+Aa-
    Zalo

    Huyện Ba Vì đổi thay sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa của Thành phố Hà Nội, nằm về phía tây bắc của Thủ đô.

    Nhớ lại những khó khăn bước đầu

    Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa của Thành phố Hà Nội, nằm về phía tây bắc của Thủ đô. Với tổng diện tích 423 km2, dân số hơn 287 nghìn người (bao gồm 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao), toàn huyện có 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, một xã giữa sông Hồng. Trao đổi với PV Báo ĐS&PL, đồng chí Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhớ lại những ngày bắt đầu thực hiện Chương trình Nông thôn mới (NTM) vào năm 2010: Khi đó, huyện Ba Vì chủ yếu sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi còn chậm và chưa đa dạng mô hình. Đánh giá sơ bộ ban đầu của hầu hết các địa phương thì các tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó làm và cần đầu tư nhiều kinh phí như: Cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường…Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn mặc dù đã từng bước được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nhiều nơi còn khó khăn. Vệ sinh môi trường một số khu vực nông thôn vẫn còn ô nhiễm. Đời sống và thu nhập của đa số nông dân nhất là các xã miền núi còn thấp, nhiều lao động thiếu việc làm thu nhập không ổn định. Chất lượng các dịch vụ y tế, giao dục nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vào giai đoạn 2010 – 2012 có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu ngân sách huyện, từ đó đã ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn trong đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng NTM.

    Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Nông thôn mới

    Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao, được sự hỗ trợ từ Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và các ban ngành chức năng, Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì đã thành lập BCĐ huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các các thành viên phụ trách từng nhóm tiêu chí, từng xã. Huyện uỷ, UBND huyện định kỳ hàng tháng, hàng quý giao ban với các xã, các ngành để kiểm tra, bám sát cơ sở nắm tiến độ, kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong việc tháo gỡ những vướng mắc để hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Cùng với quyết tâm của huyện, hệ thống chính trị các xã cũng vào cuộc quyết liệt với việc tổ chức các Ban chỉ đạo để thực hiện từng tiêu chí đạt kết quả.

    Kết quả sau 10 năm thực hiện

    Theo đồng chí Bạch Công Tiến, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đáp ứng được mong mỏi của toàn xã hội, được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ cao. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đánh giá khái quát sau 10 năm, các mặt kinh tế xã hội của huyện Ba Vì đã có đổi thay rõ rệt, nhân dân rất vui mừng phấn khởi. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của huyện.

    Thành tựu Nông thôn mới của Huyện Ba Vì là kết quả của sự phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị

    Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các nhóm ngành công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện (lúa gạo, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau, thực phẩm…). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: Lúa hàng hóa chất lượng cao, Thanh long ruột đỏ, rau an toàn, gia cầm, bò thịt, bò sữa... Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, các mặt văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được duy trì ở tất cả các xã, số xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở tăng. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày một tăng cao.

    Cùng với những thành tựu trên, hệ thống chính trị cơ sở huyện Ba Vì không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định. Có thể nói, phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được nhân dân và xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa lớn và thật sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

    Lễ đón nhận Bằng ghi nhận thủ tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản phi vật thể cấp quốc gia

    Đến 30/6/2019 toàn huyện Ba Vì có 15/30 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tản Hồng, Thuần Mỹ, Cổ Đô, Phong Vân, Phú Châu, Phú phương, Châu Sơn, Đông Quang, Thụy An, Sơn Đà, Ba Trại, Phú Sơn, Thái Hòa, Chu Minh, Phú Cường) đạt 50% tổng số xã. Năm 2019 này có 4 xã đăng ký phấn đấu thực hiện hoàn thành là Minh Châu, Minh Quang, Tòng Bạt và Vạn Thắng. Năm 2020 phấn đấu thực hiện hoàn thành thêm 04 xã nữa để nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM lên 23/30 xã, đạt 76,7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra.

    Những bài học kinh nghiệm quý báu

    Từ những thành công và cả những khó khăn mà huyện Ba Vì đã trải qua trên con đường xây dựng NTM, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân huyện Ba Vì và nhiều địa phương khác. Trước tiên, công tác tuyên truyền đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, Ba Vì đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức được gần 150 hội nghị, hội thảo, 120 lớp tập huấn cho thành viên Ban chỉ đạo, trưởng các phòng ban ngành , lãnh đạo xã và bí thư chi bộ các thôn xóm để quán triệt, tuyên truyền, vận động triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời với công tác tuyên truyền và phát động tốt các phong trào thi đua, từ đó đánh giá đúng mức, đúng đối tượng, khen thưởng kịp thời hoặc đề để động viên các nhân tố điển hình và từ đó nhân rộng mô hình lao động, sản xuất giỏi trong cộng đồng.

    Phát huy đoàn kết, toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới là yếu tố quyết định

    Bài học thứ hai là cần phải quan tâm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là những tồn tại từ lâu trong dân cư, thông qua việc giải quyết tốt những vấn đề kinh tế, công ăn việc làm, vấn đề đất đai,  các chế độ chính sách để quan tâm sâu sát, động viên kịp thời, giải quyết dứt điểm khi những vấn đề mới phát sinh. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương phải luôn đặt lợi ích của nhân dân, của tập thể làm trọng, coi lợi ích của nhân dân là gốc của mọi vấn đề và chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc mình lãnh đạo, không nên đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm.  

    Bài học thứ ba là trong xây dựng nông thôn mới cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng thôn, xã, không rập khuôn, máy móc, nhưng phải theo các quy định để định hướng hành động và là thước đo để đánh giá kết quả. Các địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao; huy động nguồn lực đa dạng nhất là trong xây dựng hạ tầng. Trong thực hiện công việc, cán bộ, đảng viên phải luôn là người tiên phong, nêu gương, đổi mới phong cách làm việc hiệu quả nhất.

    Một góc đồi chè Ba Vì - Địa danh du lịch hấp dẫn giới trẻ

    Cuối cùng, cũng là bài học mà đồng chí Bạch Công Tiến rất tâm đắc, đó là xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Cần phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong việc thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện để quá trình xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc đạt được các tiêu chí tạm thời, mà là những đổi thay thật sự, bền vững cho vùng đất có núi Tản sông Đà hùng vĩ của Thủ đô Hà Nội.

    Thu Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-ba-vi-doi-thay-sau-10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-a292311.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan