(ĐSPL) - Để các nạn nhân dễ dàng móc hầu bao cho mình vay tiền, Nguyễn Thị Loan thường trả lãi suất cao ngất ngưởng, có khi lên tới 12.000 đồng/triệu/ngày. Khi “ôm” gần 24 tỷ đồng của 31 nạn nhân, Loan tuyên bố vỡ nợ và không còn khả năng chi trả.
Ngày 23/5, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Thị Loan (35 tuổi, trú tại xã Tân Sơn, Đô Lương, Nghệ An) - tin tức đăng tải trên báo Dân Trí.
Nguyễn Thị Loan trước vành móng ngựa - Ảnh: báo Dân trí |
Báo Nghệ An thông tin, chủ hụi Nguyễn Thị Loan đã huy động số tiền của nhiều cá nhân, phường hụi bằng hình thức chơi hụi, mua hụi, vay tiền. Nạn nhân trong dây hụi của bà Loan phần lớn ở tại địa bàn xã Tân Sơn và vùng lân cận. Người thấp nhất là vài chục triệu đồng và cao nhất lên đến tiền tỷ.
Cũng theo báo Dân Trí, Loan đã lên kế hoạch để chiếm trọn lòng tin của người dân. Cụ thể, để “đánh bóng” bản thân, Loan cắm bìa đất của gia đình, thậm chí mượn bìa đất của người thân vay tiền ngân hàng để “đầu tư” cho hình ảnh một người đàn bà giàu có để dễ dàng “huy động vốn” cho cú làm ăn lớn.
Với hình ảnh một người phụ nữ giàu có, sẵn sàng trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng, Nguyễn Thị Loan vận động người dân địa phương cho vay tiền với nhiều lý do như đảo khế ngân hàng, đầu tư kinh doanh… Lãi suất tiền vay mà Loan trả cho các chủ nợ 2.000 đồng/triệu/ngày. Thậm chí có thời gian lãi suất lên tới 12.000 đồng/triệu/ngày. Thời gian đầu Loan trả lãi sòng phẳng, có khi hào phóng trả lãi trước cả tháng.
Sẵn mối quan hệ quen biết, lại thấy Loan có tiềm lực kinh tế nên nhiều nạn nhân đã nhanh chóng sập bẫy, cho Loan vay một số tiền lớn mà chỉ cần một tờ cam kết viết tay. Nhiều nạn nhân còn vay mượn, huy động tiền từ người nhà, người quen để cho Loan vay nhằm hưởng lãi suất chênh lệch. Trong số các nạn nhân của Loan có người là cán bộ nhà nước, có người là cán bộ ngân hàng nhưng cũng có nhiều người là nông dân, người lao động…
Sau một thời gian huy động vốn và trả lãi sòng phẳng, Nguyễn Thị Loan tuyên bố vỡ nợ và ra Hà Nội chữa bệnh. Lúc này, các nạn nhân của Loan mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan chức năng.
Theo kết quả điều tra của Công an huyện Đô Lương, số tiền mà Loan chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới 23,9 tỷ đồng, trong đó nạn nhân cho Loan vay 20 lần với số tiền 6,6 tỷ đồng. Tổng cộng có 31 người khánh kiệt vì cho Loan vay tiền và bị chiếm đoạt. Mặc dù chiếm đoạt của các nạn nhân số tiền rất lớn nhưng Nguyễn Thị Loan không cho biết mình đã sử dụng số tiền đó vào đâu.
Tại phiên xét xử sáng ngày 23/5, do vắng 7 bị hại nên đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo cho việc xét hỏi, luận tội. Trong khi HĐXX vào hội ý, Nguyễn Thị Loan được phép ngồi xuống ghế để chờ. Lúc này, các bị hại bắt đầu bức xúc. Ngồi trên ghế chờ, Nguyễn Thị Loan rơm rớm nước mắt rồi khóc thút thít cho biết không còn khả năng trả nợ.
Sau khi hội ý, xét thấy việc vắng mặt của 7/31 bị hại sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi, tranh tụng và luận tội đối với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Loan nên HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào ngày 20/6 tới.
Sau khi Chủ tọa tuyên bố hoãn phiên tòa, các bị hại bắt đầu lên tiếng phải đối, yêu cầu phải xét xử ngay trong ngày hôm nay bởi đường xá đi lại xa xôi, thời gian mở phiên tòa mà HĐXX ấn định rơi vào mùa thu hoạch lúa nên nhiều người sẽ không sắp xếp được thời gian tham dự. Phải mất khá nhiều thời gian, thư ký phiên tòa mới có thể thuyết phục các bị hại rời phòng xét xử để tòa tiếp tục làm việc.