên khoa khác nhau về sức khỏe của Maradona, cùng với điện thoại di động của vợ chồng Luque.
Tại nhà riêng, cảnh sát thu giữ 1 chiếc iPhone, 2 máy tính bảng và 2 máy tính xách tay. Còn ở văn phòng, cảnh sát thu giữ 1 máy tính.
Bác sĩ riêng của Maradona cảm thấy rất sốc khi biết mình bị điều tra vì nghi ngờ có liên quan trong sơ suất điều trị cho thân chủ giữa lúc có những thông tin cho rằng cái chết của huyền thoại 60 tuổi có thể bị coi là ngộ sát.
Hai tuần trước khi qua đời, "Cậu bé vàng" phải lên bàn mổ để xử lý các cục máu đông dưới màng não. Maradona sau đó được về nhà ở ngoại ô Buenos Aires, nhưng vẫn phải điều trị sau phẫu thuật, dưới sự giám sát của bác sĩ, nhân viên y tế.
Chính bác sỹ Luque xử lý những cục máu đông nói trên của Maradona. Tuy vậy, bác sĩ cũ của Maradona, ông Alfredo Cahe, lại nghi ngờ tính cần thiết của ca phẫu thuật này. Cahe còn cho rằng căn nhà ở vùng ngoại ô của Maradona cũng không thích hợp cho việc phục hồi.
Luque phân trần: "Cái chết của Maradona không liên quan gì đến cục máu đông. Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Không có sai sót y tế nào trong cuộc phẫu thuật nói trên. Thật không may, ông ấy qua đời vì một cơn đau tim. Với một người có tiền sử bệnh như Maradona, những cơn đau tim là điều không khó hiểu".
Trước đó có những báo cáo tiết lộ Maradona và bác sĩ Luque đã cãi nhau vài ngày trước khi cựu danh thủ 60 tuổi qua đời.
Ngày 29/11, truyền thông Argentina còn tiết lộ câu chuyện bác sĩ riêng của Diego Maradona từng vướng vào một vụ án giết người đầu năm 2011. Ông bị buộc tội giết người trong một vụ đánh nhau trên đường ở khu phố Villa Caraza, khiến một người đàn ông thiệt mạng.
Tuy nhiên sau khi điều tra, Luque chỉ là người đứng nhìn, không tham gia vào vụ ẩu đả. Ông bị giam giữ trong 4 tháng rồi được thả, trong khi 3 người anh bị kết án 8,5 năm tù. Các công tố viên đã kháng cáo, nhưng Luque được tuyên trắng án tại phiên tòa năm 2015.
Khi được hỏi về điều này, bác sĩ riêng của Maradona tỏ ra bực tức: "Tôi cảm thấy phát ốm khi nói về điều đó. Tôi rất tiếc khi có án mạng xảy ra nhưng tôi không phải là thủ phạm".
Maradona qua đời hôm 25/11 sau một cơn đau tim. Sinh thời, huyền thoại bóng đá Argentina nghiện rượu và ma túy trong thời gian dài. Đời tư phức tạp với nhiều vụ kiện khác nhau càng khiến nhà vô địch World Cup 1986 thêm mệt mỏi. Theo Luque, báo chí và truyền thông đã đổ oan cho ông sau cái chết của huyền thoại bóng đá.
Luque, với tư cách bác sĩ riêng, khẳng định ông đau đớn nhất khi một bệnh nhân thân thiết như Maradona qua đời. "Tôi yêu ông ấy, và đã cố gắng làm mọi điều có thể cho ông tới những ngày cuối cùng. Tôi không phải fan của Maradona, mà là fan của Diego. Ông ấy là bệnh nhân tôi luôn trân quý. Gần đây, Diego có hỏi tôi 'Anh còn định cố đến khi nào, vì tôi chẳng muốn cố nữa?'", Luque kể.
"Tôi không thể ép bệnh nhân nếu người đó không muốn. Diego nhiều lần đuổi tôi ra ngoài, sau đó vài lần gọi điện cho tôi. Tôi góp ý, nhưng anh ấy không chấp nhận. Nếu không phải tôi ở bên Diego, ông ấy thậm chí còn không chịu nhổ một cái răng. Tôi là người đau đớn nhất trước những gì xảy ra với Diego".
Mộc Miên (T/h)